Từ những năm đầu tiên của thế kỉ 21, Trung Quốc trở thành cái nôi sinh ra những công trình táo bạo nhất của những kiến trúc sư sáng giá nhất. Tuy thế, yếu tố bất ngờ đã dần mai một, và khi người ta càng quan tâm với kiến trúc thực dụng hơn, tiết kiệm hơn và có trách nhiệm hơn, thì người ta càng đánh giá kiến trúc khắt khe hơn. Kịch bản đã bị xoay chiều: ngày nay, chỉ những kiến trúc địa phương, khiêm tốn và phù hợp với xã hội mới được chú ý. Trung Quốc thể hiện rất rõ điều đó, các công trình hàng đầu, quan trọng nhất và phù hợp nhất ở đây đều do tài năng quê nhà thiết kế.
Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Dương Lệ Bình | Studio Zhu-Pei
Vladimir Belogolovsky: Mới đây ông đã được bổ nhiệm làm hiệu trưởng tại CAFA. Không biết ông muôn xây dựng tầm nhìn và đào tạo kiến trúc sư như thế nào?
Chu Bầu: Trường chúng tôi có quy mô khá nhỏ, chỉ có khoảng 600 sinh viên và hơn 50 giảng viên, hầu hết giáo sư còn rất trẻ. Tôi muốn tạo ra một hệ sinh thái phù hợp, tiếp nhận nhiều ý tưởng. Là trường nghệ thuật hàng đầu ở Trung Quốc, CAFA có nền văn hóa và truyền thống nghệ thuật và đổi mới mạnh mẽ. Chúng tôi sắp kỉ niệm 500 năm thành lập CAFA. Tôi muốn ngôi trường sẽ thúc đẩy tư duy tư duy phản biệt, sức sáng tạo, cùng nhau khám phá tương lai kiến trúc. Nhà trường sẽ tập trung vào các lĩnh vực tiên tiến trong giáo dục, nghiên cứu và thực hành kiến trúc để xây dựng một nền tảng biện luận giúp khám phá những khía cạnh không thể thiếu với kiến trúc, như thiên nhiên, văn hóa hay sức sáng tạo.
Tôi cảm thấy chúng tôi có thể mời gọi được rất nhiều thầy cô, kiến trúc sư, học giả và sinh viên tới đây. Tháng 11 vừa rồi, chúng tôi đã mở một diễn đàn kiến trúc toàn cầu với sự tham gia của hơn 50 kiến trúc sư, giáo sư các trường, học giả, nghệ thuật gia và giám tuyển nổi tiếng trên thế giới. Tôi muốn thúc đẩy sinh viên khám phá lại cội nguồn văn hóa. Ý tưởng không chỉ là những hình ảnh hời hợt được. Chúng tôi hướng tới mục tiêu đổi mới và truyền lại những ý tưởng từ lịch sử, nghệ thuật và những ngành nghề khác. Ta phải không ngừng khám phá và phát minh tương lai.
Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Đại Lý | Studio Zhu-Pei
VB: Thiên nhiên là nguồn cảm hứng quan trọng nhất với ông, nhưng tại sao những phác thảo và mô hình của ông thường chỉ có màu đen và màu trắng, kể cả cảnh quan?
CB: Đa số đều liên hệ thiên nhiên với xanh lá và núi rừng. Nhưng tôi không muốn nhấn mạnh khía cạnh vật lí, không như những kiến trúc sư khác đang cố bắt chước tự nhiên, cứ dùng cây xanh phủ kín công trình. Tôi không bao giờ sao chép hình thái hay ngoại hình của thiên nhiên lên kiến trúc mình. Đó là điều không thể. Ta phải phản hồi lại thiên nhiên, chứ không phải sao chép nó. Ví dụ, chúng ta có thể học được rất nhiều từ hình dạng của nhà truyền thống. Với tôi mà nói, thiên nhiên là một kiểu thái độ, là thái độ của chúng ta khi phản hồi thiên nhiên. Kiến trúc là cách chúng ta phản hồi và xây dựng quan hệ với thiên nhiên. Hơn nữa, tôi cũng không thích mấy công trình vật liệu đắt đỏ bóng bẩy đặt nặng công nghệ. Chúng trông hợm hĩnh.
