Trong hằng hà những phim kinh dị làm "thất kinh hồn vía" của nhiều thế hệ khán giả, không thể không nhắc đến The Ring (2002) của đạo diễn Gore Verbinski do nữ minh tinh Naomi Watts thủ vai chính. Khi ra mắt vào thời điểm đó, The Ring với câu chuyện mới lạ, kịch tính cùng những hình ảnh kinh hoàng "đóng đinh" vào tâm trí người xem đã góp phần mở ra một "kỉ nguyên phim kinh dị" sau đó. Nhưng phần 2 của bộ phim The Ring Two (2005) lại không được đánh giá cao.
The Ring (2002)
Thực ra, The Ring chỉ là một phiên bản làm lại từ Ring của Nhật Bản (đạo diễn Hideo Nakata) năm 1998. Có nhiều so sánh về hai bản phim Nhật - Mỹ, đa phần đều cho rằng bản của Nhật đáng sợ và ám ảnh hơn nhưng thực chất về cơ bản thì hai bản phim này không khác nhau là mấy về nội dung. Tương tự như Hollywood, sau đó Nhật Bản cũng có nhiều phần khác như Ring 2 (1999) , Rasen (1998), Sadako 3D (2012), Sadako 3D 2 (2013) và Ring 0: Birthday (2000 - phần tiền truyện về nhân vật Sadako và người mẹ Shizuko); nhưng hầu như không phần nào qua được tiếng vang của Ring (1998).
Ring (1998) của Nhật Bản
Nhưng, khởi đầu của mọi phiên bản Ring đều bắt nguồn từ tiểu thuyết Ring của nhà văn Koji Suzuki ra mắt vào năm 1991. Bộ tiểu thuyết này có tổng cộng 4 quyển và Ring tập đầu tiên được xem như một tượng đài trong làng văn học kinh dị Nhật.
Nội dung của tiểu thuyết có nhiều chi tiết mà các bản phim đã giản lược. Ví dụ như nhân vật chính Asakawa trong tiểu thuyết là nam thì ở bản phim (cả Nhật và Mỹ) đều là nữ. Người bạn của Asakawa trong truyện - tiến sĩ Ryuji, nhân vật chính trong phần Rasen - thì lại trở thành chồng của Asakawa trong phim. Nỗi sợ trong tiểu thuyết đa phần được hình thành từ những cuộc điều tra về Sadako, mang tính cảm giác nhiều hơn là hiệu ứng hình ảnh trong phim. Các chi tiết cô gái chui ra từ tivi hay chuông điện thoại đổ sau khi xem video từng gây ám ảnh cho nhiều người chỉ xuất hiện trong bản phim.
Hình ảnh làm khán giả "không dám xem tivi" sau khi xem Ring là sáng tạo của Hideo Nakata
Trong tiểu thuyết, nguyên nhân về cái chết và sự oán hận của Sadako được lý giải do siêu năng lực cùng với sự phát tán của virus đậu mùa. Trong phim thì chỉ đơn giản là sự căm phẫn của cô gái đã chết Sadako/Samara. Tuy nhiên dù có bao nhiêu khác biệt thì phần nội dung chính, cũng là chi tiết gây ám ảnh nhất, chính là "người nào xem phải cuốn băng video bị nguyền rủa sẽ chết sau 7 ngày" đều được giữ nguyên.
Đến năm 2017, Hollywood một lần nữa đưa câu chuyện này lên màn ảnh. Chưa biết nội dung sẽ được biến tấu thay đổi ra sao nhưng chi tiết người xem chết 7 ngày sau khi xem đoạn phim vẫn được giữ lại. Nhưng thay vì cuộn băng video thì được chuyển thành đoạn phim trên internet cho hợp thời (song song với sự thay đổi trên tiêu để từ The Ring thành Rings). Điều này đã chỉ rõ nỗi sợ không bao giờ lỗi thời của Ring: sự chết chóc lây lan.
Rings (2017)
Những chi tiết được tác giả Koji Suzuki xây dựng xung quanh nó cũng bắt nguồn từ những điều khiến con người sợ hãi trong tiềm thức.
Sự tò mò
Kẻ gây ra cái chết của nhóm thanh niên sau khi xem cuộn băng trong nhà nghỉ không phải Sadako hay ai khác mà chính là sự tò mò. Trong lúc nhàm chán khi trú lại nhà nghỉ một chuyến du lịch, nhóm thanh niên đã tìm đến quầy video ở lễ tân và mượn một cuốn băng không có nhãn. Vì tò mò mà họ đã xem cuộn phim đó.
