Tờ Ifeng nhận xét Nhà hát lớn quốc gia Trung Quốc là kiến trúc gây tranh cãi ở quốc gia này. Nhà hát từng không được nhiều người biết đến trước khi trở thành trung tâm biểu diễn quy mô chưa từng có.
Kiến trúc Nhà hát lớn quốc gia Trung Quốc. 1.500 hộ dân từng di dời để xây dựng công trình này.
49 năm từ đề án tới đi vào hoạt động
Theo Renminwang, đề án xây dựng Nhà hát lớn quốc gia Trung Quốc được bàn bạc từ năm 1958 nhưng phải gác lại vì nhiều lý do như kinh tế Trung Quốc còn yếu, Bắc Kinh đang xây dựng 10 công trình lớn khác, khâu di dời dân cư gặp nhiều khó khăn. Thủ tướng Trung Quốc bấy giờ - Chu Ân Lai - quyết định gác lại đề án, chỉ thảo luận tiếp khi tài chính cùng các điều kiện khác kiện toàn.
Sau đó, Trung Quốc đối đầu nhiều thiên tai cùng Cách mạng Văn hóa, nhà hát lớn quốc gia trở thành tâm nguyện chưa hoàn thành của thủ tướng Chu Ân Lai. Trước khi qua đời, ông đề cập hai công trình với Vạn Lý - Cục trưởng Cục Kiến thiết thành phố lúc bấy giờ, một là Thư viện Bắc Kinh, hai là nhà hát.
Mãi tới sau khi Cải cách kinh tế năm 1978, đề án mới lại được đưa vào chương trình nghị sự. Giới văn nghệ Trung Quốc cho rằng đây là công trình cần chú trọng xây dựng. Tới năm 1996, Trung ương Đảng Trung Quốc thông qua quyết định về tăng cường xây dựng kiến trúc phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần, trong đó có việc xây dựng Nhà hát lớn quốc gia. Năm 1997, vị trí xây dựng được xác định nằm ở phía Tây của Đại lễ đường Nhân Dân, phần thiết kế đo kiến trúc sư người Pháp Paul Andreu đảm nhận. Năm 2001, tòa nhà được khởi công xây dựng. Công trình này hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2007.
Từ khi công bố đề án tới khi hoàn thành công trình, dư luận Trung Quốc không ngừng tranh cãi về việc nên hay không nên xây, xây ở đâu. Đến nay, bề ngoài của nhà hát vẫn là đề tài gây tranh cãi. Một bộ phận khán giả không chấp nhận được việc trung tâm Bắc Kinh xuất hiện một tòa nhà "như của người ngoài hành tinh", cho rằng nhà hát kỳ quặc, lạc lõng giữa quần thể kiến trúc ở khu vực Đại lễ đường, không mang dấu ấn Trung Quốc. Số khác thích sự tươi mới, độc đáo của kiến trúc.
Vương Tranh Minh - thư ký ủy ban xây dựng nhà hát - từng khẳng định với truyền thông thiết kế đã trải qua quá trình tuyển chọn phức tạp, kỹ càng và đúng quy trình. Ủy ban này lựa chọn bản vẽ của Paul Andreu từ 69 phương án thiết kế của hơn 40 đơn vị đến từ 10 quốc gia, đồng thời trải qua nhiều lần sửa chữa. Công trình gặp nhiều khó khăn khi xây dựng dưới độ sâu hơn 32 mét, làm thế nào để nước không đóng băng vào mùa đông, lọc không khí, lọc gió thế nào khi kiến trúc không có cửa sổ và việc di tản con người như thế nào nếu xảy ra thiên tai, hỏa hoạn.
Một khán phòng biểu diễn của Nhà hát lớn quốc gia Trung Quốc. |
Tòa nhà có vẻ ngoài giống một nửa hình elip, với tổng diện tích hơn 160 nghìn mét vuông, gồm Nhà hát kịch, Phòng âm nhạc, khu biểu diễn hý kịch cùng phòng triển lãm nghệ thuật, trung tâm giao lưu nghệ thuật, cửa hàng bán băng đĩa nhạc, nhà ăn, quán cà phê... Trong đó Nhà hát kịch dùng để biểu diễn ca kịch, kịch múa, múa ballet với 2.416 ghế ngồi. Phòng âm nhạc để biểu diễn nhạc giao hưởng, nhạc dân tộc với 2.017 chỗ ngồi. Khu biểu diễn hý kịch là nơi diễn các môn kịch nói, kinh kịch... với 1.040 chỗ ngồi. Tòa nhà còn có nhà để xe ngầm với sức chứa khoảng 1.000 xe cơ giới và hơn 1.400 xe đạp. Toàn bộ tòa nhà nằm giữa mặt nước nhân tạo. Khán giả đi qua con đường dài 80 m dưới bể nước để đi vào đại sảnh của nhà hát.
