Theo Variety và nhiều trang thông tin giải trí phương Tây, thời gia gần đây, Netflix đối mặt với nhiều kiện tụng do liên tục sản xuất các phim tài liệu khai thác chủ đề nóng, những phim hư cấu lấy cảm hứng từ các sự kiện có thật.

Mới nhất là Netflix đã bị vận động viên lặn Francisco "Pipin" Ferreras nộp đơn kiện lên Tòa án ở bang California - Mỹ. Trong đơn kiện, vận động viên lặn này cho rằng phim "No Limit" do Netflix sản xuất khai thác cuộc đời anh và vợ Audrey Mestre nhưng bóp méo sự thật, ám chỉ anh giết vợ.

"No Limit" kể câu chuyện hư cấu về hai vợ chồng Pascal Gautier và Roxane Aubrey, đều là vận động viên lặn. Pascal Gautier được mô tả là ghen tị với thành công của vợ mình. Trong tình tiết cao trào, bộ phim ám chỉ Pascal Gautier đã cố tình phá hoại bình dưỡng khí của vợ, khiến cô chết đuối khi lặn.

no-limit-16804974238391726308960.jpg

Cảnh trong phim "No Limit"

Ngoài đời, Francisco "Pipin" Ferreras và Audrey Mestre gặt hái nhiều vinh quang trong môn lặn. Audrey Mestre qua đời sau tai nạn lặn ở Cộng hòa Dominica năm 2022 do thiết bị trục trặc. Sau vụ việc, nhiều đồn đoán, giả thuyết cũng được đặt ra và cũng có nghi ngờ người chồng liên quan trực tiếp đến cái chết của vợ.

Trong đơn kiện, Francisco "Pipin" Ferreras cáo buộc bộ phim miêu tả anh như kẻ giết người. "Tôi không hiểu tại sao người ta có thể làm điều như thế. Họ xoay chuyển câu chuyện theo cách họ muốn và tôi đau lòng về điều đó" - Francisco "Pipin" Ferreras nói.

Biên kịch kiêm đạo diễn phim là David M. Rosenthal nói rằng đã tham khảo ý kiến luật sư trước khi bắt tay sản xuất và không nghĩ có vấn đề gì với tác phẩm hư cấu này. "Câu chuyện giả tưởng này đã được công chúng biết đến nhiều qua phim tư liệu, bài viết, sách. Những gì tôi viết là hư cấu, các nhân vật không có thật. Tôi nghĩ Francisco "Pipin" Ferreras chỉ muốn kiếm thêm tiền bằng cách kiện Netflix" – David M. Rosenthal biện hộ.

Phim "No Limit" cũng được tuyên bố là tác phẩm hư cấu, bất kỳ điểm tương đồng nào với người thật đều là ngẫu nhiên. Nó được lấy cảm hứng từ các sự kiện có thật. Cuối phim, đạo diễn để một cảnh có ảnh của Audrey Mestre và thông tin về cái chết của cô.

Phía Netflix chưa thông tin về vụ kiện nhưng đây không phải lần đầu nền tảng này bị kiện. Trước đó, Netflix bị tổ chức dị giáo Hàn Quốc "The Baby Garden" (Khu vườn trẻ thơ) rút đơn kiện Netflix Hàn Quốc và thay vào đó là kiện Netflix trụ sở chính tại Mỹ, đòi bồi thường 300 triệu won (hơn 5,4 tỉ đồng) vì phát sóng phim tài liệu liên quan tổ chức này.

image3ce6455e2a-1678768397152452547379-1679726835858852472368-16804974566251022695629.jpg

Phim "In the Name of God: A Holy Betrayal"

"In the Name of God: A Holy Betrayal" là phim tài liệu vạch trần góc khuất đáng sợ của các dị giáo Hàn Quốc. Những thủ lĩnh dị giáo này bị cho là nhân danh chính nghĩa, tôn giáo để bóc lột, lạm dụng, cưỡng bức, giết tín đồ,… thông qua lời lẽ hoa mỹ, sự ảo tưởng về thế giới thần tiên, cõi vĩnh hằng.

Những câu chuyện có thật từ các nạn nhân của các thủ lĩnh dị giáo được kể trực diện gây nên tranh luận trái chiều từ người xem. Một số cho rằng nên kể một cách trực diện như thế để tăng tính răn đe nhưng một số chỉ trích cách kể không khéo léo, trần trụi, chỉ khiến nạn nhân thêm bị thương tổn.

Năm 2021, Nona Gaprindashvili - nữ kỳ thủ nổi danh tại Liên bang Xô Viết thập niên 1960 - đâm đơn kiện Netflix vì cho rằng nền tảng trực tuyến đã bôi nhọ hình ảnh mình trong bộ phim "The Queen’s Gambit". Nữ kỳ thủ này yêu cầu khoản bồi thường trị giá hơn 5 triệu USD cho các hợp đồng thương mại bị ảnh hưởng từ sự việc. Đơn kiện đề cập một lời thoại sai sự thật khẳng định bà "chưa từng thi đấu với một kỳ thủ nam nào".

Netflix đã đệ đơn yêu cầu bác bỏ vụ kiện lên tòa án với lý do tác phẩm của họ chỉ là hư cấu. Tuy nhiên, đề nghị của Netflix bị bác bỏ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022