Thông qua những vlog thường ngày với phong cách gần gũi, nhẹ nhàng, Bùi Đức Toàn (26 tuổi, sống tại TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đang lan tỏa năng lượng tích cực tới những bạn trẻ đang đi làm. Clip mới đây của anh về một ngày đi làm của nhân viên cơ quan nhà nước cũng mang lại một góc nhìn khác về gen Z, thế hệ được cho là tùy hứng, không phù hợp với kiểu công việc đòi hỏi sự chỉn chu về giờ giấc, tác phong. 

Bùi Đức Toàn tốt nghiệp cử nhân Học viện Ngoại giao. Trước đó anh luôn nghĩ mình chắc chắn không bao giờ làm ở cơ quan nhà nước mà sẽ kiếm một công việc tự do về thời gian, kiếm thật nhiều tiền và đi du lịch khắp nơi. Tuy nhiên, sau dịch COVID-19 và 3 năm công tác tại một cơ quan nhà nước ở tỉnh Tuyên Quang, Toàn nhận ra đây chính là công việc mình thực sự mong muốn.

zzge.jpg Bùi Đức Toàn đang công tác tại một cơ quan nhà nước ở tỉnh Tuyên Quang.

zzge1.jpg Anh thường có mặt ở cơ quan để làm việc lúc 7h.

"Thời gian đầu, mình cũng cảm thấy môi trường nhà nước có phần gò bó, luôn phải theo quy trình, thủ tục. Tuy nhiên, sau khi làm việc đủ nhiều và đã quen với các quy trình đó, mình lại cảm thấy nó giúp cho các bước thực hiện công việc trở nên chặt chẽ hơn, hạn chế những lỗi nhỏ. Môi trường làm việc tại cơ quan mình cũng đề cao tính chủ động, cởi mở chia sẻ ý tưởng nên mình cảm thấy khá phù hợp với người trẻ như mình", chàng trai sinh năm 1998 chia sẻ. 

Đức Toàn cũng thừa nhận, thời gian đầu đi làm, anh cảm thấy hơi khó hòa nhập với đồng nghiệp vì đa phần họ lớn hơn anh nhiều tuổi. Toàn thường ngại chia sẻ quan điểm cá nhân và né tránh tranh luận vì sợ bị hiểu lầm là thiếu tôn trọng. Nhưng rồi anh nhận ra các lãnh đạo trong cơ quan rất cởi mở và tạo điều kiện cho các bạn trẻ thể hiện, phát huy năng lực.

Thông qua các video ngắn trên mạng xã hội, Toàn cho thấy lối sống lành mạnh mà ít người trẻ hiện nay thực hiện được. Thay vì lái xe máy hoặc ô tô, anh đạp xe đến nơi làm việc vì quãng đường chỉ dài 2km. Lựa chọn này không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giúp giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường, đồng thời là một phần của hoạt động rèn luyện thể chất.

"Mình sống và làm việc ở tỉnh lẻ nên việc đi lại khá thuận tiện, không gặp tình trạng tắc đường và khói bụi. Ngoài ra, mình cảm thấy việc đạp xe đi làm, đặc biệt là vào buổi sáng, giúp cho mình tỉnh táo hơn, có tâm trạng thoải mái để bắt đầu ngày làm việc hiệu quả", chàng trai gen Z chia sẻ.

zzge2.jpgToàn chọn đạp xe đến nơi làm việc vì quãng đường đi làm chỉ 2km.

zzge4.jpgChàng trai Tuyên Quang luôn tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày.

Ngày mới của anh bắt đầu từ 5h30 với một bài tập thể dục nhẹ nhàng. Dậy sớm tập thể dục là thói quen giữ cho Toàn tinh thần sảng khoái và thể chất dẻo dai trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới. Cuối buổi chiều sau khi kết thúc giờ làm việc, anh thường tham gia các câu lạc bộ thể thao tại địa phương, chơi bóng đá hay cầu lông với bạn bè. Anh đi dạy thêm vào một số buổi tối trong tuần, dành ngày nghỉ để học tiếng Anh, đi leo núi...

Bên cạnh lịch sinh hoạt lành mạnh, Toàn cũng coi trọng chế độ dinh dưỡng phù hợp với hoạt động của bản thân. Anh thường chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Do phải đi tập lúc sáng sớm nên anh dùng bữa muộn nhất lúc 21h để dự trữ một phần năng lượng, ăn lượng vừa đủ chứ không ăn no. Tỷ lệ tinh bột trong bữa ăn muộn này cao hơn so với protein và chất xơ để cơ thể nhanh hấp thu và giúp dễ ngủ. 

zzge5.pngToàn chia sẻ một góc nhìn khác về công việc ở cơ quan nhà nước.

Đức Toàn đang sống cùng bố mẹ, được hỗ trợ công việc nhà nên có nhiều thời gian cho bản thân. Mẹ thường chuẩn bị các bữa ăn trong ngày cho con trai, để anh đủ dưỡng chất cho công việc và nhiều hoạt động khác.

Lối sống giản dị, lành mạnh của gen Z Tuyên Quang đang truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ. Không đơn thuần là những trải nghiệm cá nhân mà phần nào phản ánh những thay đổi và sự trưởng thành của giới trẻ khi hòa mình vào môi trường làm việc truyền thống, những vlog của anh nhận được lượng tương tác lớn trên mạng.

page.jpg?width=150Yolo
Hãy lo kiếm tiền thay vì xì xào chê Gen Z chi 100 nghìn uống cà phê mỗi ngày

Theo VTC News 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022