Tiện nghi khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam (nhan đề gốc “Tropical Comforts in Vietnam”) là chủ đề của một bài báo học thuật của GS.KTS Andrew Cruse (ĐH Bang Ohio), xuất bản trên tạp chí Architecture Beyond Europe (ABE Journals). Tiếp nối phần 1, Kienviet xin tiếp tục chia sẻ cùng bạn đọc góc nhìn của GS Andrew Cruse về chủ đề này trong phần 2.
19.
Trong một nghiên cứu ở Singapore về “tính hiện đại về nhiệt” (thermal modernity), Jiat-Hwee Chang và Tim Winter lập luận rằng việc sử dụng điều hòa không khí trong bối cảnh hậu thuộc địa, thay vì là một quá trình toàn cầu hóa, lại phản ánh các đặc điểm cụ thể của mỗi quốc gia mới thông qua việc chuyển đổi không gian xây dựng và cấu trúc lại các mối quan hệ trong nhà và ngoài trời. Trong trường hợp của miền Nam và miền Bắc Việt Nam, điều hòa không khí lần đầu tiên được lắp đặt trong các khách sạn và bệnh viện trong bối cảnh chiến tranh chống Mỹ. Nhưng cách sử dụng điều hòa trong hai loại hình công trình này lại khá khác biệt. Người Mỹ hay những người phương Tây khác có các khách sạn, các tòa nhà ngoại giao, quân sự có điều hòa chủ yếu dành cho người nước ngoài. Trong khi đó, các kĩ sư và kiến trúc sư Việt Nam đã sử dụng điều hòa cho bệnh viện, phù hợp với bối cảnh kinh tế và năng lượng, ứng dụng nó để cải thiện sức khỏe cho các bệnh nhân Việt Nam. Song song với việc sử dụng điều hòa không khí, các KTS và các nhà khoa học cũng bắt đầu các chương trình nghiên cứu về tiện nghi nhiệt. Không như các nhà nghiên cứu ở Mỹ và châu Âu tập trung phần lớn vào các tiêu chuẩn lý tưởng trong các công trình thương mại có điều hòa, các nhà nghiên cứu người Việt lại tìm cách tạo ra các môi trường nhà ở thoải mái trong mối quan hệ với một môi trường khí hậu bên ngoài dễ biến đổi.
20.
Các khách sạn quốc tế là một trong những không gian có lắp điều hòa sớm nhất ở miền Nam Việt Nam. Ví dụ nổi tiếng nhất có lẽ là khách sạn Caravelle ở Sài Gòn (1959). Tòa nhà được xây dựng cho một tập đoàn của Pháp (gồm cả hãng hàng không Air France, khách sạn được đặt theo tên một loại máy bay mới xuất xưởng của hãng vào thời điểm đó), công trình 10 tầng được KTS Nguyễn Văn Hoa thiết kế, khi đó còn là cộng sự trong văn phòng Hoa – Thâng – Nhạc. KTS Nguyễn Văn Hoa học tại EBAI (Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương), sau đó làm việc với Arthur Kruze và chịu trách nhiệm về một số công trình lớn theo chủ nghĩa hiện đại ở miền Nam Việt Nam. Khách sạn có các tấm chắn nắng nhỏ bên ngoài treo ở ban công các tầng trên, và một hệ thống điều hòa không khí do Mỹ sản xuất làm mát bên trong. Các vị khách của Caravelle phần đông là người ngoại quốc, đây còn là nơi đặt các văn phòng Sài Gòn của nhiều công ty in ấn và truyền thông Hoa Kỳ cũng như các cố vấn quân sự Mỹ hay Đại sứ quán Úc và New Zealand. Nhà sử học Sài Gòn Tim Doling mô tả rằng, suốt thập niên 60, nhiều nhà báo nước ngoài đã chuyển đến Caravelle vì nó có máy điều hòa. Khách sạn Rex gần đó, nơi diễn ra cuộc họp báo hàng ngày của bộ chỉ huy quân sự Hoa Kỳ (còn được biết đến với cái tên “five o’clock follies”), được điều hòa không khí một phần.