Bảo tàng Lịch sử Quan Diêu Cảnh Đức Trấn | Studio Zhu-Pei
VB: Khi nhìn vào các công trình của ông, như Bảo tàng Lịch sử Quan Diêu Cảnh Đức Trấn, hay Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Dương Lệ Bình ở Vân Nam và các công trình trước đó, thật khó tin rằng tất cả đều do cùng một người thiết kế. Tại sao các công trình này lại khác nhau tới vậy? Mục đích chính trong kiến trúc của ông là gì?
CB: Tôi rất tin tưởng vào tính đặc thù của từng công trình. Khí hậu là một trong nhữn yếu tố chính giúp tìm ra những giải pháp và biểu lộ khác nhau. Anh không thể theo một phong cách tiêu chuẩn mãi được. Tôi thích thiết kế những công trình cụ thể, trung tính, không nhân hóa. Thế nên, tôi luôn dùng những vật liệu và hình thái khác nhau.
Nhưng triết lý thiết kế của tôi không bao giờ thay đổi. Tôi luôn muốn tạo trải nghiệm cùng thiên nhiên. Như Le Corbusier vậy, ông ấy luôn thay đổi. Tu viện La Tourette (1957) và nhà nguyện Ronchamp (1955) được thiết kế cùng lúc, cùng ở Pháp và cùng Giáo hội Công giáo. Nhưng chúng hoàn toàn khác nhau. Vì khu đất khác nhau, nên đồ án, quy mô và hình thái cũng khác biệt. Nhưng nếu anh nhìn xa hơn, anh sẽ thấy được sự tương đồng trong chất liệu, màu sắc, cách xử lí ánh sáng, và mối gắn kết với thiên nhiên.
VB: Ông có thấy mâu thuẫn khi mời kiến trúc sư nổi tiếng trên thế giới về thiết kế kiến trúc địa phương không? Nhiều thế kỉ qua, người ta chỉ mời kiến trúc sư nước ngoài về vì họ có thể tạo ra những công trình mới, thể hiện cái tôi và thậm chí trở thành biểu tượng. Ví dụ như khi vua Louis XIV mới Bernini tới Paris vậy. Nhưng bây giờ mọi bảo tàng đều muốn có 1 Picasso, mọi thành phố đều muốn một công trình của Zaha Hadid.
CB: Không hề mâu thuẫn chút nào. Là một kiến trúc sư, anh cần tạo ra trải nghiệm mọi người đã biết, rồi cần cố gắng tạo ra trải nghiệm mà mọi người không biết. Đó là quan niệm trong nghệ thuật Trung Quốc, ví dụ như sự tương đồng và bất tương đồng. Khi miêu tả trải nghiệm về kiến trúc Trung Quốc, người ta nói: khiêm nhường, hài hòa, và bay bổng. Kiến trúc không tạo ra thứ lạ lẫm. Kiến trúc không phải là điêu khắc. Kiến trúc là những trải nghiệm, những cảm giác bay bổng trong ngoài, là tìm thấy điều bất ngờ và phấn khích. Nhiều thành phố đang được thiết kế theo xu hướng mới nhất và ưa chuộng công viên giải trí hơn các thành phố thực thụ. Nhưng tôi tin kiến trúc có nguồn gốc văn hóa và lịch sử. Nếu anh thiết kế ở Trung Quốc, anh phải liên hệ công trình mình với văn hóa, lịch sử và khí hậu địa phương. Có 2 nguyên tắc cơ bản tạo nên kiến trúc: một là nguồn gốc, hai là đổi mới và trải nghiệm mới. Tôi nghĩ chúng ta phải kết hợp tư duy tiên tiến với lòng tôn trọng văn hóa và điều kiện địa phương. Kiến trúc từ những nơi khác nhau có thể nhìn nhận sự việc khác nhau. Điều này rất quan trọng.
Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật Thọ huyện | Studio Zhu-Pei
VB: Ông có nghĩ kiến trúc là một nghệ thuật, và kiến trúc sư là một nghệ sĩ không?
