Miền Tây Nam Bộ có địa hình tự nhiên sông nước khúc thì mênh mông, khúc thì chằng chịt. Cấu trúc địa lý ấy đã gắn liền với bao thân phận con người hồn hậu, cũng như hình ảnh của bao bến sông, chiếc ghe, chiếc xuồng đã đi vào văn hóa…Và lần này, để đón mùa kịch Tết năm 2024 sắp tới, sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ khắc họa thân phận của con người sống bềnh bồng trên sông nước miền Tây qua vở Lạc ở đáy sông (tác giả: Hoàng Thái Thanh - Nguyễn Thoại, đạo diễn Ái Như).

1. Xóm làng miền Nam trải dài mênh mang theo địa hình sông nước, không ràng buộc và rất tự do, nên tính tình con người nơi đây cởi mở, thoải mái, không câu nệ, dễ giận và dễ tha thứ. Những cư dân trên sông nước thì rày đây mai đó, nên tính tình xởi lởi, dễ kết giao tứ hải giai huynh đệ. Dưới sông đầy cá tôm, trên bờ đầy thóc lúa, người miền Nam không cần lo nghĩ nhiều chuyện miếng ăn mà chỉ cần tình người. Họ cần nương tựa vào nhau để tồn tại...

Nhưng cái tính không lo xa ấy đã khiến cho nhiều người sống trong cảnh nghèo. Thế mà họ vẫn không vẫy vùng vươn lên, vẫn cam chịu như là số trời đã định.

Ái Như (trái) và NSƯT Tuyết Thu trong “Lạc ở đáy sông”

Trong Lạc ở đáy sông, Tư Bờ là một người như thế. Thời trai trẻ, vì quá chân chất mà Tư Bờ bị người anh chiếm đoạt hết đất đai ruộng vườn, chỉ còn chiếc ghe nhỏ làm nghề chở mướn. Cảnh nghèo làm cho người vợ trẻ của anh uất ức, chì chiết anh chồng quá khù khờ. Anh Tư vì một phút nóng giận đã nói khích bác vợ mình, và rồi vợ anh đã gieo mình xuống dòng sông chảy xiết, mất xác.

Tư Bờ quá đau khổ và hối hận, đã tự nguyện làm công việc cứu người té sông, và vớt xác người đã bỏ mạng tại dòng sông buồn bã ấy. Trong suốt 20 năm ròng rã, anh vớt được biết bao xác người mang về cho gia đình họ chôn cất. Duy nhất một người anh có thể cứu sống là bé Hào, đứa con nuôi của anh.

Tư Bờ đã chấp nhận cuộc đời của mình. Anh thậm chí không muốn bước thêm bước nữa để giữ vẹn tình với người vợ đã khuất, dù chị Tám vé số lẳng lặng làm chiếc bóng đợi chờ bên cạnh anh suốt 15 năm đằng đẵng.

Bỗng một ngày, Tư Bờ phát hiện ra một sự thật khiến anh kinh hãi. Nó là quá sức chịu đựng của cái đầu mộc mạc của người đàn ông nhà quê chân chất như anh… Nỗi hận thù ngùn ngụt khiến anh muốn nghiền nát kẻ thù. Nhưng nhìn lại chính mình, nhìn lại tương lai của con cái, Tư Bờ đã quyết định chữ buông để tìm kiếm chữ an. Chữ buông ấy như một triết lý đã in sâu vào tâm trí của người miền Tây: Có thể giận hờn nhưng cũng dễ tha thứ, dễ độ lượng với cuộc đời và cả với kẻ thù.

kich-2-17035474013761547935844.jpg

Phương Trâm (trái) và Thế Hải trong “Lạc ở đáy sông”

2. Trong vở, vai Tư Bờ do NSƯT Thành Hội thủ diễn. Anh vẫn rất bản lĩnh để khiến cho khán giả lặng lòng chứng kiến qua cảnh anh cắm đầu nhang vào lọ, và quăng mâm cúng giỗ xuống sông. Anh diễn tả nỗi kinh hoàng khi phát hiện ra sự thật chôn giấu suốt 20 năm bằng ánh mắt hốt hoảng và sự run rẩy thất thần.

Rồi, cảnh ứng diễn giữa Tư Bờ và ông lái đò do Nguyễn Long thủ vai cũng là một khoảnh khắc đắc địa. Nguyễn Long đã miêu tả sống động người đàn ông lao động nghèo chết vợ, không muốn để giọt nước mắt mình rớt xuống trước mắt người khác, nhưng cuối cùng bùng vỡ, nức nở trước nỗi đau. Cảm xúc ấy được nâng lên qua ánh mắt đầy trắc ẩn của ông Tư Bờ.

kich-3-1703547401406574594354.jpg

Một cảnh trong vở diễn

Với các vai diễn khác, nghệ sĩ Ái Như xuất sắc trong vai một chị Tám bán vé số từ cách ăn mặc hoa hòe kiểu nhà quê đến ngôn ngữ hình thể và ngôn ngữ nói duyên dáng. Mỗi một lời thoại hay câu thoại chị thốt ra cứ như đúng là người dân quê thường nói, ngô nghê nhưng rất hồn nhiên, khiến người nghe bật cười. Ngoài ra, được biết, trong thời gian chuẩn bị cho vở diễn này, diễn viên Thế Hải nhận nỗi đau mất người thân. Dẫu vậy, anh vẫn thể hiện tròn trịa vai Hào con nuôi của Tư Bờ.

Ở vai trò dàn dựng, đạo diễn Ái Như cũng đã sử dụng những thủ pháp hồi tưởng rất sáng tạo và bất ngờ. Chị đã yêu cầu họa sĩ Kim B dựng hình ảnh chiếc ghe và cái cầu ván bắt ngang, chỉ vậy thôi nhưng đã mô tả trọn vẹn cảnh sống của miền sông nước.

kich-4-17035474013821919304589.jpg

Nói chung Lạc ở đáy sông là một bi kịch của đời người nhưng xen lẫn trong đó là tiếng cười nhẹ nhàng, mộc mạc rất chân quê.Có điều, nếu như cắt bớt một đoạn ngắn ở phần 2 khiến cho cảm giác người xem thấy mạch kịch bị kéo dài, thì câu chuyện sẽ trở nên mạch lạc và cảm xúc khán giả đầy đặn hơn…

Lạc ở đáy sông có sự tham gia của NSƯT Tuyết Thu, Thái Quốc, Hoài Thương, Phương Trâm, Thế Hải, Nguyễn Long, Marando cùng các diễn viên mới thuộc lò đào tạo Hoàng Thái Thanh.

Góc nhìn 365: 'Cuộc chơi' thú vị của sân khấu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022