"Tôi không có quá nhiều áp lực khi viết một điều gì đó, không mưu cầu để trở thành điều gì lớn lao hoặc nổi tiếng, nhưng văn chương là một điểm tựa để tôi kể chuyện người, kể chuyện mình, gửi gắm ước muốn nào đó..." - Nguyễn Thị Việt Hà chia sẻ. Sắc sảo, thông minh, nhưng duyên ngầm, dịu dàng, đó là những gì độc giả có thể cảm nhận được từ văn và người của cây bút này.
Nếu như ở sách Tiếng Việt 4, bộ Chân trời sáng tạo, Nguyễn Thị Việt Hà đã đưa học sinh về phương Nam với 2 tác phẩm Thân thương xứ Vàm và Về lại Gò Công, thì ở sách Tiếng Việt 5 (tập 1, bộ Chân trời sáng tạo), chị bất ngờ sẻ chia những yêu thương ấm áp với Rét ngọt của miền Bắc.
Ngoài ra, chị có 2 tác phẩm được giảng dạy trong chương trình Giáo dục địa phương của tỉnh Cà Mau: Ở Cà Mau mà lại nhớ Cà Mau (tản văn) và Ở lại cùng sông (truyện ngắn).
Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà
Vitamin tươi đẹp của cuộc sống rót vào tâm hồn
*"Rét ngọt" - chỉ một bài đọc trong sách giáo khoa lớp 5, nhưng tác giả đã mở ra một bầu trời thơ ấu ấm áp của tình bà cháu, gia đình và những ký ức tuổi thơ chè lam, khoai nướng, mùi rơm cuối vụ... Đây có phải là ấn tượng về tuổi thơ của chị?
- Cuộc đời tôi vô cùng thú vị khi được làm "con của nhiều quê hương". Bắc Giang, là quê ngoại của tôi. Khi gia đình không tròn vẹn, cha mẹ không ở với nhau, tôi và các em theo mẹ về quê ngoại, khi ấy tôi lên 7 tuổi. Không có ruộng vườn, mẹ phải buôn ngược bán xuôi, những ngày mẹ đi buôn xa, gởi mấy chị em ở nhà bà ngoại, ngoại chăm, từ chuyện học hành đến việc ăn uống.
Rét ngọt là tất cả tuổi thơ tôi, là phần đời êm đềm nhất mà tôi có được bên mẹ, bên bà ngoại và bạn bè. Bây giờ cánh đồng đẹp như trong cổ tích của làng tôi không còn nữa, tất cả đã trở thành khu công nghiệp cả rồi, nhưng ký ức của những ngày rét ngọt còn lại mãi mãi, ru vỗ tâm hồn tôi.

Trang sách có bài “Rét ngọt”
* Không nhiều tác giả sách giáo khoa có sự kết nối nhiệt tình với các thầy cô, học sinh khắp nơi bằng cách tự quay clip chia sẻ về tác giả, tác phẩm để giúp cô trò có những bài học sinh động hơn. Với chị, việc này có ý nghĩa như thế nào?
- Mỗi lần tôi được các em học sinh "nhận ra" ở giữa lòng Cà Mau, nơi mình đang sống và làm việc, được nghe các em nói về tác phẩm của mình, được các em tìm đến trò chuyện để hiểu thêm tác phẩm của mình, tôi rất hạnh phúc, điều đó giống như vitamin tươi đẹp của cuộc sống rót vào tâm hồn tôi vậy. Tôi cũng thường được các thầy cô "nhận ra" trên Facebook để hỏi về tác phẩm và nhờ tôi quay clip giới thiệu tác phẩm, tôi đều rất vui vẻ thực hiện.
Việc kết nối nhiệt tình với các thầy cô, học sinh khắp nơi bằng cách tự quay clip chia sẻ về tác giả, tác phẩm để giúp cô trò có những bài học sinh động hơn, điều đó có ý nghĩa rất lớn trong việc hiểu đúng, đủ và sâu sắc tác phẩm, giúp tác phẩm trong sách giáo khoa trở nên gần gũi hơn. Sự kết nối từ trang sách đến đời thực khiến cả tác giả và học sinh cảm nhận được về nhau rõ ràng hơn, những thông điệp nhân văn mà tác phẩm hướng đến không còn quá xa xôi nữa mà như hiện ra ngay trước mắt.

