Thơ Hoàng Xuân Họa là thơ của một người có nhiều trải nghiệm, ông đã đi qua bao năm tháng thăng trầm của đất nước. Hơn hết, Hoàng Xuân Họa từng là một người lính nên thơ ông càng có nhiều điều đặc biệt. Trở về sau cuộc chiến, có độ lùi về thời gian để ông hiểu hơn về đời, về người, về nhân tình thế thái. Vì thế, đọc thơ Hoàng Xuân Họa, người đọc nhận thấy bức tranh đa diện, đa chiều của cuộc sống hôm nay. Trót một thời yêu III, tập thơ được ông nghiền ngẫm và quyết định cho ra đời sau bao lần ấp ủ.
91 bài trong thi tập là những khoảnh khắc, suy ngẫm của nhà thơ về những gì ông nghe, thấy, chứng kiến. Có đôi lúc, từ thực tại mà ông mường tượng về viễn cảnh của thời tương lai, Viết cho thập kỷ thứ 3 (2020 - 2030), Hoàng Xuân Họa khẩn cầu tha thiết: xin đừng to thêm bom, đừng dài thêm súng...; xin đừng lạnh thêm những cái đầu...; xin các nhà hãy viết về lòng nhân hậu/ lòng vị tha/ hãy thôi đi sự cuồng gió, mơ trăng/ ngợi ca cái ác/ bốc thơm cho cái ác lộng hành...
Tất cả đều mang một giọng u buồn, cái buồn của một công dân ý thức sâu sắc về đời - người một cách thành tâm nhất, sáng trong nhất, đáng trọng nhất.
Số lượng bài trong tập Trót một thời yêu III nhiều hơn so với hai tập trước và cũng có sự chắt lọc hơn. Tính triết luận, sự trăn trở, suy tư càng về sau càng được thể hiện rõ nét. Phải chăng khi đã có tuổi, ông có cái nhìn nhận sâu sắc hơn, đúc kết được nhiều điều hơn? Đọc thơ Hoàng Xuân Họa nghe có vẻ gần gũi, dân dã đôi lúc có giọng điệu “bông đùa”, “mỉa mai” nhưng đọc lại, ngẫm lại thấy ông đã nói được những trái khoáy, bất cập của cuộc đời. Ông nhận ra những ấm lạnh đó, nên ông có cách chọn của riêng mình: Người ta đi chợ bán, buôn/ riêng tôi ra chợ đem buồn đếm trăm/ tôi bày đếm tháng đếm năm/ đếm hăng say, đếm nhọc nhằn nhục vinh.../ Ngược đời với việc bán buôn/ tôi ngồi tôi đếm dại khôn đời mình (Đếm).
Đôi lúc nhà thơ đành “bất lực” và mơ ước được “luân hồi kiếp khác”: Ta luân hồi sang kiếp khác đi em/ bởi kiếp này xoay kiểu gì cũng gió/ ... Ta luân hồi kiếp khác đi em/ cho quên đi kiếp này vụng dại.../ Ta luân hồi kiếp khác đi em/ cho quên những tháng năm sống sượng... Bởi ở kiếp này có quá nhiều điều cay nghiệt: Ta luân hồi kiếp khác đi em/ tới nơi nào không giật giành, cạnh tranh/ chẳng chiến tranh, cũng chẳng hận thù.../ chỉ cần sự bình yên cho thanh thản kiếp con người (Ta luân hồi kiếp khác đi em).
Trong cái tôi bản thể, Hoàng Xuân Họa thể hiện rõ nét là người đa mang với những khóc cười nhân thế. Lúc nào, ở đâu và bao giờ ông cũng buồn, khóc, đau đớn, giận hờn vu vơ. Trong một đêm dạo quanh phố cổ, với một con người “lo nhiều, nghĩ nhiều”, nhà thơ đặt ra nhiều câu hỏi: phố nào được coi là phố cổ/ phố nào được gọi phố tân/ giữa lênh chênh lộn xộn/ xô bồ mái nghèo rêu đổ/ vút cao mọc mấy tòa lầu/ cổ dưới chân, tân nằm ngang rốn/ khoe mầu mè/ chưa hết tuần trăng mật/ sắp ngửa ly hôn (Phường - phố).
