Chưa làm rõ khái niệm “Bản sắc Kiến trúc Việt Nam”
Điều 7 “Yêu cầu đối với công trình kiến trúc đô thị” trong mục 1 khoản (a) có nội dung “Không gian kiến trúc cảnh quan phải được thiết kế gắn kết với cảnh quan hiện hữu, mang yếu tố bản sắc văn hóa đặc thù địa phương…
Nhưng trong Điều 3 “Giải thích từ ngữ “ không có từ “Bản sắc kiến trúc Việt nam”.
Vậy những yếu tố nào tạo nên bản sắc? Trong Dự thảo lần 5 cũng như báo cáo giải tình tiếp thu (số 112/BC-BXD), tại mục 3: Tính khả thi của Dự thảo Luật… Văn bản này vẫn giải trình rất mơ hồ về “Bản sắc kiến trúc Việt nam”. Minh định khái niệm “Bản sắc kiến trúc Việt nam” chính là làm rõ mục tiêu của Luật Kiến trúc, một bộ luật chưa làm rõ mục tiêu, nên dễ thấy là các nội dung sau đã sa vào các nội dung trùng lặp với các luật khác, và nhiều nội dung tiểu tiết không cần đề cập trong bộ Luật này.
Quản lý hoạt động kiến trúc hay kiến trúc sư?
Giải trình sự cần thiết của việc ban hành bộ Luật Kiến trúc, nhằm khắc phục những bất cập, yếu kém trong hoạt động kiến trúc hiện nay, do bất cập về thể thế, chất lượng đội ngũ kiến trúc sư ( KTS ) công tác đào tạo, lý luận phê bình, phản biện… chưa đáp ứng yêu cầu.
Có thể tìm thấy “bản sắc kiến trúc Việt Nam” từ những công trình này? Ảnh minh hoạ: laodong.vn
Những nguyên nhân trên có thấy đối tượng mà bộ Luật cần tập trung điều chỉnh chính là mô hình hoạt động, bộ máy quản lý hoạt động kiến trúc chứ không phải là KTS. Nhưng trong toàn bộ nội dung chương II: Quản lý kiến trúc, có 10 điều (từ 6-15) của Luật lại không có nội dung quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý hoạt động kiến trúc: Hội đồng kiến trúc quốc gia, Cơ quan tổ chức thi tuyển, tuyển chọn phương án kiến trúc, Chính quyền địa phương các cấp… Vậy khi có các hoạt động không đúng với quy định của pháp luật thì sẽ do cơ quan nào xử lý? Xử lý theo trình tự nào?. Trách nhiệm của các tổ chức cá nhân liên quan (là thành viên của các tổ chức này) ở mức độ nào?
Thực tế có các công trình kiến trúc kém chất lượng, vi phạm các quy định pháp luật (về bảo tồn di sản hay quản lý không gian kiến trúc xây theo quy hoạch , giấy phép đã duyệt , về ngân sách đầu tư …). Rõ ràng vai trò trách nhiệm của các KTS trong các quyết định quản lý công trình kiến trúc không lớn so với việc ra các quyết định sai trái, để lại hậu quả về kinh tế/xã hội rất lớn và lâu dài… mà trong Luật này không đề cập. Do thế nó không quy được trách nhiệm cho các cơ quan quản lý hoạt động kiến trúc, cho từng cá nhân… tức là đồng nghĩa với duy trì sự trì trệ trong công tác quản lý hoạt động kiến trúc hiện nay.
Tăng cơ chế xin- cho, hành xử quan liêu, hạn chế hoạt động sáng tạo
Lý do của Luật Kiến trúc ra đời là khắc phục hạn chế trong hoạt động Kiến trúc có nguyên nhân từ chất lượng đội ngũ. Để khắc phục hạn chế này, Luật Kiến trúc dành Chương III với tổng cộng 14 điều đề ra các thủ tục quản lý hành nghề, cấp chứng chỉ hành nghề, gia hạn, cấp đổi, sát hạch, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề của KTS. Lưu ý các KTS đều vốn đã hoàn thành chương trình đào tạo đại học và thường xuyên cập nhật kiến thức mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, thị trường, sự tiến bộ của khoa học công nghệ và các tiêu chuẩn/quy chuẩn/quy định mới do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành liên tục) để đáp ứng đòi hỏi của khách hàng, cơ quan quản lý… để sản phẩm của họ làm ra được chấp nhận.