Một tuần sau khi nhóm thanh niên chết, nhà báo Asakawa đã đến nhà nghỉ đó điều tra, tìm thấy cuộn băng còn nằm trong đầu máy. Và cũng vì tò mò mà đã xem nó.
Koji Suzuki đã vô cùng khéo léo khi chọn trúng phóc cái bản tính mà bất cứ ai cũng có để phát triển nỗi sợ. Những nghiên cứu khảo sát cho thấy rất nhiều "fan" của dòng phim kinh dị trên thế giới là nữ và có rất nhiều người xem phim kinh dị vì sợ. Tất cả đều bắt buồn từ sự tò mò. Dù thực chất có rất nhiều phim kinh dị cũng khai thác sự tò mò nhưng lại hiếm có phim nào biến nó trở thành một cảm giác đầy ma lực và ám ảnh như Ring.
Sự chia sẻ
Thêm một bản tính thân thuộc của con người được mổ xẻ trong Ring - sự chia sẻ. Tại sao Sadako lại muốn người xem phải copy hoặc cho người khác xem cuộn băng? Đó không đơn thuần là ham muốn gieo rắc nỗi sợ mà còn là sự chia sẻ mang tính cốt lõi trong tất cả mọi người. Chẳng hạn như khi xem một bộ phim hay, bạn sẻ muốn giới thiệu nó đến với mọi người. Thậm chí khi xem một phim dở, bạn cũng sẽ chia sẻ nhận định đó của mình với người khác, và họ lại vì tò mò mà tìm xem bộ phim ấy. Bằng cách sắp đặt sự tò mò, rồi tiếp theo là cảm giác muốn chia sẻ, cuộn băng có chứa oán niệm của Sadako trở thành thứ vừa gây sợ vừa mang tính "lây lan" cao.
Đặc biệt hơn, trong tiểu thuyết còn lý giải "ý thức muốn chia sẻ" này của Sadako theo một hướng rất khoa học mà bản phim đã lược bỏ. Đó là sự lây lan của virus. Theo nội dung tiểu thuyết thì vì một số biến cố mà cô bé Sadako (người có sẵn siêu năng lực đọc ý nghĩ, dự đoán) trở thành bệnh nhân đậu mùa cuối cùng của Nhật Bản.
Khi cô bé bị tay bác sĩ bệnh hoạn xô xuống giếng và hấp hối, sự căm thù mà Sadako dành cho cả thế giới đã cộng hưởng với ý chí sinh tồn của virus đậu mùa mà trở thành một "hồn ma oán hận". Bằng cách lí giải rất thuyết phục về oán niệm và sự lây lan của virus mà sự hình thành của hồn ma Sadako trở nên thuận tai, hợp lý.
Sadako trong Ring 0: Birthday, cô gái xinh đẹp có tài diễn kịch như trong bản gốc tiểu thuyết mô tả
Những vòng lặp
Cuộc sống con người luôn có hàng trăm nỗi sợ nhưng có một kiểu sợ hãi không hữu hình mà lại tạo ra cảm giác rất dai dẳng - vòng lặp. Đó chính là cảm giác khi bạn đi vào một mê cung, mò mẫm trong ấy hàng giờ đồng hồ và phát hiện mình đã quay trở lại vị trí ban đầu.
Đó cũng là cảm giác mà bạn ra sức cố gắng cho rất nhiều điều trong cuộc sống nhưng cuối cùng vẫn phải bắt đầu lại từ đầu. Cũng chính là cảm giác khi bạn xem một bộ phim sát nhân hàng loạt và biết kẻ thủ ác chính là người đã chết đầu tiên. Sẽ có rất nhiều ví dụ nhưng tất cả đều quy lại sự sợ hãi mang tính bất ngờ và hụt hẫng, khiến bạn mất hết sức lực và có cảm giác thua cuộc. Sự sợ hãi cuối cùng trong Ring chính là cảm giác này.
