Sáng 7/12, tại Hà Nội, trường Đại học Thủ đô Hà Nội phối hợp với trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) và các đối tác trong và ngoài nước tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế văn hóa và giáo dục lần thứ 5 năm 2024 (ICCE 2024) với chủ đề "Giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập".
Đây hội thảo thường niên do trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) và một số đơn vị hợp tác sáng lập.
ICCE 2024 được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia giáo dục chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đồng thời, hội thảo tập trung vào việc phát huy giá trị văn hóa dân tộc đồng thời tiếp nhận các bản sắc văn hóa khác nhau trên thế giới, hướng tới một viễn cảnh toàn cầu hóa đa dạng, tương tác, bình đẳng và tôn trọng giữa các nền văn hóa.
PGS-TS Đỗ Hồng Cường - Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội - phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS-TS Đỗ Hồng Cường - Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội - nhấn mạnh, Hội thảo khoa học quốc tế văn hóa và giáo dục lần thứ 5 năm 2024 mang lại nhiều kiến thức và kinh nghiệm hữu ích, góp phần thúc đẩy giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập. Tại hội thảo, các vấn đề nghiên cứu về văn hóa và giáo dục được bàn thảo và mở rộng, khuyến khích sự tham gia của các học giả trên toàn thế giới nhằm cùng nhau xây dựng một môi trường học thuật phong phú và đa dạng.
Theo đó, nội dung của hội thảo tập trung vào vào các chủ đề liên quan đến giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập. Cụ thể, hội thảo diễn ra gồm phiên toàn thể và các phiên chuyên đề với 6 tiểu ban: Những vấn đề chung về liên văn hóa; Giáo dục và các phạm trù liên văn hóa; Giáo dục liên văn hóa trong môi trường đại học; Giáo dục liên văn hóa trong môi trường giáo dục phổ thông; Liên văn hóa và vấn đề địa chính trị; Liên văn hóa với lĩnh vực văn học nghệ thuật.
PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) - phát biểu
Chia sẻ về chủ đề của Hội thảo năm nay, PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) - cho rằng, trong tiến trình phát triển chung của nhân loại, sự tương tác của các nền văn hóa là một xu thế. Chính quá trình đó đã đào thải những giá trị không còn phù hợp, nhưng bằng cách nào đó, cũng chính là quá trình làm thúc đẩy đối thoại, tương tác giữa các nền văn hóa để tạo ra những giá trị mới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.
"Đối với Việt Nam trong quá trình mở cửa hội nhập quốc tế, đặc biệt khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, văn hóa và con người là sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước, là giá trị bản ngã để khẳng định một dân tộc Việt Nam hùng cường. Do vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và lưu truyền những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc là một nền tảng vô cùng quan trọng trong sự tồn tại và khác biệt của các nền văn hóa" - ông Hùng khẳng định - "Đây không chỉ là vấn đề đặt lên vai những người làm tổ chức về văn hóa mà còn với những nhà khoa học, nhà giáo dục. Ý thức được điều đó, chủ đề về giáo dục liên văn hóa đã được lựa chọn trong chuỗi hội thảo về văn hóa và giáo dục mà chúng tôi đang cùng phối hợp tổ chức".
Các đơn vị tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế văn hóa và giáo dục lần thứ 5 năm 2024 (ICCE 2024)
Đồng quan điểm, trong báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS-TS Trần Huyền Sâm, trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) bày tỏ, "giao thoa, tương tác, ảnh hưởng giữa các nền văn hóa khác nhau là một sự thật tất yếu, không thể cưỡng lại của lịch sử loài người. Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, nhân loại đã chuyển dịch từ đối đầu sang đối thoại liên văn hóa".
Theo nhà nghiên cứu này, liên văn hóa có nhiệm vụ đóng lại quan điểm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và thái độ xâm lấn, chiếm hữu thô bạo của chủ nghĩa toàn trị. Đối thoại văn hóa sẽ mang đến sự thấu hiểu và hòa hợp giữa các nền văn hóa khác nhau, vừa tiếp thu bản sắc văn hóa của các lãnh thổ khác nhưng không đánh mất bản thể riêng của mỗi vùng, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc tế văn hóa và giáo dục lần thứ 5 năm 2024 (ICCE 2024)
Bà Sâm cũng cho biết, hội thảo đã thu hút 150 bài tham luận bao gồm các học giả, các nhà khoa học, các nghiên cứu sinh đến từ Việt Nam và các quốc gia khác nhau trên thế giới. Các tham luận đã bộc lộ sự quan tâm tha thiết về phạm trù liên văn hóa, từ đó cho thấy nhu cầu bức thiết của vấn đề quan trọng này đối với cuộc sống.
"Dù ở những góc độ khác nhau, nhưng các nhà khoa học đã đi đến một vấn đề chung: giáo dục liên văn hóa là nhu cầu bức thiết của mỗi quốc gia hiện nay trong xu hướng toàn cầu hóa. Thành công của hội thảo lần này không chỉ giải quyết những vấn đề trọng yếu của chủ đề giáo dục liên văn hóa mà còn mở ra những vấn đề nghiên cứu cần được tiếp tục được mổ xẻ, bàn luận về vai trò, thách thức của liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập" - bà nói.
Ngoài các tham luận, theo ban tổ chức, hội thảo còn gây chú ý khi có sự tham dự của các diễn giả chính (keynote speakers) đều là những chuyên gia hàng đầu thế giới về các lĩnh vực có liên quan đến văn hóa và giáo dục, trình bày và chia sẻ những nghiên cứu mới nhất, gồm: GS. Thái Kim Lan, GS. Jean Noriyuki NISHIYAMA, TS. Nannaphat Saenghong, TS. NAKOULMA Mariame Viviane, TS. PHAN-LABAYS Thị Hoài Trang.