Vậy ở những có quan quản lý hành nghề có các cán bộ công chức đủ trình độ, đủ kiến thức, tư cách bậc thầy… mà đánh giá từng KTS, để cấp hay không cấp cho họ các văn bằng mới/là giấy phép con mang tên “chứng chỉ hành nghề”? Rồi cơ quan nào sát hạch, giám sát chất lượng chuyên môn, trách nhiệm công vụ của những tổ chức cá nhân có quyền cấp “chứng chỉ hành nghề” này? Và nếu họ cấp sai, cấp chậm (để vòi vĩnh) thì cơ quan nào xử lý?…
Chúng tôi cho đây là lỗ hổng lớn để duy trì cơ chế xin cho/hành xử quan liêu ,hạn chế hoạt động sáng tạo, liên quan trực tiếp đến lợi ích hợp pháp và chính đáng của của KTS.
Đức trị hay pháp trị?
Trong Chương III: Hành nghề Kiến trúc có đề cập tới Đạo đức hành nghề của KTS.
Theo tôi đây là văn bản pháp luật cần đề cao pháp trị mà không nên đề cập tới đức trị. Còn nếu phải có, thì nên đưa sang thảo luận, giám sát nội dung này ở các hội nghề nghiệp. Vì việc đưa nội dung này vừa thừa, vừa thiếu. Thừa như đã trình bày rồi, thiếu vì cả bộ Luật không có từ nào xác định vai trò của Hội KTS Việt nam.
Hoặc, nếu cho rằng vai trò của tổ chức này không chưa đủ thì cũng nhân soạn thảo bộ Luật kiến trúc mà nâng vai trò vốn có của nó, hoặc đề xuất mô hình mới về Hội KTS Việt Nam để họ có vai trò rõ ràng hơn.
Trên những quả đồi, Sapa đang bị bêtông hoá với các dự án cao tầng san sát nhau. Ảnh: Nguyễn Khánh
Chỉ thu hút các tư vấn ngoại hạng xoàng
Trong nội dung Luật Kiến trúc cho thấy việc quản lý hoạt động kiến trúc của các cá nhân, các tổ chức của KTS Việt nam đang được/bị tăng cường thì lại buông lỏng các hoạt động của KTS hay các tổ chức hành nghề kiến trúc của nước ngoài tại Việt nam .
Thực tế cho thấy các công trình kiến trúc lớn , các dự án quy hoạch đô thị lớn (quy mô thành phố hay cấp tỉnh) đều đã và đang do các cá nhân hay tổ chức hành nghề kiến trúc nước ngoài thực hiện. Từ thực trạng này có thể đặt ra nghi vấn:
Một, có thực sự là những công ty tư vấn nước ngoài rất giỏi? Thưa, không hẳn vậy. Bằng chứng là có các công ty tư vấn nước ngoài do các tập đoàn mẹ của nước sở tại (Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp) không có kinh nghiệm, không có hoạt động tại chính nước họ, nhưng đã tới Việt nam để thực nghiệm các dự án lớn, chi phí cao gấp hàng chục lần tư vấn trong nước.
Ví dụ: Tập đoàn POSCO (Hàn quốc) nổi tiếng là sản xuất thép, mới tự phát triển một dự án bất động sản của tập đoàn , chưa từng lập quy hoạch xây dựng một địa bàn cấp quận huyện tại Hàn quốc, nhưng đã là đơn vị chủ công, liên doanh hình thức với các đơn vị tư vấn khác để lập quy hoạch chung Hà Nội. Hoặc công ty Systra (Pháp) không phải là công ty hàng đầu làm đường sắt , nhưng đã là đơn vị tư vấn cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3.1 ( Nhổn – Ga Hà Nội ), kết quả là chất lượng tư vấn thấp, gây tốn kém , chậm trễ và gây tác hại đến kinh tế xã hội Hà Nội trước mắt cũng như lâu dài.
Hay một tập đoàn tư vấn của Nhật bản – vốn chỉ có tiếng trong lĩnh vực xây dựng công trình (giao thông ) mà không có kinh nghiệm quy hoạch ngay tại Nhật bản. Nhưng họ đã sang Việt nam thực hiện nhiều dự án quy hoạch lớn quy mô thành phố, toàn tỉnh… Sau một thời gian các đồ án này đã bộc lộ nhiều bất cập và các địa phương phải có ý kiến điều chỉnh …
Nhưng trong dự Luật này lại không làm rõ quy trình quản lý để đảm bảo cạnh tranh công bằng trong hoạt động kiến trúc của các đơn vị tư vấn trong nước với nước ngoài, và các quy định, chế tài để xử lý đối với các cơ quan quản lý không hoàn thành trách nhiệm quản lý?
Hai là, từ nghi vấn thứ nhất cần phải nêu câu hỏi tại sao lại vẫn thiếu cơ chế lựa chọn tư vấn nước ngoài xuất sắc hoạt động tại Việt nam, mà trong dự thảo Luật Kiến trúc cũng vẫn chưa có những điều khoản nhằm giải quyết vướng mắc này ?