CB: Có, tôi tin rằng kiến trúc chính là nghệ thuật. Nghệ sĩ tạo ra thứ chưa từng tồn tại, những quan điểm mới, trải nghiệm mới, ý tưởng mới. Nhưng kiến trúc và nghệ thuật vẫn có điểm khác nhau. Kiến trúc không phải một loại nghệ thuật thị giác, nó không chỉ thể hiện không gian, hình thái, mà còn thể hiện hoạch định và kinh nghiệm. Kiến trúc rất cụ thể. Kiến trúc sư xây dựng công trình cho những con người, địa điểm, văn hóa và khí hậu cụ thể.
Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Dân Sinh | Studio Zhu-Pei
VB: Ông từng nói: “Thời điểm quan trọng nhất với kiến trúc không phải khi công trình được hoàn thành, mà là khi không gian kết nối với con người.”
CB: Khi anh nhìn vào bức họa truyền thống của Trung Quốc, anh sẽ thấy nó vẫn còn dang dở. Bức tranh có hoàn thiện hay không là do người xem mường tượng. Các học giả Trung Quốc chưa từng nghĩ rằng tranh phong cảnh chỉ cần nắm bắt bố cục thiên nhiên. Họ coi tranh là nhận thức, kinh nghiệm và suy ngẫm. Họ không bao giờ ngồi trước các ngọn núi để phác họa chúng, họ sẽ du lịch tham quan núi rừng để tự mình trải nghiệm. Sau khi về nhà, họ sẽ ghi lại tất cả những kỉ niệm vào tranh để tìm lại cảm xúc. Khu vườn và kiến trúc Trung Quốc cũng tập trung vào cảm nhận, tạo ra không gian nghỉ ngơi, quan sát và đi dạo. Không công trình nào nên được hoàn thành, phải luôn có một khoảng không để người ta tự tìm tòi. Kiến trúc nên giống như tranh Trung Quốc, nên nhắm tới khám phá khả năng ngoài công năng và mục đích trước mắt. Công trình chỉ có một công năng cụ thể là một tòa nhà chết. Anh hãy nhìn một nhà hutong truyền thống, có một chiếc sân ở chính giữa. Nó không có vai trò nhất định nào cả. Nó chỉ là một khoảng không trống rỗng, không có gì, nhưng nó có tất cả. Mọi người ăn uống, giao lưu và kết hôn ở chiếc sân đó. Chúng tôi gọi đó là không gian dang dở. Nhưng nó lại là phần quan trọng nhất, là linh hồn và trái tim của ngôi nhà. Khi chúng tôi thiết kế, chúng tôi luôn tránh đưa ra các giải pháp cố định. Người ở luôn phải tự giải thích, và rồi công trình sẽ có những tính năng ngoài mong đợi. Một công trình nên giống như một miếng bọt biển, chứa đựng nhiều không gian dang dở.
Sân nhà của nghệ sĩ Thái Quốc Cường | Studio Zhu-Pei
VB: Ông cũng từng nói: “Một trong những đặc trưng của tôi là tạo dựng không gian mơ hồ.”
CB: Tôi sẽ lấy ví dụ lần mình thiết kế sân nhà ở Bắc Kinh cho nghệ sĩ Thái Quốc Cường, tôi chủ yếu cải tạo lại một hutong cũ. Nhưng với phần bị hư hỏng không thể phục hồi thì tôi đã thiết kế một sảnh mới hoàn toàn, không sao chép gì cả. Tôi sử dụng các vật liệu mới – những vật liệu phù hợp với tương lai – và hình thái mới để tạo sự tương phản với cái cũ. Đó là một công trình rất tham vọng, có người sẽ nghĩ nó thật nhập nhằng, nhưng tôi cho rằng việc kết hợp tân cổ chính là tôn trọng quá khứ, đồng thời tiến tới tương lai. Nhiều người sẽ thấy ví dụ này rất mâu thuẫn, nhưng đó là cách tôi tìm kiếm sự hài hòa mới. Tôi tìm kiếm từng cơ hội để thể hiện công trình mình theo phong cách đương đại nhất.
Nguồn: Archdaily | Biên dịch: HD