Là bộ phim "làm mưa làm gió" Netflix trong thời gian gần đây, không ai có thể phủ nhận được sức hút của series phim truyền hình học đường mang tên 13 Reasons Why. Dựa theo tiểu thuyết cùng tên của tác giả Jay Asher, bộ phim xoay quanh Hannah, một cô bé quyết định tự sát ở tuổi 17 và 13 cuốn băng được cô bé ghi lại kể về những thứ đã khiến Hannah đau đớn trước khi kết liễu đời mình. Bộ phim được coi như một hướng tiếp cận táo bạo và thẳn thắng đến những vấn đề nhạy cảm nhưng cũng nóng nhất của xã hội hiện thời: nạn bắt nạt học đường, các bệnh tâm lý cũng như một số chủ để như hiếp dâm, trầm cảm, tự sát,…
Sau khi ra mắt, cùng với việc nhận được vô số lời khen ngợi, tụng ca về nội dung cũng như cách thể hiện, 13 Reasons Why đã vấp phải sự phản đối rất mạnh mẽ từ một lực lượng người xem khá lớn cho rằng bộ phim đã đưa đến cho giới trẻ một thông điệp sai lầm về trầm cảm cũng như tự sát.
Đa số những người tẩy chay bộ phim đưa ra lý lẽ rằng 13 Reasons Why đã "hào nhoáng hóa" việc tự sát, khiến những người trẻ mang trong mình suy nghĩ nông nổi này cảm thấy việc kết liễu bản thân là một lối thoát rõ ràng nhất, cũng như việc họ sẽ được nhớ tới trong sự ăn năn của những kẻ đã gây ra nỗi đau. Qua lời kể của Hannah, mọi vật xung quanh đều cứa một lưỡi dao sắc lẻm vào cảm xúc của cô bé, và cuối cùng chỉ có cái chết mới khiến cô bé chấm dứt mọi nỗi đau.
Theo một cách nào đó, việc này thực sự có ảnh hưởng không tốt tới các thành phần khán giả đang ở độ tuổi bồng bột, thiếu chín chắn và đặc biệt là những người đang phải chịu đựng bệnh tâm lý. Đặc biệt, cách bộ phim thể hiện rằng một khi bạn chết đi, xã hội sẽ cảm thấy hối cải, những kẻ từng hành hạ bạn sẽ phải chịu đớn đau cũng có thể bị hiểu nhầm thành những lời "cổ vũ", cổ súy cho tư tưởng tự tử sai lầm và đáng trách.
Điều này cũng có thể được hiểu như suy nghĩ "đổ lỗi", khi 13 lý do của Hannah chính là 13 con người khác, và việc cô bé thu âm lại 13 cuộn băng để "kể tội" cũng chính là một hành động đổ lỗi không thước tiếc, rằng "vì bạn mà tôi chết". Trong thực tế, điều này có thể gây ảnh hưởng rất xấu tới chính người bị đổ lỗi, cho dù họ có đúng hay sai.
Ngoài ra, rất nhiều lời phàn nàn cũng được đưa ra về việc bộ phim đã miêu tả sai về căn bệnh trầm cảm. Bởi lẽ, căn bệnh này giống như một thứ thuốc độc quái thai có thể biến tất cả mọi điều tốt đẹp thành xấu xí, hận thù. Chính vì vậy, việc nhân vật Hannah được coi như bị trầm cảm vì bị bắt nạt, bị thiếu đi sự quan tâm dường như là một góc nhìn rập khuôn và không thực sự đem lại những kiến thức cần phải có về bệnh trầm cảm.
Thế nhưng, liệu những lý lẽ này có thật sự chính xác? Liệu 13 Reasons Why là một bộ phim về trầm cảm, và tất cả những gì xảy ra trong suy nghĩ của nhân vật Hannah thực chất đã bị nhà sản xuất bóp méo, đơn giản hóa hay thậm chí là "lái" hẳn sang một hướng khác chỉ để "hợp thức hóa" hành động sai lầm của cô bé?
Thực chất, tất cả những gì xảy ra trong phim đều chỉ là thực tại và hồi tưởng của nhân vật Clay. Chính vì thế, chưa một lần nào trong phi (cũng như trong sách), từ "trầm cảm" được nhắc tới. Diễn biến tâm lý của nhân vật Hannah, cho dù nhìn ở góc độ nào, cũng chưa bao giờ được xác nhận như là một căn bệnh cụ thể. Hannah có thể là một nạn nhân của căn bệnh trầm cảm, nhưng cũng có thể chỉ là một cô bé bị tổn thương về mặt tinh thần cũng như thất bại trong việc kiếm tìm một bàn tay giúp đỡ.
