Ban tổ chức bảo đẹp, người xem chê xấu
Ông Đặng Đình An, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội, đã dùng nhiều lời hay ý đẹp để nói về các tác phẩm được giải cuộc thi ảnh nghệ thuật Hà Nội lần thứ 50 do ông làm Phó trưởng ban Tổ chức. Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm ảnh nghệ thuật lần thứ 50 có tên Hà Nội niềm tin và hy vọng. Theo ông An, tác phẩm Chủ nhân tương lai (giải nhất) ghi lại hình ảnh các cháu mẫu giáo kết thúc năm học cuối được ông đánh giá “nét mặt rạng rỡ, hồ hởi, cùng với ánh sáng, màu sắc, với không gian trong xanh đã làm cho niềm vui của các cháu trở nên ấn tượng hơn”. Tác phẩm Chào 2020 (giải nhì) ghi lại hình ảnh pháo hoa được ông An đánh giá “những chùm pháo hoa rực rỡ nhờ có kỹ thuật chụp khéo léo, tinh thông, đã cho người xem thấy không khí của thủ đô đón chào cuộc sống mới”…
Về tổng thể các tác phẩm đoạt giải và chọn treo, theo ông An: “Các tác phẩm khác trong số ảnh chọn treo đều là những bức họa sinh động và hoành tráng về đất nước, con người Hà Nội trong lao động xây dựng cuộc sống mới. Niềm vui, niềm hạnh phúc, lòng tự hào về Hà Nội chứa đựng trong nhiều tác phẩm ảnh ở triển lãm kỳ này. Tình yêu Hà Nội của các nhà nhiếp ảnh đã truyền tải cho người xem thấy được một Hà Nội chan chứa niềm tin và hy vọng”.
Trong khi đó, nhiếp ảnh gia Hùng Lekima, đồng thời là một giảng viên nhiếp ảnh, đánh giá: “Cuộc thi đặt mục tiêu khuyến khích các tác phẩm mang tính khoảnh khắc có nội dung sâu sắc, góc nhìn sáng tạo. Nếu mục tiêu vậy thì tôi nghĩ là ảnh chưa ổn. Các ảnh được giải kiểu này có thể xem khắp các cuộc thi, từ năm này sang năm khác. Thậm chí, ảnh giải nhất, với các bạn nhỏ tung hoa, khi xem tôi vẫn đang tự hỏi các bạn nhỏ tuổi thế này có thể nào tự dưng rủ nhau mang hoa ra tung, và tung để làm gì không?”.
Về bức ảnh giải nhì chụp pháo hoa, ông Hùng cho rằng: “Ảnh pháo hoa thậm chí không phải là một bức ảnh chụp pháo hoa đẹp trong rất nhiều ảnh pháo hoa đẹp đã chụp và công bố trên các phương tiên đại chúng ở Hà Nội”.
Tác phẩm Chủ nhân tương lai (giải nhất) của Trần Tiến Dũng |
Không nên in sách ?
Dù bị nhiều người chê xấu, cuộc thi có vẻ không dừng lại ở việc triển lãm các tác phẩm. Trong buổi khai mạc, ông Đặng Đình An cho biết sắp tới các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm sẽ được in thành sách ảnh bìa mềm. Mặc dù vậy, ngày 28.9, khi phóng viên hỏi về việc liệu kinh phí in có phải do ngân sách nhà nước cấp hay không, ông nói: “Tôi không biết, đến giờ tôi đã biết đâu. Sao lại cứ hỏi thế để làm gì. Có ai nói gì không mà cứ phải xoáy vào đấy. Tò mò vừa vừa thôi. Cái này dự kiến sẽ in, sẽ có thể cuối năm, có thể sang năm”.
Ông Vi Kiến Thành, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), cho biết: “Sách ảnh in thì giá cao hơn các sách khác vì in màu, đòi hỏi chất lượng cao để đảm bảo độ nét”. Ông cũng cho biết thường các cuộc thi và triển lãm thường in sách ảnh như một kỷ niệm và phục vụ tra cứu, thường đã được lên kế hoạch từ khi tổ chức thi. Mặc dù vậy, việc in sách và chất lượng ảnh in sách là hai việc khác nhau.
Ông Vũ Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, cho rằng những tác phẩm được giải ở các cuộc thi ảnh Hà Nội mà ông xem có tư duy giống như cách đây mấy chục năm. “Thì đúng là có cũ. Mình phải công nhận là có cũ. Dạo này anh em giỏi lại không dự thi. Còn các bác cao tuổi thì không thể tham gia mãi được. Máy móc thiết bị, khả năng tiếp xúc hạn chế”, ông nói.
Ông Vũ Huyến, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, cho rằng nếu chất lượng ảnh của cuộc thi không tốt, không nên in sách dù đã có thông lệ.
“Nếu ảnh nó dở về thể hiện, nhạt nhẽo về nội dung, việc in ra cũng cần cân nhắc”, ông Huyến nói.
Ông Huyến cũng đặt câu hỏi: “Nếu in sách ảnh bằng tiền túi mọi người có ảnh thì có in không? Tôi nghĩ là không. Nhưng đây là ngân sách có rồi, kế hoạch hội có rồi thì tội gì không tiêu! Những cái đó là sự chưa cân nhắc và trách nhiệm chưa cao đối với đồng tiền”.