Bài viết này sẽ đề cập tiếp các giả thiết khác mà nhiều người trong đó có cả cháu nội của cụ Đề Thám cũng cho rằng có thể một trong số điểm này là nơi an táng cụ. Cháu nội cụ Đề Thám là bà Hoàng Thị Điệp năm nay đã 80 tuổi. Bà là con của ông Hoàng Hoa Phồn là con trai út của cụ Đề Thám với bà ba Đặng Thị Nho. Khi ông sinh ra cũng là lúc thành Phồn Xương đang nguy cấp. Lúc đó, cụ Đề Thám mới đem gửi ông cho một nghĩa quân của mình tên là Đề Suý ở Sĩ Cầu nuôi dưỡng. Năm 19 tuổi, Hoàng Hoa Phồn được cụ Thống Luận gả con gái cho. Ông sinh được hai người con là Hoàng Thị Hải và Hoàng Thị Điệp. Hai chị em bà Điệp đã không quản khó khăn nhiều lần cất công đi tìm mộ ông nội mình (cụ Đề Thám) khắp nơi. ở đâu có tin đồn là gia đình bà có mặt. Thậm chí, không ít lần gia đình đã mời cả những nhà ngoại cảm vào cuộc.
6ffYenThe3efemmedeDeTham.jpg
Bà ba Đặng Thị Nho, vợ ba của cụ Đề Thám
Một giả thiết về mộ cụ được táng ở làng Trũng, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, Bắc Giang- trong cuốn “Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám” của tác giả Tôn Quang Phiệt có cho rằng, nhiều truyền thuyết cho rằng Đề Thám chết ở nhà Thống Luận- một tướng của cụ đã ra hàng về quê làm ăn (xã Ngọc Châu, phủ Yên Thế). Sau khi Đề Thám mất tích ít lâu thì cụ Thống Luận có tổ chức trong nhà mấy ngày liền làm lễ cúng tế gì đó. Người ta cho rằng, đó là một cách che mắt thiên hạ: Thực ra cụ Thống Luận đã nuôi Đề Thám trong khi Đề Thám bị bệnh, đã chôn Đề Thám khi Đề Thám chết rồi giả bầy ra cúng tế ma quỷ tổ tiên để cúng tế Thám, vì cụ Thống Luận vẫn phục Đề Thám. Minh chứng cho giả thiết này là cụ Thống Luận còn là thông gia của cụ Đề. Hiện ở làng Trũng có ngôi đền thờ Hoàng Hoa Thám nằm trên một khu đất cao ở xung quanh đó khu lăng mộ của vợ con cháu cụ Đề Thám và một khoảng đất nhỏ có chú thích “Nơi đây Hoàng Hoa Thám, lãnh tụ phong trào khởi nghĩa Yên Thế đã sống thời niên thiếu”. Ở làng Trũng hiện có nhiều thuyết về việc chôn cất cụ Đề Thám. Một là, khi phong trào khởi nghĩa thoái trào, lúc đó cụ Đề Thám lại bị bệnh nên tìm về làng Trũng bây giờ và đến ở nhà cụ Thống Luận, cái sự hàng thực dân Pháp vào thời điểm lúc đó theo người dân là để che mắt, nhằm làm căn cứ bảo vệ cụ Đề Thám. Vì sợ bị lộ nên cụ Thống Luận đưa cụ Đề Thám nằm trên thuyền thúng ở sau bếp, ngày ngày cho người mang thức ăn, đồ uống. Một thời gian thì cụ Đề Thám mất. Nhằm che mắt thực dân và bọn quan lại phong kiến lúc đó, cụ Thống Luận cho dỡ ngôi chùa ở cuối làng đưa về dựng lại đầu làng rồi mở hội để chôn cất và làm ma cụ Đề Thám. Cụ Đề Thám được chôn dưới nền chùa từ ngày đó. Cũng có thuyết nữa là, cụ Thống Luận chôn cụ Đề Thám ở gốc cây Xanh, gần ao sát nhà mình. Cạnh đó còn có lưu truyền khác là khi cụ Đề Thám mất, cụ Thống Luận đã nghĩ ra cách mổ ngựa mời quan lại, bọn thực dân nhưng thực ra lấy da ngựa bọc xác cụ Đề Thám và chôn ở đâu trong làng không ai biết! Các cụ cao niên trong làng còn kể, vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, dân làng có tát cạn ao cá đầu làng thì phát hiện một sọ người. Có người bảo là của cụ Đề Thám, lại có người nói là không phải. Ông Thân Văn Thức là chắt nội của cụ Đề thì kể một chi tiết, cụ Thống Luận có 11 vợ. Vợ thứ mười một là bà Khương. Trong một lần ông ướm hỏi bà Khương