Ở tuổi 85, việc "gặp lại" tác phẩm điêu khắc bằng đồng từng được triển lãm 20 năm trước (nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ) là một câu chuyện đầy xúc động với nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh.
Thể hiện hình ảnh một người dân công bên chiếc xe đạp thồ bằng chất liệu đồng, tác phẩm điêu khắcCả nước ra trận của ông được trưng bày tại triển lãm Đường lên Điện Biên vừa ra mắt công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cuối tuần qua. Triển lãm trưng bày 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả.
Một biểu trưng rất đẹp
Ở tuổi 85, có mặt tại sự kiện, nhà giáo - nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh xúc động hồi tưởng lại hành trình gắn bó với mảnh đất Điện Biên. Như lời kể, ông đã có không dưới 20 lần đặt chân đến nơi này.
Tác giả chụp ảnh bên tác phẩm “Cả nước ra trận”
Lần đầu đến Điện Biên Phủ là năm 2003, với ông, lần gặp gỡ đầu tiên ấy luôn mang một giá trị riêng về mặt cảm xúc, khiến ông đau đáu ấp ủ việc sáng tác một tác phẩm dành riêng cho Điện Biên.
"Trong ký ức của tôi, không gian của Điện Biên Phủ khi đó vẫn còn rất hoang sơ. Tôi nhớ, lúc bấy giờ mình đứng trên đồi A1, nơi đó vẫn còn có đài quan sát nhìn xuống dưới sân bay Mường Thanh. Từ góc nhìn ấy, tôi bắt đầu hình dung về cuộc chiến đấu, về cách mà các chiến sĩ ta từng bước đào hào tiến vào trận địa, tiến thẳng tới hầm Đờ Cát (De Castries) như thế nào" - ông kể.
Một chiếc xe đạp thồ được tái hiện tại triển lãm
"Khi đó, tôi đã tự hỏi: Ở một cuộc chiến thu hút hàng vạn con người như vậy, quân và dân chúng ta đã lấy gì ăn hàng ngày? Rồi để có lương thực, đạn dược, chúng ta đã gánh gồng đưa mọi thứ vượt bao đèo núi thế nào? Bởi thế, hình ảnh gây xúc động lớn nhất và đọng lại nhiều nhất ở tôi cuối cùng chính là những chiếc xe thồ của dân công. Đó là một sự sáng tạo kỳ diệu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Có lẽ, không chỉ ở Việt Nam mà tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới, chúng ta cũng khó tìm ra một chiến dịch có sự xuất hiện nhiều của những chiếc xe đạp thồ như ở Điện Biên năm 1954".
Qua tìm hiểu, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh biết thêm, đặc tính của xe đạp thồ là lúc chở hàng đi thì rất nặng nhưng lúc về, xe không chở gì, sẽ đi rất nhanh. Bởi thế, trong chiến dịch Điện Biên, có những dân công đi được tới hơn 10 lượt chuyên chở, vượt hàng trăm cây số trên những chiếc xe đạp này. Phương tiện thô sơ ấy, dưới góc nhìn của ông, lại là một biểu trưng rất đẹp cho tinh thần quyết thắng.
Nhà giáo, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh phát biểu tại sự kiện
Ông đã trăn trở khá lâu về một tác phẩm gắn với hình tượng chiếc xe thồ và mang đủ ý nghĩa. Ở đó, người xem phải được chứng kiến câu chuyện của những người dân công có thể chở tới 3 tạ hàng, vượt qua những con đường đèo để tiến vào trận địa.
"Sau khi lên ý tưởng, tôi vẽ phác thảo hình ảnh người dân quân đang tải nặng trên con đường dốc. Nhưng khi thực hiện, tôi phải chỉnh sửa bố cục rất nhiều lần để làm rõ được yếu tố "động" của tác phẩm, để người xem cảm nhận được sự chuyển động của hình tượng cũng như tính cân xứng về sức nặng của chiếc xe hay khả năng chịu lực của người dân công".
Triển lãm Đường lên Điện Biên kéo dài đến hết ngày 15/5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).
Cùng trả "món nợ trách nhiệm" của giới mỹ thuật
Đây là lần thứ 2 tác phẩm Cả nước ra trận được triển lãm nhân dịp kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Lần đầu, sau khi hoàn thành, tác phẩm có mặt tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005, nhân dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau triển lãm này, tác phẩm được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại.
Tác giả chụp ảnh bên tác phẩm “Cả nước ra trận”
Khi gặp lại "đứa con" của mình trong dịp này, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh có thêm nhiều suy tư về Điện Biên. Ông vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc về một Điện Biên Phủ còn hoang sơ của 20 năm trước, thăm hầm Đờ Cát vẫn còn cỏ dại mọc ngổn ngang, đứng ở khu di tích trận đồi Him Lam còn nguyên giao thông hào và gặp gỡ các cựu chiến binh - vốn khi đó còn sung sức và minh mẫn.
Vẫn trong tâm tư về Điên Biên, nhà giáo Danh Thanh cho rằng, "dấu vết" của lịch sử hiện hữu tường minh và đầy đủ nhất bây giờ chính là bức tranh panorama tái hiện trận chiến Điện Biên Phủ đang được trưng bày tại Bảo tàng Điện Biên Phủ. Tranh do họa sĩ Nguyễn Văn Mạc khởi xướng, được thực hiện bởi 100 họa sĩ trong 2 năm 6 tháng.
Tác phẩm “Cả nước ra trận” được thực hiện bằng chất liệu đồng
"Tôi nghĩ bất cứ ai muốn hiểu về Điện Biên Phủ, nhất là lớp trẻ bây giờ, cứ lên xem tác phẩm này. Bức tranh panorama toàn cảnh về "Trận chiến Điện Biên Phủ" là một trong số hiếm hoi những công trình được chính những cựu chiến binh lên tham quan, góp ý và chia sẻ với tôi rằng đã tái hiện được phần nào về lịch sử"- ông nói.
Họa sĩ cũng khẳng định: "Tại cuộc triển lãm lần này, tôi cũng mạnh dạn nói rằng giới mỹ thuật và điêu khắc đã phần nào trả nợ món nợ về trách nhiệm của người nghệ sĩ với chiến thắng Điện Biên Phủ qua bức tranh này. Rồi, đó còn là những tác phẩm khác như tượng đài chiến thắng đồi D1, tượng đài Bộ đội ta kéo pháo bằng tay vào trận địa Điện Biên Phủ, tượng đài tại Công viên chiến thắng Mường Phăng…".
Với riêng mình, sau những năm tháng vẫn ấp ủ đề tài về Điện Biên Phủ, họa sĩ Lưu Danh Thanh đã có thêm những sáng tác về hình ảnh của người mẹ chiến sĩ, người thương binh ở Điện Biên. Các tác phẩm sẽ được trưng bày tại triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH,TT&DL) tổ chức diễn ra từ 3 - 9/5 tại 29 Hàng Bài, Hà Nội.
Vài nét về tác giả Lưu Danh Thanh
Nhà giáo, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh theo học tại trường Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1957. Tốt nghiệp, ông làm giảng viên tại trường đến khi về hưu và tham gia các hội đồng nghệ thuật chuyên môn. Trước tác phẩm Cả nước ra trận, ông đã thực hiện tác phẩm tượng đài Quang Trung ở Bình Định (1975) và tượng đài Trao áo tại Côn Đảo năm 1980.