Quả ngọt sau 10 năm vận hành
Nhà hát lớn quốc gia Trung Quốc có vốn đầu tư hơn 3,07 tỷ nhân dân tệ (khoảng 445 triệu USD). Mỗi ngày, nơi đây vận hành 11 trạm biến điện, 300 phòng điều khiển, 90 thang máy. Mỗi năm, Nhà hát được quỹ tài chính trung ương và thành phố Bắc Kinh cấp hơn 100 triệu nhân dân tệ (14,4 triệu USD).
Giá vé được chia thành nhiều loại trong đó mức bình dân chiếm 70%, 10% là vé giá cao để đáp ứng nhu cầu nhiều tầng lớp khán giả. Các nghệ sĩ lừng danh thế giới như Maurizio Pollini, Claudio Abbado, Simon Rattle, José Carreras, Lang Lang... đều từng biểu diễn ở đây. Những dàn nhạc tên tuổi như Berlin Philharmonic, Chicago Symphony Orchestra, London Symphony Orchestra... cũng từng trình diễn với mức giá không quá 1.200 tệ.
Ban đầu, khán giả tới Nhà hát chủ yếu để ngắm cảnh, chụp ảnh và bàn tán. Lúc đó, nhiều người tới đây để thỏa mãn sự hiếu kỳ hơn là quan tâm tới biểu diễn nghệ thuật. Để lôi kéo người xem, nhà hát tổ chức hàng nghìn buổi biểu diễn miễn phí cùng các lớp học phổ cập nghệ thuật. 5 năm đầu, lượng người tham gia phổ cập đạt gần 2,3 triệu. Dần dần, họ có những khán giả trung thành.
Theo Beijing Business Today, sau ba năm hoạt động, nhà hát thu về 910 triệu nhân dân tệ (131,5 triệu USD), đạt doanh thu 1,5 tỷ nhân dân tệ sau 5 năm kinh doanh (216 triệu USD). Với kết quả đó, ông Vương Tranh Minh nói với tờ Quảng Châu Nhật Báo: "Trước đây, tranh cãi quanh việc xây nhà hát là điều thường tình. Lúc đó quan niệm còn chưa cởi mở. Bây giờ nhìn lại, 3 tỷ nhân dân tệ để xây một trung tâm nghệ thuật quốc gia, quá xứng đáng".
Vương Phi biểu diễn cùng dàn nhạc tại Nhà hát lớn quốc gia Trung Quốc.
Tờ Guang Ming Daily nhận định hiện nước này có hơn 2.000 nhà hát tuy nhiên nhiều nơi hoạt động không hiệu quả, rơi vào tình trạng bỏ trống. Về độ nổi tiếng và trình độ vận hành, Nhà hát lớn thu được thành công bậc nhất. Mỗi năm, ở đây tổ chức khoảng 1.000 buổi biểu diễn thương mại và 1.000 buổi giáo dục nghệ thuật. Trung bình mỗi năm đón 1,8 triệu lượt khán giả. Ông Trần Bình - viện trưởng Nhà hát lớn quốc gia - cho rằng đó là sự công nhận của công chúng.
Tờ New York Times cho rằng trong giai đoạn văn hóa Trung Quốc phát triển không đồng đều, công chúng dần nhận ra rằng tòa nhà sừng sững trên đường Trường An không chỉ là công trình tô điểm rực rỡ mà còn mang ý nghĩa biểu tượng cho sự phát triển hưng thịnh, văn hóa phồn vinh của một dân tộc. Nhà hát lớn quốc gia Trung Quốc góp công đưa Bắc Kinh trở thành cửa khẩu lớn thứ hai của châu Á về âm nhạc cổ điển, sau Tokyo.
Nghinh Xuân