Sau 15 ngày tranh tài sôi nổi của 24 đơn vị nghệ thuật, Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2024 (đợt 2) đã chính thức khép lại vào tối ngày 15/10 tại Bình Dương.
Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2024 (đợt 2) có sự tham dự của 24 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên toàn quốc, mang đến hơn 200 tiết mục ca múa nhạc và nhạc kịch. Đây là cơ hội để các nghệ sĩ cống hiến những màn trình diễn được dàn dựng công phu, kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, góp phần bảo tồn và phát triển nền văn hóa nghệ thuật của Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ Bế mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đánh giá: Liên hoan là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc tôn vinh và phát huy các giá trị nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam. Liên hoan mang đến nhiều cảm xúc và giá trị văn hóa quý báu cho khán giả.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại buổi lễ
"Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc là hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp với tinh thần kế thừa và phát huy cũng như tôn vinh, quảng bá, các giá trị đặc sắc, độc đáo của nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam và tinh hoa nghệ thuật biểu diễn của thế giới, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tại Liên hoan lần này, các nghệ sĩ, diễn viên hoạt động lĩnh vực nghệ thuật ca, múa, nhạc đã thể hiện được tài năng cũng như khát khao sáng tạo, cống hiến, đồng thời được giao lưu, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghề nghiệp. Thông qua Liên hoan, cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương phần nào có cơ sở đánh giá đúng thực trạng hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đánh giá, nhìn nhận được sức sống của loại hình ca, múa, nhạc trong nhân dân" - ông Tạ Quang Đông nhấn mạnh thêm.
Tiết mục biểu diễn tại Lễ Bế mạc "Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2024 (đợt 2)
NSND Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, phát biểu: "Trong Liên hoan có những chương trình mang đậm bản sắc của địa phương thông qua những tiết mục cũng hết sức chân phương, mộc mạc, thậm chí là giữ nguyên hình thức, giữ nguyên những cổ bản, những làn điệu truyền thống đã có từ xa xưa....
Bên cạnh đó, có những chương trình được đầu tư xây dựng có trí tuệ, từ kịch bản xuyên suốt, bám sát chủ đề của chương trình, có bố cục chặt chẽ với đủ các thể loại, biết kết hợp tương tác từ trang trí Mỹ thuật, đạo cụ, hình ảnh, công nghệ đồng thời khai thác kết hợp phát triển giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, giữa các hình thái sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng với lối trình diễn của sân khấu dương đại, tạo điều kiện để các nghệ sỹ có cơ hội thăng hoa tỏa sáng ở từng vai diễn...
Chúng ta ghi nhận những sự sáng tạo với những thành quả đã đạt được của các đơn vị, đặc biệt ghi nhận sự cố gắng nỗ lực cao của các đơn vị đã mạnh dạn xây dựng chương trình ở thể loại Thanh xướng Kịnh, Nhạc Kịch, Nhạc Vũ Kịch....Vì đây là những thể loại cần được đầu tư một cách đồng bộ từ tất cả các khâu sáng tạo đến năng lực nguồn nhân sự của đơn vị".
NSND Quang Vinh cũng cho rằng, Liên hoan không chỉ là sân chơi để các nghệ sĩ thăng hoa mà còn là dịp để kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, qua đó giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa nghệ thuật của nước nhà. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc phát triển nhân lực nghệ thuật tại các địa phương, đặc biệt là sự phụ thuộc vào nguồn nhân lực bên ngoài đơn vị. Theo ông, cần có các chính sách cụ thể nhằm đào tạo và phát triển đội ngũ nghệ sĩ tại chỗ, cũng như điều chỉnh tỷ lệ giải thưởng và tổ chức các cuộc thi theo từng thể loại nghệ thuật.
Trong khuôn khổ lễ bế mạc, Ban tổ chức đã trao giải cho các đơn vị nghệ thuật xuất sắc. Theo đó, Huy chương Vàng được trao cho ba đơn vị: Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân với tác phẩm Mệnh lệnh từ trái tim, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang với Hà Giang – Miền đá gọi, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương với Tiếng gọi mạch nguồn. Đây là những tác phẩm được đánh giá cao cả về nội dung lẫn chất lượng nghệ thuật, thể hiện được sự sáng tạo và cống hiến của các nghệ sĩ.
Sáu đơn vị khác đã giành Huy chương Bạc, bao gồm Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng với Dòng sông kể chuyện; Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển tỉnh Phú Yên với Gió cực Đông; Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Ninh Thuận với Khát vọng bừng sáng; Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Trị với Đi lên cùng nắng gió; Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng tỉnh Khánh Hòa với Khát vọng xứ trầm; và Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng với Sóc Trăng âm vang ngày hội.
Ban tổ chức cũng các giải: Sáng tạo xuất sắc, Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Biên đạo múa xuất sắc, Nhạc sĩ xuất sắc và Họa sĩ thiết kế sân khấu xuất sắc.
Các đơn vị nhận giải trong buổi Lễ Bế mạc