Khách sạn Caravelle những ngày đầu tiên (Ảnh: Tuổi Trẻ Online)21.
Người Mỹ đã lắp điều hòa không khí trong nhiều công trình ngoại giao và quân sự. Trụ sở chính của Dịch vụ thông tin Hoa Kỳ (USIS) tại số 39 Lý Tự Trọng (thiết kế bởi KTS Nguyễn Văn Hoa và Arthur Kruze, đầu thập niên 1950) được “lắp điều hòa hoàn toàn”, trong khi Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn lắp đặt điều hòa không khí di động ở các cửa sổ của công trình. Kiến trúc sư Mel Schenck, người quản lý xây dựng cho Hải quân Hoa Kỳ ở Sài Gòn vào đầu những năm 70, nhớ lại nhiều khu dành cho binh lính và sĩ quan được điều hòa không khí với nguồn điện do máy phát điện cung cấp. Phần lớn công trình quân sự ở Việt Nam được thực hiện bởi một tập đoàn tư nhân Mỹ gọi là RMK-BRJ. Các công trình đó gồm các trại căn cứ lớn, một số có trung tâm mua sắm và rạp chiếu phim có lắp điều hòa.
22.
Sự tiện nghi được cung cấp trong các khách sạn và các cơ sở ngoại giao, quân sự này có thể được mô tả là sự thoải mái về thể chất, một khái niệm Anh – Mỹ độc đáo mà John Crowley định nghĩa là “sự hài lòng tự thân với mối quan hệ giữa cơ thể và môi trường vật chất tức thời”. Những không gian này là độc quyền và trong nhiều trường hợp là được kiểm soát chặt chẽ, không dành cho người Việt địa phương mà dành cho người ngoại quốc trong nước.
23.
Các bệnh viện ở miền Nam, cũng như các khách sạn quốc tế, cũng được trang bị điều hòa không khí, mặc dù ở Việt Nam, nó được sử dụng khác với các bệnh viện Tây phương. Máy điều hòa lần đầu xuất hiện trong các phòng mổ ở các bệnh viện ở Mỹ và châu Âu vào những năm 1930. Nó được lắp đặt để cung cấp không khí trong lành, được lọc theo lý thuyết vi trùng phổ biến thời kỳ đó. Điều hòa không khí cũng cho phép nhân viên y tế kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm của phòng để đảm bảo sức khỏe của những bệnh nhân được gây mê, không thể tự điều nhiệt đúng cách. Đến những năm 1950, máy điều hòa đã lan rộng đến các không gian khác của bệnh viện như các phòng hành chính, chẩn đoán và phòng của bệnh nhân ngoại trú. Hoa Kỳ cũng là nơi dẫn đầu xu thế này trên thế giới.
24.
Từ giữa những năm 1960 – 1975, KTS Trần Đình Quyền làm việc cho Bộ Y tế miền Nam Việt Nam, nơi ông chịu trách nhiệm thiết kế một số bệnh viện lớn có lắp điều hòa không khí. KTS Trần Đình Quyền bắt đầu học y khoa trước khi hoàn thành tấm bằng kiến trúc tại Sài Gòn vào năm 1960. Với nền tảng y khoa của mình, sau đó ông được lựa chọn đi tham quan nghiên cứu trong 6 tháng tại các bệnh viện Hoa Kỳ do UNICEF tài trợ. Sau chuyến đi này, ông đã nhận được học bổng nghiên cứu kiến trúc tại Đại học Columbia ở New York. Tại đây, ông được tiếp xúc với những ý tưởng mới trong cách tổ chức bệnh viện, bao gồm “đế và sàn” (podium & slab) và các mô hình “đường đua” (racetrack). Chúng tập trung vào vấn đề lưu thông hiệu quả cho y bác sĩ để cải thiện quá trình điều trị bệnh nhân và dựa vào điều hòa không khí để duy trì khí hậu bên trong ổn định