Tranh hiện gây chú ý khi được nhà đấu giá Art Research Paris chào bán trong phiên Arts D'asie, Tableaux Modernes, dự kiến vào ngày 30/3. Theo nhà đấu giá, đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của danh họa.

Tranh sơn dầu khắc họa bà Nguyễn Thị Lân ngồi trên ghế. Bà mặc áo choàng màu xanh, đội mũ khăn, đeo chuỗi tràng hạt, ngực đeo kim khánh "Tiết hạnh khả phong" do Bảo Đại ban năm 1927, tay cầm sách. Góc phải bên trên có bốn chữ Hán "Gia từ cận tượng" (Chân dung gần đây của mẹ tôi), góc trái phía dưới ghi "Nam tử Nguyễn Văn Thọ bái họa" (Con trai Nguyễn Văn Thọ lạy phục xuống vẽ". Dưới cùng có chữ ký "Nguyễn Nam Sơn, Hà Nội, 1930".

chan-dung-me-toi-7851-1677664178.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rPTHOAJyGo5hebp_7z7nNg

"Chân dung mẹ tôi", kích thước 170x103,5 cm. Ảnh: Art Research Paris

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi - cháu trai họa sĩ Nam Sơn, chân dung được ông vẽ theo phong cách phương Tây, ảnh hưởng từ hai thầy - người sáng lập Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương Victor Tardieu và họa sĩ Pháp Jean-Pierre Laurens. Trong khi bố cục tranh theo phong cách tranh thờ của phương Đông.

Tác phẩm từng tham gia Triển lãm Thuộc địa Quốc tế Paris năm 1931 của trường Mỹ thuật Đông Dương, được giới thiệu tại triển lãm Salon năm 1932 của Hội Nghệ sĩ Pháp và đoạt huy chương bạc.

Theo Lưu trữ Nam Sơn, họa sĩ từng gửi ảnh chụp Chân dung mẹ tôi cho Jean-Pierre Laurens tại Paris để xin nhận xét. Trong thư hồi đáp vào ngày 29/6/1931, Jean-Pierre Laurens viết: "Tác phẩm của anh đã gây cho tôi một ấn tượng tuyệt vời. Trong tranh, từ trang phục và phong thái đặc biệt của con người tại đất nước anh, tôi có cảm giác trong tận cùng tâm hồn anh toát ra một khái niệm mỹ thuật nghiêm trang và trầm lắng...".

Jean-Pierre Laurens qua đời trước khi triển lãm Salon diễn ra, không kịp chiêm ngưỡng. Vợ ông - Yvonne Diéterle - tới dự, viết thư khen ngợi: "Đó là một tác phẩm tuyệt đẹp, chắc chắn sẽ đem lại sự hài lòng lớn cho người chồng thân yêu của tôi. Bức tranh gây ấn tượng bởi vẻ bề ngoài uy nghiêm, sự quý phái của các hình khối, màu sắc cân đối rõ rệt". Tác phẩm từng nằm trong bộ sưu tập của ông Sambuc - chủ tịch Société des Français d'Indochine (Hội người Pháp tại Đông Dương), mua ngày 21/2/1933.

Chan-dung-me-toi-cua-Nam-Son-t-3704-9887-1677669070.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MgwUlEkKDwOl585yq2Y-0A

Tranh chụp tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trước khi gửi đi triển lãm thuộc địa Paris 1931. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Pháp

Ngoài giá trị nghệ thuật, tác phẩm thể hiện tình cảm của Nam Sơn dành cho mẹ. Họa sĩ tên thật Nguyễn Văn Thọ, là con trai duy nhất của ông Nguyễn Văn Khang - thư ký phủ Thống sứ Bắc kỳ, và bà Nguyễn Thị Lân - thương gia ở phố Hàng Bạc.