chuyện này. Khi đó, bà nói rằng cụ Đề Thám chôn ở gốc cây đa đầu làng. Thời gian lâu lâu sau, ông hỏi lại bà Khương thì bà nói không biết. Địa điểm được cho là có mộ cụ Hoàng Hoa Thám tại địa danh Hố Lẩy hiện tại nằm cuối vườn vải nhà chị Nguyễn Thị Thuỷ, thôn Đồng Gia, xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế chỉ là một khu đất bằng phẳng. Theo lời kể của chị Thuỷ, trước đây, ngôi mộ được đắp cao, phía trước có tấm bia xây bằng gạch. Trong sử sách có ghi, trong phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế lấy vùng Hố Lẩy là một trong những căn cứ hoạt động của nghĩa quân và cụ Đề Thám. Cụ Đề Thám và hai thuộc hạ bị sát hại, và bị lấy thủ cấp đưa về Nhã Nam là tại Hố Lẩy. Chị Thủy cho biết, xưa kia đây là rừng Giẻ, rất rậm rạp. Hồi còn nhỏ khoảng năm, sáu tuổi thường chăn trâu bò ở đây và đã thấy có ngôi mộ này và các cụ bảo rằng, đây là mộ cụ Đề Thám. Khi rừng Giẻ bị chặt phá thì dân mới đến ở, làm vườn. Sở dĩ bằng phẳng như hiện nay là bởi do người dân đào để lấy gạch về xây nhà?!. Ông Trần Văn Lạng, Giám đốc Bảo tàng Bắc Giang thì nói ông không biết mộ phần của cụ Đề Thám nằm ở vị trí nào tại Hố Lẩy. Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Cần, nguyên Giám đốc Bảo tàng cho biết, vào thập niên bảy mươi thế kỷ trước, trong lần điền dã tìm hiểu những lưu truyền trong dân gian về cái chết của cụ Đề Thám thì thấy mộ cụ được xây cất đàng hoàng trong vùng Hố Lẩy. Nhưng lâu nay không rõ mộ cụ ở đó giờ thế nào. Về giả thiết này trong bài báo trước cũng đã đề cập đến bài viết của ông Khổng Đức Thiêm về cái chết của cụ Đề Thám ở Hố Lẩy nhưng trong dân gian vẫn nhiều người cho rằng, người bị chặt đầu ở Hố Lẩy không phải là cụ Đề Thám. Bà Điệp cháu nội cụ lại cho rằng, ông nội mình chết do bệnh tật chứ không phải do giặc Pháp giết nên không thể có phần mộ ở Hố Lẩy. Bởi bà nhớ câu nói của mẹ bà lúc bà còn nhỏ đó là ông nội con không phải bị Pháp chặt đầu mà chết vì bệnh kiết lị. Bà Điệp nghiêng về giả thiết mộ ông ăn mày là mộ của cụ Đề vì chuyện trong gia đình kể lại ông ngoại bà nuôi một ông ăn mày trong nhà, cứ đến bữa, cơm canh bao giờ cũng được mang đến cho “ông ăn mày” ăn trước, còn ông ngoại bà bao giờ cũng ăn sau. Gia đình cũng đã hỏi tư vấn về việc xác định mẫu AND ở mộ “ông ăn mày” nhưng được biết kết quả cũng không thể chính xác được, bởi hậu duệ của cụ đã qua mấy đời. Nếu có tìm được mẫu ADN của anh trai hay em gái cụ Đề thì mới chuẩn xác. Trước đây việc tìm kiếm mộ của cụ Đề do bà Hoàng Thị Hải là chị bà Điệp chủ trì, nhưng đến năm 2005 bà Hải mất mà việc tìm kiếm vẫn chưa có kết quả. Nhận thấy việc tìm mộ cụ Hoàng Hoa Thám là vấn đề lớn, bản thân gia đình không thể đảm đương nổi, nên tháng 4-2009, gia đình bà Điệp đã có đơn đề nghị gửi chính quyền tỉnh Bắc Giang, Cục Di sản văn hóa, Viện Sử học, Hội Khoa học lịch sử và Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người. Nhất trí với đề nghị của gia đình, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bắc Giang đã giao trách nhiệm cho Sở VH, TT&DL Bắc Giang kết hợp với UBND huyện Yên Thế và bộ môn Cận tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người xây dựng phương án tìm mộ danh nhân Hoàng Hoa Thám. Sau tám tháng kết quả nghiên cứu của bộ môn Cận tâm lý xác định, rất có thể, phần mộ cụ Hoàng Hoa Thám đang yên nghỉ tại một trong hai nơi là thung Đồng Sinh, thôn Đồng Mạ, xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn hoặc ở Làng Trũng, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Việc tìm kiếm ở làng Trũng cũng đã được tiến hành khắp các quả đồi hay chỗ nào đó được xem là có mộ phần cụ Đề Thám đã được tìm đến nhưng kết quả không khả quan. Nhiều nơi đã được đào lên nhưng vẫn không thấy mộ cụ ở đâu. Cuối tháng 12-2009, địa điểm tiến hành khai quật ở Lạng Sơn. Đây cũng là nơi mà Sở VH, TT&DL Bắc Giang đã nhiều lần khảo sát trước khi việc tìm kiếm chính thức bắt đầu. Thung Đồng Sinh, xã Đồng Mạ là một thung lũng rộng, ba bề bốn bên được bao bọc bởi dãy núi Cai Kinh. Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu, giả thiết Hoàng Hoa Thám trút hơi thở cuối cùng ở đây khá hợp lý. Thứ nhất, đây từng là đại bản doanh của Cai Kinh - người đầu tiên gây dựng phong trào khởi nghĩa Yên Thế cũng là thầy của Hoàng Hoa Thám (sau này người dân lấy tên Cai Kinh làm tên gọi cho cả dãy núi). Vì thế, sau khi bị Pháp truy bắt, rất có thể Hoàng Hoa Thám đã về đây ẩn náu. Tổng diện tích khai quật lần tìm kiếm này tại Lạng Sơn lên tới 300m2. Các nhà ngoại cảm do Sở VH, TT&DL Bắc Giang mời cộng tác đã xác định được cả thảy năm địa điểm được cho là có di cốt người. Đến rạng sáng 2-1-2010 một lễ đưa rước hoành tráng đã được tổ chức để di chuyển năm bọc đất được cho là có di cốt về Bảo tàng Yên Thế. Tuy nhiên, đại diện của huyện Yên Thế cho rằng, trước mắt chỉ có thể tạm xác định được đây là năm nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám. Để khẳng định chắc chắn việc đã tìm được cụ Hoàng Hoa Thám hay chưa, không chỉ dựa vào sự giúp đỡ của các nhà ngoại cảm mà còn phải được chứng thực bằng phương pháp khoa học là giám định ADN. Vì thế, sau hơn 20 ngày đặt tại Bảo tàng Yên Thế mà vẫn chưa có thêm thông tin gì mới, năm bọc đất được cho là có di cốt đã được an táng tại đồn Hố Chuối - một trong những căn cứ quan trọng của cuộc khởi nghĩa Yên Thế trước đây. Gia đình của bà Điệp cũng cho biết, trong năm bọc đất được cho là di cốt kia, không có bọc đất nào còn xương. Toàn bộ quá trình khai quật, không tìm thấy bất kỳ một thứ đồ tùy táng hay những thứ vũ khí như kiếm, đao - vật bất ly thân của những vị tướng trận cũng không có (Ngay như một chiếc cúc áo cũng không hề có) để làm bằng chứng. Vì thế không nên vội vàng công nhận được! Vấn đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc đã từng phát biểu, ngay cả cái chết và hoàn cảnh chết của cụ Đề Thám trong chính sử cũng còn nhiều giả thiết nên việc tìm kiếm phần mộ của cụ sẽ còn phải nghiên cứu kĩ càng. Tìm mộ cụ Đề Thám là việc không đơn giản, bởi trong quan niệm của các cụ ngày xưa giấu kín phần xác là rất quan trọng. Hơn nữa, trong hoàn cảnh lịch sử rối ren như vậy nên việc chôn cất, giấu kín phần xác mà rất ít người biết được là chuyện đương nhiên. Thậm chí để đánh lạc hướng, người ta có thể đã dựng lên nhiều câu chuyện khác nhau để không ai biết đích xác về mộ phần. Chẳng lẽ lời dặn lại của cụ Đề Thám trước khi chết rằng “Nếu ta chết chỉ có trời biết, đất biết, chim quạ biết” như một lời sấm truyền khiến phần mộ của cụ ở đâu sẽ là bí ẩn khó khám phá?
Theo PLXH

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022