và sạch sẽ. Nhìn chung, đây là các công trình trung tầng, thiết kế có chiều sâu, phản ánh sự phát triển đương thời trong các công trình văn phòng. Khi trở lại miền Nam vào năm 1964, KTS Trần Đình Quyền đã tìm cách áp dụng các mô hình bệnh viện hiện đại, hiệu quả này cho miền Nam Việt Nam. Hầu như điều này có nghĩa là sử dụng điều hòa không khí một cách hợp lý. Việc giới hạn sử dụng máy điều hòa của ông có thể xuất phát từ các quan niệm truyền thống của người Việt là quá nhiều không khí lạnh có thể không tốt cho sức khỏe. Ông mô tả cách thức sử dụng thay vì việc sử dụng với các khối tích lớn nhỏ khác nhau mà mặt tiền bịt kín để dùng máy điều hòa nhân tạo, ông tổ chức các đồ án của mình dựa trên các khối thông gió tự nhiên cùng với việc sử dụng điều hòa không khí giới hạn ở các khu vực quan trọng. Điển hình nổi bật nhất chính là Bệnh viện Thống nhất ở Sài Gòn (1972). Trong công trình này, ông đã bao lấy khối lõi cao tầng bằng các khối thấp tầng, kéo dài đến cạnh khu đất. Cả khối trong tâm và các khối cạnh đều được tổ chức quanh các sân trong. Một bức tường hoa gió bao che mặt đứng chính của bệnh viện. Giống các công trình ví dụ khác, bức tường hoa này che chắn ánh nắng và giúp thông gió cho công trình.
Bệnh viên Thống Nhất (Ảnh: Tạp chí Kiến Trúc)
25.
Lăng Hồ Chí Minh ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội (1975) có thể là công trình lắp đặt máy điều hòa không khí lớn nhất miền Bắc vào thời điểm đó có liên hệ trực tiếp đến thiết kế bệnh viện. Sau khi Hồ Chủ tịch qua đời vào tháng Chín năm 1969, quân đội đã cất giữ thi hài của ông trong phòng mổ điều hòa ở bệnh viện quân y trung ương Hà Nội. Ở đó có một đội ngũ duy trì mức nhiệt độ ổn định ở 16°C, độ ẩm tương đối 75% theo khuyến nghị của Phòng thí nghiệm Lenin (Lenin Lab), một tâm y tế ở Moscow nổi tiếng về công nghệ ướp và bảo quản xác. Tâm nguyện cuối cùng của Hồ Chủ tịch là được hỏa táng và để tro cốt của ông rải khắp đất nước. Tuy nhiên vào tháng 11 năm 1969, Bộ chính trị Bắc Việt đã đồng thuận với việc bảo quản lâu dài thi hài trong lăng trước “những biến đổi có hại của khí hậu” và giữ an toàn trước “chiến tranh và kẻ thù phá hoại”. KTS Nguyễn Ngọc Chân và KTS Garold Grigorievich Isakovich thuộc Viện thiết kế Dân dụng Xô Viết, đã dẫn đầu nhóm nghiên cứu thiết kế lăng. Công trình không được hoàn thành cho đến năm 1975 do thiếu hụt lao động và vật liệu trong thời điểm chiến tranh đang diễn ra. Lăng Bác có công nghệ màn không khí ngay lối vào. Công trình có hai khu vực bên trong, một khu được điều hòa chung cho các không gian bên trong và hệ thống thứ hai dành cho “lá phổi đặc biệt” của phòng thi hài, nơi này được đặt một hệ thống điều hòa riêng biệt để duy trì các điều kiện môi trường phù hợp theo khuyến nghị của Lenin Lab. Kĩ sư cơ khí của công trình đã đi xem hệ thống được chế tạo từ Nhật Bản, là bước đầu trong ngành công nghiệp làm mát của đất nước.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh:TTXVN)26.
