Địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có gần 400 tên đường cần phải đổi hoặc cập nhật cho chính xác.
Thông tin này được nêu ra tại Hội thảo “Xây dựng WebGIS phục vụ công tác quản lý và công bố thông tin, hỗ trợ quy hoạch, đặt đổi tên đường, công trình công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh”, do Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển phối hợp Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý Thành phố tổ chức sáng 14/2.
Theo Tiến sỹ Trương Hoàng Trương, Trưởng Khoa Đô thị học (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh), hệ thống đường tại Thành phố là một mạng lưới đồ sộ, phủ chằng chịt khắp trên vùng đô thị, cả vùng phụ cận đang đô thị hóa. Kéo theo đó là hệ thống tên đường rất phức tạp, khoảng 3.600 đường có tên, nhiều đường chưa có tên và nhiều đường sẽ xuất hiện do sự phát triển đô thị.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Thành phố có 311 đường trùng tên với 132 tên đường; 38 tên đường đặt không chính xác tên nhân vật lịch sử hoặc địa danh; 21 tên đường không có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa; cùng với đó là những tên đường chưa phù hợp, chưa thống nhất ý kiến…
Tháng 9/2020, Sở Văn hóa - Thể thao đã có văn bản đề xuất UBND Thành phố xem xét điều chỉnh 38 tên đường đặt không chính xác. Tiến sỹ Trương Hoàng Trương chia sẻ, tại khu vực trung tâm Thành phố, tên đường ổn định, không phát sinh nhưng còn tình trạng tên đường sai, tên đường trùng. Tên đường thay đổi sẽ dẫn đến xáo trộn lớn cho người dân. Việc đổi tên cần hạn chế tối đa, trước mắt ưu tiên đổi 38 tên đường không chính xác.
Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển đã thực hiện đề án “Công tác đặt đổi tên đường và công trình công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020” từ năm 2012. Đề án sau đó tiếp tục với việc xây dựng cơ sở dữ liệu WebGIS nhằm hoàn chỉnh hóa hệ thống tên đường.
Nhiều tuyến đường tại Thành phố Hồ Chí Minh được hình thành từ quá trình đô thị hóa, cần được đặt tên. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Ông Phạm Đức Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hệ thống thông tin địa lý Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc ứng dụng công nghệ GIS vào hệ thống đường và công trình công cộng đã trở nên phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, Thành phố vẫn chưa có công cụ WebGIS hỗ trợ quản lý tên đường, công trình công cộng. Do đó, một hệ thống WebGIS quản lý và công bố thông tin, hỗ trợ quy hoạch, đặt đổi tên đường, công trình công cộng tại địa phương là cần thiết.
Theo ông Phạm Đức Thịnh, các hệ thống GIS này giúp có một công cụ quản lý thông tin, dữ liệu một cách tập trung, đồng nhất. Dữ liệu GIS được xây dựng theo chuẩn chung, giúp các hệ thống có khả năng liên thông, kết nối, chia sẻ và tích hợp dữ liệu với nhau. Bản đồ nền sử dụng dự kiến cho hệ thống được xây dựng từ bản đồ nền địa hình Thành phố tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/5.000 theo hệ VN-2000 do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp để đảm bảo tính thống nhất, khả năng liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu GIS của Thành phố.
Tại Hội thảo, chuyên gia đề xuất, mỗi tên đường có một QR code cung cấp thông tin; mở rộng kho dữ liệu tên đường bằng việc bổ sung thêm tên các nhân vật lịch sử có công với đất nước và các nhân vật có nhiều đóng góp cho lịch sử phát triển của Thành phố ở các thời kỳ...