Việc Hannah tự tử, cũng không hoàn toàn là vì cô bé cảm thấy thất vọng với cuộc sống hiện tại. Đúng là cô bé cho rằng những thứ xung quanh mình phần lớn đều đem lại nỗi đau, nhưng còn có một thứ xúc cảm nữa đẩy cái sự quặn thắt trong tim Hannah lên một bậc: cảm giác vô dụng, thừa thãi và ăn hại với những người mình thương yêu.
Có một tập phim đã được dành riêng cho vấn đề này, khi Hannah được bố mẹ tin tưởng giao cho công việc đem tiền gửi ngân hàng, vốn là một số tiền không nhỏ đối với gia đình của cô, nhưng rồi cô bé lại làm mất. Cay đắng trước sự "vô dụng" của bản thân, Hannah đã tìm cách đi lang thang giải sầu, chỉ để bị dẫn tới những sự việc không lường sau đó. Lún sâu trong những tổn thương về mặt tinh thần và thể xác, một cô bé yếu đuối đã lựa chọn giải pháp tồi tệ nhất.
Nếu như nói rằng bộ phim là một tác phẩm nhằm cổ súy và "hợp lý hóa" vấn nạn tự sát, thì thực sự là một điều sai lầm. Những niềm đau hậu cái chết của Hannah hiện hữu qua từng tập, trong người bạn thân Clay, cho những "13 lý do" và cho tới cha mẹ của cô bé. 13 Reasons Why đưa ra một thông điệp rất rõ ràng và mạnh mẽ về tự sát, rằng hành động này vô nghĩa như thế nào, cũng như những người ở lại sẽ phải đương đầu cùng mất mát ra sao.
Đồng thời, 13 Reasons Why cũng đưa là một lời cảnh tỉnh cho những cá thể thờ ơ, lãnh cảm trước người khác. Hãy luôn giang rộng vòng tay để giúp đỡ những người đang vấp ngã, để cho họ cảm thấy được sự ủng hộ và yêu thương. Bởi lẽ, chỉ cần một hành động nhỏ từ người nào đó thôi, cuộc đời của ai đó cũng sẽ trở nên tốt đẹp và tuyệt vời hơn rất nhiều.
Bộ phim không được sinh ra để giải thích cho người xem thế nào là trầm cảm, thế nào là cách đương đầu với nỗi đau, hay như thế nào mới là cách cứu rỗi bản thân cho hợp lý. 13 Reasons Why đơn giản chỉ là một bức tranh tái hiện lại những vấn đề xã hội tuổi vị thành niên tưởng chừng đã bị bỏ quên trong thế giới cơm áo gạo tiền của người lớn. Chính vì lý do đó, bộ phim không có nhiệm vụ phải khiến nhân vật thực hiện những hành vi "đáng-lẽ-ra-là-đúng", đặc biệt là khi nó đã không tự giới hạn bản thân vào một đề tài, căn bệnh cụ thể nào.
Nội dung và cách thể hiện của bộ phim, cho tới một mức độ nào có, có thể coi là khá thẳng thắn và tàn bạo. Chính vì lẽ đó, bộ phim hoàn toàn có khả năng ảnh hưởng tới suy nghĩ cũng như cảm xúc của những người từng hoặc đang trải qua những căn bệnh về tâm lý hay suy nghĩ tự tử. 13 Reasons Why là một con dao hai lưỡi chết người, và có lẽ để cầm được "con dao" này, cần lắm một cái đầu tỉnh táo, một sự hiểu biết đầy đủ và một trái tim ấm nóng để sưởi ấm cho biết bao nỗi đau đang quanh mình.
Xem 13 Reasons Why, chính là để hiểu rằng ngoài những bong bóng ảo tưởng của chúng ta về cuộc sống, vẫn còn đó những kiếp người nhỏ bé nhưng gồng gánh nỗi đau đến oằn người, là để hiểu rằng một gương mặt đẹp, một học bạ giỏi không có nghĩa là cuộc sống của bạn hoàn hảo.
Nỗi buồn gặm nhấm bất kì ai, và những kẻ yếu đuối sẽ rơi mãi vào bao tử háu ăn đầy nguy hiểm của nó. Thế nhưng, sự giúp đỡ luôn ở bên bạn. Tự sát không bao giờ là một sự lựa chọn, và thậm chí nếu ý nghĩ ấy có sượt qua đầu bạn cho dù chỉ trong một tíc tắc, hãy luôn nhớ đến những hậu quả nó gây ra. Cho cả người ra đi và người ở lại. Cho những nỗi đau còn mãi.