Cách sử dụng điều hòa không khí trong khách sạn và bệnh viện được nhắm đến hai nhóm đối tượng khác nhau với các mục đích khác nhau. Ở khách sạn hay các công trình quân sự, ngoại giao liên quan, phần lớn do người phương Tây thiết kế và dành cho người phương Tây ở miền Nam Việt Nam, nhiều người trong số họ đã ở những nơi đó cho những nỗ lực liên quan đến chiến tranh. Các kĩ sư đã chỉ định điều hòa khí hậu trong nhà cho những không gian này để tạo ra sự thoải mái về thể chất cho người cư ngụ. Trong trường hợp bệnh viện, việc sử dụng điều hòa không khí một cách hợp lý để cải thiện sức khỏe cho người bản địa dựa trên lý thuyết y học hiện đại, mà có thể trái ngược với các thực hành truyền thống. Như công trình của KTS Trần Đình Quyền cho thấy, cách sử dụng công trình đã được công bố qua thực tiễn ở Tây phương nhưng được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh kinh tế, năng lượng và khí hậu của Việt Nam. Các cách tiếp cận này nhấn mạnh những cách nhìn khác đối với sự thoải mái, sức khỏe và khí hậu trong nhà ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam đã ảnh hưởng thế nào đến việc sử dụng điều hòa không khí lúc ban đầu ở cả hai quốc gia.
27.
Các tiêu chuẩn về tiện nghi nhiệt trong nhà đã giúp thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi điều hòa không khí ở các vùng ôn đới cũng như nhiệt đới. Nghiên cứu này đã bắt đầu ở Hoa Kỳ vào những năm 1920 và các thập kỷ sau đó ở Anh. Phần lớn nghiên cứu này chia sẻ về cơ sở xác định môi trường, liên hệ các kiểu hình khí hậu đến sự phát triển văn hóa. Với gốc rễ kéo dài từ y học nhiệt đới thế kỷ 18, 19 và các doanh nghiệp thuộc địa khác, góc nhìn này cho thấy các vùng ôn đới có lợi thế thành công hơn về mặt kinh tế, văn hóa và vật liệu so với vùng nhiệt đới. Sự chú ý gần đây của giới học thuật đã chỉ ra sự quan tâm đến tính tiện nghi trong môi trường thuộc địa đã tiếp nối suy nghĩ cụ thể trên trong khi giúp thúc đẩy các lợi ích của đô thị ở các vùng nhiệt đới. Đầu thập niên 1970, nghiên cứu về tính tiện nghi liên quan đến điều hòa không khí đã bắt đầu tập hợp xung quanh một cách tiếp cận “one-size-fit-all”, còn được gọi là PMV (Predicted Mean Vote). Được phát triển thông qua nghiên cứu dựa trên thí nghiệm ở các vùng ôn đới, PMV cho rằng tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, tuổi tác hay điều kiện khí hậu hiện hành, đều ưa thích cùng một kiểu khí hậu bên trong. Nghiên cứu tập trung chủ yếu vào nhân viên văn phòng ít vận động, mặc dù thường áp dụng rộng rãi hơn cho con người trong các tòa nhà thương mại và dân cư. Tổ chức tiêu chuẩn thế giới (ISO) và Hiệp hội kĩ sư về nhiệt sưởi, làm lạnh và điều hòa không khí Hoa Kỳ cuối cùng đã viết nghiên cứu này vào các tiêu chuẩn về quy chuẩn tiện nghi, được chính quyền địa phương và các quốc gia khác thông qua. Đến những năm 1980, các nhà nghiên cứu về tiện nghi đã thành lập phòng thí nghiệm về tiện nghi ở Nhật Bản và Singapore, một phần để kiểm tra kĩ lưỡng hơn cách áp dụng tiêu chuẩn PMV cho khu vực nhiệt đới và dân cư. Những phòng thí nghiệm này đã mở rộng các giao thức và giá trị cơ bản đã phát triển trong các trung tâm nghiên cứu ôn đới cho vùng nhiệt đới (hầu hết là phòng thí nghiệm ashrae ở Kansas và phòng thí nghiệm Fanger ở Đan Mạch).
28.