Hướng dẫn bài vở cho học sinh
* Có nhiều tác phẩm trong sách giáo khoa, chị có kỷ niệm đáng nhớ nào với độc giả (thầy cô, học sinh) không?
- Mùa Hè năm 2023, khi tôi đang ở tòa soạn thì nhận được cuộc gọi của chị Thanh An, nói rằng muốn cảm ơn vì nhờ Về lại Gò Công của tôi mà Gò Công (Phú Tân, Cà Mau) được nhiều người biết đến hơn, nên muốn gặp tôi. Tôi đã đến quán cà phê gần tòa soạn để gặp chị thì nhận ra đó chính là cô giáo An (bà Đào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau), với lớp học đặc biệt nhất Việt Nam, khi người nhỏ tuổi nhất của lớp năm ấy đã 64 tuổi, còn lớn nhất là 76 tuổi; chị cũng là mẹ đỡ đầu của hơn 40 trẻ em mồ côi. Chị nắm lấy tay tôi, đôi mắt rưng rưng xúc động, chị mời tôi đến lớp học đặc biệt, để cùng đọc vang vang Trở lại Gò Công ở giữa lớp học gần cửa biển Gò Công, mà người học bằng tuổi cha mẹ mình...
"Truyện của tôi buồn da diết lắm, không nhân vật nào có cuộc đời bằng phẳng, bình yên, nhưng dù tận khổ thì họ cũng tìm ra con đường có ánh sáng, hướng thiện mà sống" - Nguyễn Thị Việt Hà.
Tôi viết như để thở...
* Khá nhiều tác phẩm của chị, đọc thấy thấp thoáng tự truyện. Hình như được giãi bày, chia sẻ những buồn vui mà mình đã đi qua là 1 trong những mục đích sáng tác của chị?
- Cuộc đời tôi gian truân nhiều không kể xiết, tôi viết như để thở, để kể chuyện đời mình thông qua nhân vật nào đó. Truyện của tôi buồn da diết lắm, không nhân vật nào có cuộc đời bằng phẳng, bình yên, nhưng dù tận khổ thì họ cũng tìm ra con đường có ánh sáng, hướng thiện mà sống.
Đau chỗ nào cũng là… đau, có nhiều nỗi buồn mà 2 từ tuyệt vọng không thể diễn tả hết được, nhưng tôi luôn sống và chấp nhận với tất cả những gì cuộc đời cho, không oán trách, không đòi hỏi. Vui buồn sướng khổ gì cũng vừa đủ trong vuông tròn của mình. Giữa những mông lung, đôi khi cũng chẳng biết đâu là bến bờ, thì tôi vẫn luôn nghĩ ở phía trước mình điều ấm ấp, dịu dàng đang đợi.

Thích chơi với trẻ em
* Sinh ra ở miền Bắc, lớn lên ở Tây Nguyên, lập nghiệp và gắn bó hơn nửa cuộc đời ở miền Tây Nam bộ - tỉnh Cà Mau. Điều này có giúp gì cho ngòi bút của chị?
- Cuộc sống của tôi từa tựa như những du mục hoặc khách thương hồ, rày đây mai đó, "một chốn bốn quê"… Nhưng nhờ vậy mà vốn sống, vốn hiểu biết về các vùng miền đã giúp tôi viết được đa giọng điệu và phong cách. Có khi viết rặt miền Tây, có khi đặc sệt miền Bắc, hồi khác lại khẳng khái Tây Nguyên... Ngoài ra, việc dịch chuyển (dường như bất tận) giúp tôi có sự thích nghi với các môi trường khác biệt rất nhanh.
* Với thơ, chị không dành nhiều thời gian như với văn xuôi, nhưng "Khi chúng ta già"lại từng gây sốt và được rất nhiều độc giả yêu thích. Theo chị, đây là duyên may, hoặc vì lý do nào khác?
- Tôi vẫn làm thơ và đã có 2 tập (Khi chúng ta già và Hương tình nhân), nhưng chỉ khi buồn và ngẫu hứng thôi… Khi chúng ta già là bài thơ mà năm 30 tuổi, tôi viết cho tuổi 60 của mình, tìm về một nơi chốn bình yên bên người mình yêu thương khi các con đã trưởng thành. Có thể là… duyên may, khi bài thơ trùng với mong muốn của nhiều người khi về già. Bây giờ tôi hơn 40 tuổi rồi, giấc mơ trong Khi chúng ta già vẫn còn nguyên vẹn.
* Vì sao khi đang là hiệu trưởng đầy triển vọng trong ngành giáo dục chị lại chuyển sang văn chương và ở tuổi chín trong nghề văn chị lại nghỉ công tác tại một cơ quan về văn học nghệ thuật để chuyên tâm vào kinh doanh?
- Vì lựa chọn của trái tim người mẹ. Tính đến giờ tôi đã 3 lần bỏ ngang công việc khi sự nghiệp vừa đạt thành tựu nào đó. Tôi nghỉ ngay lập tức, không đợi đến hôm sau, không đắn đo hối tiếc điều gì, nhất là khi con trai tôi gặp sự cố sức khỏe nghiêm trọng. Ơn trời, ơn đời… Tôi chưa bao giờ quyết định sai khi tập trung cho vấn đề duy nhất và thiêng liêng ấy. Tôi đã kịp mang tuổi thơ trở về cho con, kịp mang âm thanh và ánh sáng trở về cho con.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Vài nét về Nguyễn Thị Việt Hà
Sinh năm 1978. Hiện sinh sống tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Một số tác phẩm đã xuất bản: Con đò và thiếu phụ (tập truyện ngắn, 2013), Bức thư tình thứ 901 (tập truyện ngắn, 2014), Mưa vẫn rơi ngoài hiên (tập truyện ngắn, 2014), Bình minh mùa Thu (tiểu thuyết, 2014), Khi chúng ta già (tập thơ, 2014), Câu chuyện của cánh đồng (tập tản văn, 2016), Đánh thức ban mai (tập bút ký, 2017), Ở giữa Cà Mau mà lại nhớ Cà Mau (tập tản văn, 2017), Trái tim của bố (truyện dài, 2018), Mọi cuộc gặp gỡ trên đời đều là hẹn ước (tập tản văn, 2019)…
Một số giải thưởng: Giải Nhất cuộc thi Văn học trẻ năm 1995, thể loại thơ, do Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức; Giải Nhì cuộc thi Văn học trẻ năm 1995, thể loại truyện ngắn, do Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức; Giải Ba truyện ngắn Câu chuyện tặng chồng tôi do tạp chí VTV cùng Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức năm 2007; Giải Nhì truyện ngắn ĐBSCL lần 4 năm 2011; Giải Nhất Chuyện bây giờ mới kể của báo Người Lao động năm 2012; Giải Nhì cuộc thi tùy bút Đời chợ và tôi năm 2012…
(Còn tiếp)