"Nghe cháu gọi là bà già nghèo khổ, tôi giận lắm"

Bà Nguyễn Thị Thông (65 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) làm nghề nhặt ve chai để kiếm sống. Thường ngày, cụ bà ra ngoài mưu sinh từ 18h đến rạng sáng hôm sau mới về căn nhà trọ chật chội. 

Cụ bà cho biết, do bản thân bị bệnh cao huyết áp nên ban ngày không dám ra đường, dễ ngất xỉu nếu gặp trời nắng. Có những đêm mưa lạnh thấu xương, bà vẫn một mình nhặt từng chai nhựa, đem bán lấy tiền mua đồ ăn cho gia đình. 

Bà Thông thường có thói quen ngồi ở trạm xe buýt gần Chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), để chờ mạnh thường quân đi ngang phát thức ăn, sữa và bánh cho cháu ngoại của bà. 

no-o-no-ba-cu-tu-thien-3.pngBà Thông vẫn chưa thôi ngỡ ngàng vì bị ảnh hưởng tâm lý sau đoạn video của TikToker Nờ Ô Nô (Ảnh: Quang Ninh).

Nhớ về hôm được TikToker đến xin quay video, bà Thông vui mừng vì nghĩ có người đến giúp đỡ như mọi ngày. Thoạt đầu, nghe người ta gọi là "bà già nghèo khổ", bà cũng khá bất ngờ nhưng không dám lên tiếng, chỉ về kể với chồng.

Ngày hôm sau, hàng xóm đến đưa đoạn video, hai ông bà mới lắc đầu ngao ngán vì không nghĩ lại bị xúc phạm như vậy. Vốn không biết chữ, bà Thông phải nhờ hàng xóm đọc tin tức, chỉ để hiểu chuyện gì đang xảy ra.

"Nếu biết sớm, tôi cũng không dám cho quay. Mấy hôm sau cháu có lại xin lỗi rồi kể bị mọi người chửi, bị phạt tiền. Tôi sợ bản thân cũng bị mời lên phường, nên mấy nay không dám ra xin đồ từ thiện nữa", bà Thông bộc bạch.

no-o-no-ba-cu-tu-thien-4.pngCụ bà ban ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, tối đi nhặt ve chai đến rạng sáng mới về (Ảnh: Quang Ninh).

Dù nổi tiếng trên mạng xã hội, nhưng những ngày qua, bà Thông chỉ "bận" tiếp TikToker, YouTuber,… còn bóng dáng của mạnh thường quân lại vơi dần. 

Cụ bà chia sẻ, bà và chồng là ông Trịnh Hoàng Long (54 tuổi), hiện đang sống tại căn nhà trọ chưa đầy 13 m2. Căn nhà này từng bị dột nhưng đã được người dân góp tiền sửa chữa.

Tuy nhiên, sau này mưa xuống, nước ngập từ ngoài hẻm tràn vào trong nhà, ông bà phải bồng cháu lên trên gác chờ nước rút.

no-o-no-ba-cu-tu-thien-5.png  Căn nhà rộng chừng 13 m2 là nơi ở của vợ chồng bà Thông và hai đứa cháu ngoại gần 2 tuổi (Ảnh: Quang Ninh). 

Trước đây, khi còn sức khỏe, vợ chồng bà Thông làm thuê ở nhà hàng để bươn chải, kiếm 9-10 triệu đồng/tháng.

Hai năm gần đây, cả hai đã bỏ việc vì bệnh động kinh của ông tái phát, lên cơn co giật không báo trước. Bà Thông cũng bị bệnh, không thể làm việc nặng. 

Ngoài ra, cám cảnh hơn chính là hai ông bà lớn tuổi, mắc bệnh lại phải nuôi hai đứa cháu ngoại còn đỏ hỏn. Cả hai đành đội trên vai những gánh nặng, ở cái tuổi đáng ra đã được nghỉ ngơi.

"Giờ nó cháu ngoại mình, bỏ thì ai nuôi đây. Tôi đi nhặt ve chai, ngày kiếm 20, 30 nghìn đồng. Ông bà già cũng chẳng ăn nhiều, chủ yếu lo cho hai đứa cháu", bà Thông bộc bạch.

Mỗi tháng, cụ bà 65 tuổi kiếm chưa đến 1 triệu đồng nhưng lại phải chi trả các khoản phí như tiền trọ, điện, nước, thuốc men, ăn uống… gần 4 triệu đồng. Phương tiện đi lại của ông bà chỉ là chiếc xe đạp đã cũ nát. 