Song song với các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu về tính tiện nghi cũng tiến hành nghiên cứu thực địa để xác định những điều kiện mà người cư ngụ cảm thấy thoải mái trong môi trường thực tế. Kể từ thập niên 1930, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các nghiên cứu này để đo lường sự thoải mái của công nhân, quân nhân và cư dân trong khí hậu ôn đới và nhiệt đới. Các nghiên cứu thực địa này khảo sát những cư dân trong các tòa nhà về sự thoải mái của họ đồng thời ghi chép lại các điều kiện khí hậu bên trong và bên ngoài công trình. Sau đó, họ phân tích các dữ liệu thống kê để xác định mối tương quan giữa thời tiết và sự thoải mái. Nghiên cứu thực địa thường ít được tổ chức hơn so với các công việc trong phòng lab nhưng từ giữa thập niên 1970, Michael Humphreys, một nhà nghiên cứu ở Cơ sở Nghiên cứu Xây dựng Anh quốc (the British Building Research Establishment – viết tắt là BRE), đã công bố một báo cáo so sánh một số nghiên cứu thực địa. Trong báo cáo này, ông đã xác định mối liên hệ giữa khí hậu bên ngoài và sự thoải mái bên trong nhà, cái mà các nhà nghiên cứu sau này gọi là “tín hiệu khí hậu”. Hơn một thập kỷ sau đó, các nghiên cứu dựa trên thực địa đã chứng minh rằng cư dân trong các tòa nhà được thông gió tự nhiên, thích ứng trong một phổ rộng hơn các điều kiện về sự thoải mái so với những người sống trong các tòa nhà có điều hòa khí hậu, dựa trên quá trình thích ứng tâm lý và sinh lý. Cách tiếp cận này được gọi là mô hình tiện nghi nhiệt thích ứng. Đến năm 2004, ashrae đã kết hợp một phiên bản rút gọn của mô hình nhiệt thích ứng vào tiêu chuẩn tiện nghi nhiệt của họ cùng với cách tiếp cận PMV tập trung vào điều hòa không khí. Nhờ số lượng ngày một tăng từ các dự án và các nhà nghiên cứu thực địa, đặc biệt ở châu Á, đã xác định rằng cư dân vùng nhiệt đới ở một số khu vực ưa thích nhiệt độ ấm áp hơn so với cư dân vùng ôn đới.
29.
Các cơ quan và tổ chức chính phủ Bắc Việt đã hỗ trợ nghiên cứu về tiện nghi có giới hạn, tập trung chủ yếu vào nhà ở. Cục thiết kế dân dụng, ngày nay được biết với tên goi Tư vấn Xây dựng Quốc gia Việt Nam, đã tiến hành các công việc ban đầu này. Được thành lập ban đầu vào năm 1955 ở miền Bắc Việt Nam, mối quan tâm chủ yếu của tổ chức là về sự phát triển của vật liệu và các phương pháp xây dựng nhà ở trong bối cảnh hạn chế thời chiến. Vào giữa thập niên 1960, một số nhà nghiên cứu đã khám phá ra mối liên hệ giữa nhà ở, thời tiết và sự thoải mái. Từ đầu năm 1981, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Kiến trúc Hà Nội đã bắt đầu thực hiện các nghiên cứu có hệ thống về tiện nghi nhiệt liên quan đến sự phát triển nhà ở công cộng. Họ đã tìm cách kết hợp công việc của mình với cơ quan nghiên cứu thực địa quốc tế. Giáo sư Nguyễn Hữu Dũng từ Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Khí hậu trong nhà thuộc Đại học Kiến trúc Hà Nội, đã trình bày công việc của nhóm mình tại Hội nghị Windsor lần thứ nhất năm 1994, hội nghị quốc tế đầu tiên tập trung vào tiện nghi nhiệt thích ứng. Phần trình bày của ông nhấn mạnh rằng mục tiêu chính của nhóm nghiên cứu là bảo tồn năng lượng bằng cách tránh phụ thuộc quá nhiều vào điều hòa không khí. Công trình nghiên cứu này tương đồng với với các nghiên cứu khác ở các nước nhiệt đới kém phát triển kinh tế khu vực Đông Nam Á bao gồm Thái Lan và Malaysia. Sau đó ông cũng phát triển một hợp tác nghiên cứu tóm lược với Terry Williamson tại Đại học Adelaide điều tra về sự thoải mái nhà ở tại Hà Nội. Các công việc nghiên cứu khác vào đầu những năm 2000 tìm cách phát triển biểu đồ sinh khí hậu cho Việt Nam. Dựa trên các ấn bản trước đó của Victor và Aladar Olgyay cùng với Brauch Givoni, biểu đồ lần này cho phép các kiến trúc sư điều chỉnh chiến lược thiết kế phù hợp với các vùng khí hậu khác nhau ở Việt Nam. Nói chung, công trình nghiên cứu này thể hiện sự gắn kết với nỗ lực toàn cầu nhằm kết nối khí hậu, sự thoải mái, và năng lượng, những nỗ lực kịp thời với tiện nghi nhiệt thích ứng trong khi bị trì hoãn kì lạ với biểu đồ sinh khí hậu. Mặc cho mối quan tâm nghiên cứu rõ ràng ở Việt Nam nhằm liên kết tiện nghi, khí hậu và bảo tồn năng lượng, đến năm 2004, đất nước mới chính thích áp dụng tiêu chuẩn tiện nghi ISO dựa trên PMV.