Ông là con người của hoài niệm, mọi thứ thay đổi chóng vánh hôm nay đã làm cho trái tim ông đau. Hồn xưa, cảnh cũ bây giờ chỉ còn trong niềm nhớ thương canh cánh. Anh về quê cũ một mình/ lật nghiêng sông Cái tìm hình dáng xưa/ gió đưa ngọn thiếu ngọn thừa/ ngọn lành ngọn rách thêm mưa trái mùa (Quê).
Những bài thơ tình yêu là những bài thơ hay nhất của Hoàng Xuân Họa, bởi nhà thơ đã biết “giễu cợt”, “bông đùa” vu vơ và đằng sau đấy là những câu hỏi cứ xoáy mãi vào tâm can, trí não. Chuyện tình yêu không chỉ còn là câu chuyện riêng mà nhà thơ đã hóa thân vào đó để ám thị nhiều vấn đề của cuộc sống hiện đại. Đây là điểm mạnh của thơ Hoàng Xuân Họa. Có nhiều bài thơ viết thành công ở mảng này như: Chấp tất, Trách Noel, Ghi ở Đồ Sơn, Khất nợ, Trước đá...
Bên cạnh đó nhà thơ có những bài thơ viết về mẹ rất cảm động, ở đó cho thấy ông là một đứa con hiếu nghĩa. Mẹ đã về với tiên tổ từ rất lâu rồi nhưng trong lòng nhà thơ vẫn luôn hướng về mẹ với tấm lòng chân thành, yêu thương nhất của một đứa con dành cho mẹ. Ngày đầu năm, thi nhân đến thắp hương bên mộ và mừng tuổi mẹ. Đứa con xa xót thốt lên: hơn sáu chục năm mẹ vẫn ba ba/ vuông đất mẹ nằm hiu quạnh quá/ cỏ rối bời nhần nhận đắng sương sa/ nơi mẹ nằm, xung quanh toàn người lạ/ ai cũng tuổi cao về cõi khi già/ riêng chỉ mẹ mất thời xanh trẻ/ mái tóc xanh mươn mướt buông xòa. Hoàng Xuân Họa khóc mẹ, tiếc thương vì mẹ ra đi khi còn quá trẻ, cuộc sống cơm áo nhọc nhằn nên mẹ chưa hưởng được một ngày vui. Giờ đây ông đã bước sang tuổi bảy ba, mái tóc pha sương, thân lùn đi đôi khấc. Đứng trước mộ mẹ, lòng rối bời lên, những giọt nước mắt nghẹn ứ, chạy ngược vào trong. Bởi: đời chẳng có gì, chỉ toàn thấy mất/ vàng bạc không, cũng chẳng tài ba.../ bao lì xì, hình chú mèo đỏ gấc/ con kính dâng.../ sao mẹ mãi chẳng cầm? (Tết mừng tuổi mẹ).
Điều đặc biệt ở Hoàng Xuân Họa, ông là người yêu thơ “chính hiệu”. Những năm tháng ở chiến trường, dù đạn bom ác liệt, cái chết luôn rình rập nhưng trong ba lô lúc nào cũng có những bài thơ chép tay. Trong số đó, có những bài thơ của nhà thơ Lý Phương Liên, được ông chép vào giấy vở học trò, nghêu ngao đọc thuộc lòng trong những năm tháng chiến đấu ở rừng. Sau ngày đất nước thống nhất, Hoàng Xuân Họa vẫn còn giữ lại những tờ giấy chép tay ấy. Qua bao nhiêu lần tìm kiếm, tưởng như vô vọng nhưng cuối cùng Hoàng Xuân Họa cũng đã tìm gặp được Lý Phương Liên ngoài đời thật (sau hơn 40 năm bà vắng bóng trên thi đàn). Buổi gặp gỡ đầy xúc động, Hoàng Xuân Họa đã tặng cho nhà thơ Lý Phương Liên bài thơ Người thơ trở về đọc lên không khỏi rưng rưng nước mắt: Người thơ trở về sau mấy chục năm xa.../ xưởng cơ khí mọc đôi tòa tháp/ không còn nữa ca ba/ Ca Bình Minh người thơ từng thức/ Trò chuyện với Thúy Kiều/ điểm mặt Sở Khanh/ Sở Khanh thời nào cũng có/ chúng vẫn đông như kiến cỏ!/ dối trá vòng quanh/ lừa Kiều ra khỏi lầu xanh/ song đẩy Kiều sang bia ôm, nhà nghỉ/ và đồng tiền.../ đồng tiền ngổn ngang phi lý/ sắp ngửa trắng đen...