"Tháng nào may thì có người đến cho tiền, cho gạo rồi mì gói. Tháng nào không có, tôi đành đi mua thiếu, nào có tiền thì trả, không có thì người ta cũng không đòi vì hiểu hoàn cảnh của mình.

Nhiều khi đi nhặt ve chai không được, ngày không có đồng nào luôn, hai ông bà cũng ăn mì gói qua ngày", cụ bà nói.

Gia cảnh nghèo khó, tuổi già trắng đêm nuôi 2 cháu ngoại

no-o-no-ba-cu-tu-thien-6.png  Thấy cháu thiếu tình thương ba mẹ, vợ chồng bà Thông dành hết tình yêu, sự chăm sóc cho chúng (Ảnh: Quang Ninh). 

Bà Thông kể, con gái của bà có 6 người con. Do gia cảnh nghèo khó, cô này chỉ giữ lại 2 đứa gửi họ hàng, 2 bé để ông bà ngoại nuôi còn lại đem cho ở đâu không ai biết. Ngày nhận cháu, ông bà ứa nước mắt vì chúng còn quá nhỏ, không biết có thể sống được bao lâu.

Sức khỏe yếu, ông bà vẫn khó nghỉ ngơi vì hai đứa cháu quấy khóc hàng đêm. Nhiều hôm, các cháu khóc vì đói khiến cả hai thức đến sáng để dỗ dành. Nhờ mạnh thường quân giúp đỡ, cả hai cũng đỡ được tiền mua tã, sữa cho hai bé.

Hai bé sinh đôi nên dính nhau như sam, tính cách của cả hai cũng không khác mấy nên ông bà cũng đã quen cách "đối phó". Ngoài lúc đi nhặt ve chai, bà Thông chỉ ở nhà để chơi với các cháu. 

Cụ bà chia sẻ, quê ở tỉnh Trà Vinh. Gia đình lên TPHCM lập nghiệp từ lúc bà còn trong bụng mẹ, cho đến lúc sinh ra thì mẹ mất. Không có tiền, bà Thông ra đời từ sớm rồi làm đủ thứ nghề kiếm sống.

Lớn lên, bà bén duyên vợ chồng với ông Long. Sống chung với nhau, cả hai chỉ đi đăng ký kết hôn sau khi đứa con gái đầu đã 10 tuổi. Năm 1999, vợ chồng bà sinh đứa con trai thứ hai nhưng vẫn chưa biết "mùi vị" của đám cưới là gì.

"Buồn chứ, buồn vì không có được cái đám cưới trang trọng. Nhìn người ta tổ chức chúng tôi cũng chạnh lòng lắm, hai vợ chồng tự an ủi thôi. Đã ở với nhau mấy chục năm, giờ già rồi nên không còn nhớ chuyện đám cưới nữa", cụ bà tâm sự.

Sinh được hai đứa con, nhưng đứa con đầu bỏ đi làm ăn xa, rất lâu mới gọi về hỏi thăm. Còn người con trai Út hiện đang làm việc ở tỉnh Bình Dương.

Với hoàn cảnh "bữa đói, bữa no", người này cũng chỉ có thể thỉnh thoảng gửi vài trăm nghìn cho ba mẹ. 

no-o-no-ba-cu-tu-thien-7.png  Căn nhà chật chội, nhưng lại ấm áp bởi tiếng cười nói của trẻ con (Ảnh: Quang Ninh). 

Mỗi dịp Tết, căn nhà nhỏ bé, chật ních này cũng chỉ có tiếng nói cười của hai đứa trẻ thơ. Vợ chồng bà Thông lấy đó làm niềm vui cho những ngày tháng sau này. 

Khi được hỏi về ước mơ, bà Thông cười rồi ứa nước mắt. Bà cho hay bà chẳng có ước mơ gì, chỉ muốn hai vợ chồng có đủ sức khỏe, chăm lo cho hai cháu đến đâu hay đến đó.

"Chúng tôi muốn hai cháu được đến trường như bao đứa trẻ khác, muốn các con được vui vẻ, có cuộc sống đủ đầy.

Chỉ sợ sức khỏe yếu, không nhìn được hình ảnh chúng cắp sách đến trường", cụ bà đượm buồn. 

no-o-no-tu-thien-1.png?width=150Yolo
Nờ Ô Nô tiếp tục từ thiện, bức xúc vì bị lợi dụng video

Theo Dân Trí

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022