"PB 55" là tên khai sinh của một chú gấu bông được nhà sản xuất đồ chơi Đức là Richard Steiff đem chào hàng ở hội chợ Leipzig năm 1903. Chẳng ai để ý, trừ một người Mỹ - ông ta bỏ tiền mua hết chỗ hàng thừa và đặt làm thêm để bán ở thị trường Hoa Kỳ. Ở đấy, nó nổi tiếng đến mức mang tên tổng thống đương nhiệm.
Câu chuyện khá thú vị, trừ một chi tiết: Nó được người Đức kể lại như trên, còn người Mỹ lại có đoạn kết hơi khác! Cùng tìm hiểu câu chuyện này trước thềm ngày lễ Valentine, 14/2 năm nay.
Mọi người đều cần gấu để ôm
Phải, mọi người đều cần gấu để ôm, hiểu theo nghĩa rộng là ai cũng có nhu cầu tìm người chia sẻ vui buồn với mình, và điều đó được cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết trong thời gian bị giãn cách bởi đại dịch Corona. Nhu cầu ấy cơ bản đến mức một hiệp hội các chuyên gia tâm lý Thụy Sĩ trong thời gian phong tỏa đã khuyến cáo các đồng bào của mình hãy coi việc một người trưởng thành ôm ấp hoặc trò chuyện với thú bông của mình là bình thường, chứ đừng vì thế mà bốc điện thoại gọi ngay cho bác sĩ tâm thần!
Không rõ khi nghe lời khuyên ấy thì ông Richard Steiff nghĩ gì. Bởi chính ông là người có đóng góp quyết định vào sự việc đó, ít nhất là ở châu Âu hay Bắc Mỹ, nơi hầu hết mọi người đều lớn lên với ít nhất một con thú bông, trong đó phần nhiều là gấu.
Gấu Teddy của nhà Steiff
Tiếc rằng, ta sẽ không biết được phản ứng cỉa ông Steiff, vì ông đã qua đời năm 1939. Nhưng dự đoán việc ông mang một vật thể tuyệt vời vào thế giới này vào năm 1903, để rồi đến tận thế kỷ 21 nó vẫn mang lại một chút an ủi đối với vô số trẻ em và cả những người trưởng thành đang gặp khủng hoảng khó khăn - điều đó sẽ khiến ông vô cùng hạnh phúc.
Trước đó khá lâu, năm 1897, Richard vào làm tại hãng sản xuất đồ chơi của bác mình là bà Margarete Steiff. Vốn có trí óc tưởng tượng hơn người, chẳng mấy chốc Richard trở thành cộng tác viên quan trọng nhất của bà Steiff bất hạnh vì phải phải ngồi xe lăn. Nhưng vì sao lại chọn một con gấu, vốn là thú dữ săn mồi và không hiếm khi giết chết con người? Theo người đương thời kể lại, Richard rất thích theo dõi những gì đang diễn ra trong chuồng gấu ở vườn thú Stuttgart khi cậu là sinh viên trường mỹ thuật và vẽ lại hết những gì nhìn thấy.
Gấu "Teddy" ra đời
Ở châu Âu hay Bắc Mỹ, gấu bông thường được mặc định tên là gấu Teddy, đến nỗi nó thành danh từ riêng và không mấy ai rõ nguồn gốc. Nhưng ta hãy từ từ theo dõi mạch truyện này.
Xưởng làm đồ chơi của bà Steiff đã có bán một con voi nhồi bông, thực ra cũng không bình thường lắm, vì mấy ai dám chứa con vật cồng kềnh đó trong nhà. Nhưng thu nhỏ theo tỉ lệ xích nhất định thì cũng nhiều con nít ưa ôm ấp nó. Có lẽ vì nghĩ vậy mà hai bác cháu Steiff liều mạng giới thiệu chú gấu với ký hiệu "PB 55" tại hội chợ đồ chơi ở Leipzig vào năm 1903.
Nhân thể kể thêm về tính cách Đức: Họ là một dân tộc duy lý nặng, ưa nguyên tắc và rất cẩn trọng cả trong những chuyện lặt vặt. Thay vì kiếm một cái tên gọi dễ thương ngọt ngào để thu hút trẻ con, họ gắn cho nó danh thiếp khô khan "PB35": "P" là viết tắt của pluesch (vải bông xù), "B" là beweglich tức "cử động" vì con thú này có các khớp để co duỗi tay chân, còn "55" biểu thị độ dài của con gấu tính bằng cm.
Không may cho họ, thoạt tiên chẳng có khách nào dừng chân ngắm nghía con PB35 rầu rĩ trong tủ kính cả. Vào lúc sắp bế mạc hội chợ, chợt có một doanh nhân Hoa Kỳ ghé xem. Với con mắt tinh đời, ông mua sạch cả lô hàng 100 con gấu và nhờ gửi qua Mỹ thêm 3.000 con nữa.
Theo truyền thuyết, con vật được thư ký của Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm là Theodore Roosevelt nhìn thấy ở một cửa hiệu. Biết sếp mình là người thích săn gấu, viên thư ký mua luôn một con để trang trí bàn tiệc sinh nhật cho con gái Roosevelt. Cô bé thích con gấu đến nỗi cô ấy đã đặt tên nó là "Teddy" theo tên của cha mình (Theodore). Thế là nhờ thị trường Mỹ mà một một sản phẩm Đức không chết yểu, mà lại còn phát triển rực rỡ.