Năm họa sĩ bốn tuổi, cha đột ngột qua đời, mẹ ở vậy nuôi ông khôn lớn. Để có đủ điều kiện nuôi con, ban ngày, bà buôn bán tơ lụa ở phố Hàng Đào, ban đêm chong đèn khâu vá thuê. Bà vẫn tranh thủ thời gian dạy Nam Sơn về Tam tự kinh, Nhị thập tứ hiếu - sách về đạo hiếu, cách làm người. Bà cũng nhờ cậu ruột Phạm Như Bình và em trai Nguyễn Sỹ Đức - hai nhà nho nổi tiếng - kèm cặp việc học của con trai.

Nam Sơn trở thành tên tuổi lớn của nền mỹ thuật Việt Nam bấy giờ. Công lao, sự hy sinh của bà dành cho con lan rộng tới triều đình. Năm 1927, bà được vua Bảo Đại ban cho kim khánh khắc bốn chữ "Tiết hạnh khả phong".

Trên báo Phụ nữ Tân văn số ra năm 1931, bà Lương Thị Phương Thảo - vợ của Nam Sơn - khen mẹ chồng tuyệt vời, là tấm gương sáng cho phụ nữ sau này. "Đối với bà chồng tôi, mẹ là con dâu hiếu thảo. Đối với cha chồng tôi, mẹ là người vợ tiết trinh. Đối với chồng tôi, mẹ nuôi dạy từ khi còn năm tuổi, học hành thi đỗ nên danh, giờ chồng tôi dạy học ở trường Cao đẳng Mỹ thuật. Đối với con tôi, mẹ là người bà hiền mẫu. Đối với tôi, mẹ thương yêu nàng dâu như con gái. Bà mẹ chồng có lòng độ lượng, khoan dung", bà Phương Thảo viết.

Theo Thế giới Phụ nữ Việt Nam số ra năm 1998, khi Nam Sơn trở thành giảng viên tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, mẹ ông đã ngoài 60 tuổi. Công việc bận rộn, mỗi ngày, họa sĩ đều dành 10-15 phút trò chuyện với mẹ. Khi xây ngôi nhà đầu tiên, ông dành cho mẹ căn phòng rộng, yên tĩnh để bà nghỉ ngơi, đọc sách và tụng kinh.

Tác giả Phạm Duy Tùng viết: "Cả cuộc đời cần cù lao động, nay không được làm việc, bà cụ rất buồn. Hàng ngày, cụ chờ con đi làm vắng là lại tay năm tay mười quét dọn giúp con dâu. Vừa làm cụ vừa luôn miệng hỏi sắp đến 11h chưa để còn lên giường giả vờ như đang nằm đọc sách để con trai về trông thấy mà vui". Bà cũng dặn con trai phải yêu quý học trò, thương người nghèo khổ, tiết kiệm nhưng không bủn xỉn.

Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, gia đình sơ tán về Hà Đông, Nam Sơn theo trường lên Đường Lâm, Sơn Tây. Tuần nào họa sĩ cũng đạp xe hơn 50 cây số về thăm mẹ.

nam-son-5408-1677664179.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=A-6gXYbIW_hkzS1RKD3wxw

Họa sĩ Nam Sơn năm 1919. Ảnh: Gia đình cung cấp

Nguyễn Nam Sơn (1890-1973) quê Hà Nội, là một trong những họa sĩ đầu tiên của hội họa đương đại Việt Nam. Ông cùng họa sĩ người Pháp Victor Tardieu đồng sáng lập Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngoài ra, ông là giáo sư phụ trách chuyên ngành Đồ họa và Trang trí. Suốt sự nghiệp, ông sáng tác hơn 400 tác phẩm, đa dạng thể loại từ sơn dầu, lụa, thuốc nước đến mực nho, chì son. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông như Chợ Gạo bên sông Hồng, Cò trắng và cá vàng, Chân dung nhà nho, Về chợ, Thiếu nữ nông thôn...

Hiểu Nhân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022