30.
Tính hiện đại về nhiệt của Việt Nam phản ánh các thái độ mâu thuẫn đối với điều hòa không khí và các tiêu chuẩn tiện nghi có liên quan của nó, PMV. Khi các kiến trúc sư của Nhà Bình Thạnh gán “các thiết bị máy móc như điều hòa không khí” với “lối sống hiện đại”. thì trong thực tế cách sử dụng ban đầu của máy điều hòa ở Việt Nam là dành cho người ngoại quốc trong thời gian chiến tranh. Song song với đó, máy điều hòa được sử dụng gần như đồng thời tại các bệnh viện Việt Nam dường như để làm nền tảng cơ sở cho mô hình tiện nghi nhiệt thích ứng bằng việc cung cấp sự tiện nghi đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc vào máy điều hòa và các chi phí năng lượng liên quan. Giống như việc xem các bức tường hoa gió với một “lối sống truyền thống”, “lối sống hiện đại” không tập trung vào các phương hướng mà người kiến trúc sư và kĩ sư đã sử dụng máy điều hòa trong quá khứ ở Việt Nam. Thay vào đó, việc sử dụng điều hòa phụ thuộc vào các tác nhân cụ thể và bối cảnh chính trị – xã hội ở nơi mà họ đang sử dụng.
31.
Các cuộc thảo luận chung về tường hoa gió và điều hòa không khí ở Việt Nam cung cấp một vài bối cảnh về cách mà các kiến trúc sư hay kĩ sư đã sử dụng từng loại công nghệ môi trường và các kiểu tiện nghi mà họ tạo ra. Chuyển qua xem xét các trường hợp cụ thể của Dinh Độc Lập và Tòa sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn để đưa ra một góc nhìn chi tiết về vai trò đặc biệt quan trọng của bối cảnh chính trị – xã hội trong việc định hình sự tiện nghi. Những công trình này tạo nên một sự so sánh thú vị bởi vì chúng đều được xây cách nhau một năm bởi các đồng minh trong Chiến tranh chống Mỹ (Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa). Mặc dù chúng đều có các bức tường hoa gió và điều hòa không khí để hình thành khí hậu bên trong, nhưng kết quả lại tạo ra hai môi trường hoàn toàn trái ngược nhau: trong khi Dinh Độc lập sắp xếp các không gian chịu nhiệt và làm mát để tạo ra sự liên tục cân bằng giữa bên trong và bên ngoài, thì tòa sứ quán lại sử dụng các yếu tố tương tự để tạo ra một hàng rào an toàn giữa bên trong và bên ngoài.
Dịch: Anh Tuấn | Nguồn: Open Editon Journals
XEM THÊM
- Tiện nghi nhiệt đới ở Việt Nam (Phần 1)
- Đi tìm giải pháp kiến trúc nhà ở thích ứng thời kỳ “covid 19”
- Vấn đề đa dạng sinh học trong đô thị