Ai có phòng trẻ con đủ rộng thì mua con này: 240 cm
Sự nghiệp hoành tráng
Ngay từ năm 1904, công ty Steiff đã bán được 12.000 gấu bông PB55 - hay đúng hơn là đã có tên mới là Teddy - tại Triển lãm Thế giới ở Saint Louis.
Công bằng mà nói, người sinh ra nó cũng là tác giả của nhiều đổi mới khác nữa, ví dụ như phá tường bao và lát kính để các công nhân hãng Steiff có nơi làm việc tràn ngập ánh sáng ban ngày. Nhưng sản phẩm nổi tiếng nhất của ông luôn là gấu Teddy - và giờ đây nó đã trở thành một báu vật mà muốn mua đồ Steiff chính hiệu (có một khuy bấm ở tai) thì bạn phải thọc tay khá sâu vào túi. Nhưng cảm giác có một bản gốc để làm bạn trong một cuộc khủng hoảng thì không thể trả được bằng tiền nào trên thế giới!
Teddy là một món đồ chơi khá phổ biến. Nó là một bản sao thu nhỏ, mềm mại, cách điệu của một con gấu, thường có bộ lông màu nâu, be hoặc vàng; kích thước thay đổi từ độ lớn của lòng bàn tay cho đến các mô hình cao hai mét rưỡi. Bên trong nó độn bông, xơ gỗ, hạt nhựa hoặc các vật liệu khác.
Vốn dĩ nó chỉ thuần túy là món đồ chơi dành cho trẻ em nhưng ngày nay gấu bông còn được cả người lớn sưu tầm. Trên mạng có thể thấy một thị trường trao đổi sôi nổi ở tầm quốc tế, với những thời giá ngoài sức tưởng tượng. Ai không khó tính thì đành chơi bản nhái, chứ những loạt sản phẩm kỷ niệm "Kỷ Jura" hoặc mang tên người nổi tiếng như ca sĩ Elton John thì khó có cơ hội mua giá gốc khoảng 400 USD để được con thú bông dài chừng gang tay.
Lỗi nhỏ, rất nhỏ trong huyền thoại
Người Mỹ, như thường lệ, hay có cách viết sử theo kiểu riêng. Họ cũng công nhận là con gấu bông được đặt tên theo Theodore Roosevelt, song lại có phần khảo dị khác. Theo đó, Tổng thống có lần đi săn ở Mississippi vào năm 1902 nhưng cả buổi không thấy con gấu nào. Các thành viên trong nhóm săn bắn bèn bố trí một con gấu con bị trói trước họng súng, song vị tổng thống không chịu lập công một cách hèn đớn như vậy.
Clifford K. Berryman, một họa sĩ truyện tranh của Washington Post, đã ghi lại sự việc này trong một bức vẽ. Kể từ khi ông sử dụng con gấu trong các bức tranh biếm họa khác, nó nhanh chóng trở thành biểu tượng cho Tổng thống.
Tranh vẽ của Clifford Berryman trên tờ “The Washington Post”, thuật lại chuyến đi săn thất bại của tổng thống Teddy Roosevelt
Lấy cảm hứng từ đó, một người nhập cư gốc Nga là Morris Michtom và vợ là Rose đã làm một con gấu để trang trí cửa sổ cửa hàng của họ ở Brooklyn. Roosevelt được cho là đã ra "chiếu chỉ" cho phép họ gọi nó là "Gấu của Teddy". Thừa thắng xốc tới, vợ chồng Michtom thành lập một công ty đồ chơi vào năm 1903 và cũng tạo ra một con gấu bông có khớp tay chân. Nhờ công ty này mà Michtom trở thành triệu phú, và con gấu được lan truyền với cái tên Gấu Teddy.
Năm 1963, chủ tịch của công ty quyết định kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của gấu bông Teddy. Ông liên hệ với bà Alice Roosevelt Longworth, con gái của Roosevelt, muốn tặng bà một con Teddy nguyên bản, nếu bà chịu chụp ảnh với nó. Bà Longworth không chịu: "Một con búp bê 79 tuổi đứng cạnh con gấu bông 60 tuổi để làm gì?"
Không nản lòng, Mitchom đã liên hệ với ông Kermit Roosevelt, cháu trai Roosevelt, và nhờ các con của ông tạo dáng cùng nó. Sau buổi chụp ảnh, các con của Kermit Roosevelt nhất định không chịu trả lại con gấu.
Ngày 9 tháng 9 hằng năm ở Hoa Kỳ được tổ chức tưng bừng là Teddy Bear Day (Ngày Gấu Teddy). Vân vân và vân vân, những chuyện kiểu này được viết ra (hoặc bịa ra?) chỉ để thúc đẩy thương mại, phải công nhận người Mỹ rất tài trong khía cạnh này. Quan trọng là Gấu Teddy hôm nay có chỗ đứng vững chắc trong thế giới của trẻ con và người lớn.