Đầu năm nay, hai đội tuyển quốc gia Mỹ đã quyết định chia tiền thưởng. Điều đó có nghĩa là thành tích thi đấu tại những giải bóng đá danh giá nhất sẽ được chia đều cho các cầu thủ nam và nữ, theo AP.
Thỏa thuận mang tính bước ngoặt, được ca ngợi là một bước đi quan trọng cho sự bình đẳng, thậm chí vượt ra ngoài lĩnh vực thể thao.
Nhưng các quốc gia khác đã không làm theo, bởi trọng tâm của vấn đề là sự chênh lệch lớn về tiền thưởng giữa các giải đấu nam và nữ, trong đó phải kể đến World Cup. Khi trọng tâm không thay đổi, rất khó để tạo ra tác động lớn.
Chênh lệch
FIFA đã dành 440 triệu USD tiền thưởng cho World Cup nam năm nay. Đội chiến thắng ở Qatar sẽ mang về nhà 42 triệu USD.
Trong khi đó, đội tuyển nữ của Mỹ chỉ giành được 4 triệu USD từ giải thưởng trị giá 30 triệu USD cho chức vô địch bóng đá nữ thế giới năm 2019.
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã đề xuất tăng gấp đôi số tiền thưởng cho World Cup nữ năm 2023, nhưng giải đấu đã mở rộng từ 24 lên 32 đội.
Điều đó có thể thay đổi. Tổng thư ký FIFA Fatma Samoura gần đây nói rằng tổng số tiền thưởng dành cho giải nữ có thể sẽ tiếp tục tăng.
Đội tuyển Mỹ vô địch giải bóng đá nữ thế giới năm 2019 tại Pháp. Ảnh: AP.
"Ngày nay, World Cup nam là giải đấu tài trợ cho tất cả sân chơi khác của FIFA, bao gồm cả World Cup nữ. Nhưng chúng tôi đã thấy những xu hướng mới về doanh thu", bà Samoura nói tại một sự kiện ở Sydney.
Một số quốc gia, bao gồm Australia, Ireland, Brazil, Na Uy, cũng đã đưa ra một số biện pháp để đảm bảo trả lương bình đẳng cho cầu thủ nam và nữ như cân bằng phí trận đấu và phí xuất hiện.
Nhưng việc chia đều tiền thưởng World Cup gộp lại không phải là một phần của những thỏa thuận đó.
Brazil đã công bố trả lương ngang nhau cho các đội nam và nữ của mình vào năm 2020, nhưng thỏa thuận chỉ cam kết trả cho cầu thủ nữ số tiền "tương đối bằng nhau" hoặc tỷ lệ phần trăm như nhau từ tiền thưởng World Cup.
Hồi tháng 7, Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha cũng đã đồng ý trao cho các cầu thủ nữ một tỷ lệ phần trăm tiền thưởng tương đương với phía nam, cũng như thu nhập từ tài trợ, bản quyền hình ảnh và cải thiện điều kiện làm việc. Tuy nhiên, kế hoạch không được tiết lộ một cách chi tiết.
Khó cân bằng
Lisa Delpy Neirotti, phó giáo sư quản lý thể thao tại Đại học George Washington, cho biết để trả lương bình đẳng, cần tiếp cận vấn đề theo 3 hướng: Tình cảm của công chúng, cầu thủ nữ phải thống nhất với nhau và đội nữ cần đồng minh là các cầu thủ nam như trong trường hợp của đội tuyển Mỹ.
Đó có thể là yêu cầu khó khăn ở các quốc gia như Pháp và Đức. Đội nam ở các nước này đều thành công tại World Cup và không dễ thỏa thuận chia đôi tiền thưởng.
Pháp, đội đã giành được 38 triệu USD khi vô địch World Cup 2018 tại Nga, đã chia 11 triệu USD cho 23 cầu thủ trong đội.
Ngược lại, đội nữ của Mỹ thành công hơn đội nam, khi vô địch cả hai kỳ World Cup gần nhất. Những cầu thủ nam nước này còn không đủ điều kiện tham dự giải đấu 2018 ở Nga.
Đội vô địch World Cup ở Qatar sẽ được thưởng 42 triệu USD. Ảnh: Reuters.
"Nếu cầu thủ nữ của Mỹ tiếp tục làm tốt hơn đội nam, việc chia đôi tiền thưởng không thực sự gây tổn hại cho nam giới. Nhưng chuyện không giống vậy ở các quốc gia khác, những nơi mà nam giới tiến xa hơn trong giải đấu và do đó tạo ra tổng giá trị giải thưởng lớn hơn", Neirotti nói.
Những cầu thủ như Alex Morgan, Megan Rapinoe và Becky Sauerbrunn đã vận động không mệt mỏi để được trả lương công bằng. Đội nữ của Mỹ đã thúc đẩy những lời hô vang "Trả lương bình đẳng" tại trận chung kết World Cup 3 năm trước ở Pháp và nhận được sự ủng hộ của công chúng.
Sau đó, các cầu thủ này tiếp tục làm việc với phía nam để đi đến thỏa thuận chung. Liên đoàn bóng đá Mỹ sẽ lấy 10% số tiền thưởng của mỗi đội, sau đó chia phần còn lại cho các cầu thủ trong danh sách tham dự World Cup của cả hai đội.
Đối với các giải đấu năm 2026 và 2027, liên đoàn sẽ lấy 20% và chia phần còn lại theo cách tương tự.
Theo Zing