Miệng giếng, nơi Sadako/Samara chui lên cũng là hình tròn một cách có chủ đích
Khi phát hiện ra cách thức để thoát khỏi cái chết mà Sadako định sẵn chính là sao chép cuộn băng, Asakawa vô cùng mừng rỡ dù biết rằng đó là một việc tội lỗi. Cho đến phần 2 của tiểu thuyết, Asakawa vẫn chết sau khi đã xuất bản xong tập tài liệu về Ring và Sadako. Và Ando, người bạn của Ryuji, lại phải bắt đầu điều tra lại từ đầu. Chính là cái cảm giác ngỡ như đã thoát nhưng thực chất lại đi trên một vòng tròn ấy. Và đó cũng chính là hình ảnh biểu tượng của tác phẩm - một vòng tròn oan nghiệt không đầu không cuối.
Dù cho nhiều chi tiết đã lỗi thời được thay mới thì cái nỗi sợ cốt lõi của phim là sự lặp lại vẫn sẽ không bao giờ thay đổi.
Những con số và tiếng đếm
Không phủ nhận hiệu ứng cảm giác mà các bộ phim kinh dị cuồng sát, truy đuổi mang lại. Nhưng cảm giác sợ hãi trong một không gian "đình trệ" cùng những tiếng thở, tiếng đồng hồ gõ nhịp cũng kinh hoàng không kém. Và sự kinh dị của Ring được định hình bằng sự chậm rãi của thời gian và những con số.
Đầu tiên là số người chết, khi đồng loạt có nhiều hơn một người chết cùng nguyên nhân, tự khắc chúng ta sẽ thấy bí ẩn. Và cái chết của nhóm thanh niên đầu phim chính là con số khởi đầu. Sau đó, là con số 7 của một tuần. "Khi xem cuộn phim này, ngươi sẽ chết sau 7 ngày". Bằng việc đưa ra một thời hạn không quá dài, không khí của câu chuyện căng ra và người xem sẽ phải liên tục đếm số ngày mà nhân vật đang trải qua. Bởi vì cảm giác biết trước thời hạn chết, mà còn ở khoảng cách rất gần, thật sự rất đáng sợ.
Dù bản thân câu chuyện là nguyên gốc, nhưng thực ra chi tiết này được Koji Suzuki dựa trên một câu chuyện dân gian của Nhật Bản: Bancho Sarayashiki. Câu chuyện kể về một hầu gái tên Okiku, vì cự tuyệt tình cảm của ông chủ samurai Aoyama Tessan mà trở thành hồn ma.
Do không chiếm được trái tim lẫn thể xác của Okiku mà Aoyama bảo rằng cô làm mất một chiếc đĩa trong bộ sưu tập cổ. Vì giá trị của chiếc đĩa mà Okiku rất hoảng sợ, nhưng cô đếm đi đếm lại thì vẫn chỉ có 9 chiếc. Aoyama bảo nếu đồng ý gả cho hắn thì sẽ giúp tìm ra chiếc đĩa nhưng Okiku vẫn nhất định từ chối. Thế là hắn xô Okiku xuống giếng. Từ đó, vong hồn Okiku đầy oán hận khi theo ám người nào đó sẽ luôn đếm từ 1 đến 9 trước khi "ra tay".
Nếu để ý bạn sẽ thấy có một số đoạn giới thiệu logo các hãng phim/thương hiệu (ví dụ như Imax) hay có màn đếm ngược. Cốt là để tạo ra sự hào hứng trước mỗi bộ phim, 3-2-1-Boom! Những sự kiện "countdown" trước cột mốc gì đó đến bây giờ vẫn luôn là cách thức tạo ra sự hồi hộp không lỗi thời. Và trong Ring, chính là đếm ngược từ 7 đến 1 rồi chết.
Tóm tại, vì khai thác quá tốt những bản tính mang tính ý thức có sẵn trong con người mà sự sợ hãi trong Ring không bao giờ trở nên lỗi thời. Khi xem bộ phim này, khán giả sẽ được khơi gợi cảm giác ám ảnh theo một cách rất công thức: tò mò, chia sẻ, hồi hộp và hoảng loạn.
Đó là lý do khiến các nhà làm phim luôn muốn "xào" lại Ring khi có cơ hội và Rings (2017) tới đây chính là một ví dụ. Có thể thấy với sự thay đổi những chi tiết mang tính "thời đại" trong nội dung sẽ dễ dàng khiến khán giả mới cảm thấy dễ tiếp cận hơn. Có điều, việc viết ra được một "phương trình sợ hãi" thực sự với những biến số có sẵn có thành công hay không là chuyện hạ hồi phân giải nhưng Ring thì mãi mãi vẫn là một trong những biểu tượng kinh dị mọi thời đại.