Tóm lại từ các vấn đề tồn tại đã nêu trên cho thấy Luật Kiến trúc dù dự thảo lần 5 vẫn mang năng tư duy cũ và chưa có động lực mới , đáp ứng nhu cầu phát triển kiến trúc Việt nam hiện tại cũng như trong tương lai .
Để khái niệm bản sắc không phải là câu đố trong Luật Kiến Trúc
Trao đổi với chúng tôi về “Có hay không bản sắc trong kiến trúc Việt Nam”, ông Trần Trung Chính (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị & phát triển Hạ tầng), chia sẻ:
Bản sắc, một khái niệm trong nghệ thuật có ở các lĩnh vực nghệ thuật, không riêng kiến trúc. Còn trong câu chuyện này có ít nhất hai việc cần làm rõ: Một là, có thể “luật hóa bản sắc” (đề ra các tiêu chí cụ thể, dùng kiểm soát bản sắc, chẳng hạn) để buộc kiến trúc phải có bản sắc (khi duyệt thiết kế có thể loại các đồ án không có bản sắc hay ít bản sắc )? Hai là, chúng ta cần bản sắc kiến trúc để làm gì ạ?
Khi địa hình tự nhiên bị thay đổi, kiến trúc cũng dần thay đổi, về cảnh quan tổng thể, cái gọi là bản sắc (hàm chứa lịch sử thiên nhiên, con người) cũng biến mất. Ảnh minh hoạ: Zing
Câu hỏi thứ nhất xin để các nhà làm luật trả lời, nếu muốn trưng dụng một khái niệm “có tính văn nghệ” sang địa hạt pháp lý. Vậy hãy cho tôi chỉ tập trung trả lời câu hỏi hai, nếu quả là kiến trúc cần có bản sắc.
Chúng ta cần bản sắc để công trình đẹp ư? Câu hỏi này khá thô nhưng không ít người vẫn nghĩ thế khi đánh giá một công trình kiến trúc. Trong khi chúng ta lại biết rằng bản sắc không phải là hình thức, không chỉ là “cái vỏ bên ngoài” của một công trình kiến trúc. Cho nên không thể có chuyện chỉ cần nhái, chép “cái vỏ” của một trào lưu kiến trúc (Tây, Tàu, Ta..) nào đó mà thành “có bản sắc”?
Nói như thế không có nghĩa bản sắc quá trừu tượng, không thể nắm bắt nó, mà tôi hiểu cái gọi là bản sắc trong kiến trúc (hãy khoan nói đến bản sắc cá nhân người sáng tác) hình thành trước hết từ các điều kiện địa lý, khí hậu, từ cách con người ứng xử với các điều kiện cụ thể (là nơi một công trình, hay một quần thể công trình kiến trúc mọc lên). Nói nôm na, trước hết nó quy thuộc vào các điều kiện tự nhiên chứa chấp nó, chứ không phải ý chí chủ quan của con người, nó là kết quả chứ không phải ý muốn chủ quan.
Chúng ta than nay lên Sa Pa, Điện Biên, Yên Bái… hay hầu hết các thành phố, thị trấn miền núi Đông Bắc, Tây Bắc, thấy hầu như không còn đô thị nào với quần thể các công trình các công trình kiến trúc nào “gợi nên bản sắc” của vùng đất, vùng văn hóa đó. Vì sao ư? Bởi trước hết từ quy hoạch, luật xây dựng… người ta đã cho phép phá đồi bạt núi (nghe nói đào1m3, di chuyển trong khoảng 4km đơn giá 50.000 đồng?) trước khi xây dựng nhà cửa.
“Cuộc san phẳng khổng lồ” đó ít nhất gây hai (trong vô số) hậu quả: Một, làm biến mất địa hình địa mạo, đảo lộn hệ thống thoát nước tự nhiên hình thành từ hàng ngàn năm trước (để rồi sẽ phải chi phí rất nhiều để tạo hệ thống thoát nước mới và khắc phục tai họa xói lở lụt lội do chúng ta tạo ra). Sau nữa, những nếp nhà sàn thường được dựng trên những sườn đất dốc thích nghi với tự nhiên, cũng dần mất nốt (chí ít vì chẳng ai trên đất bằng phẳng lại dựng nhà sàn, hay phố nhà sàn với một trong các công năng là thoát nước dưới sàn của nó)…
Tóm lại khi địa hình tự nhiên bị thay đổi, kiến trúc cũng dần thay đổi, về cảnh quan tổng thể, cái gọi là bản sắc (hàm chứa lịch sử thiên nhiên, con người) cũng biến mất.
Bạn sẽ không thấy tình trạng này ở Auckland, Wellington… (New Zealand), nơi các thành phố này được xây dựng trên những địa hình núi rất dốc, hoặc California (Mỹ) nằm trên các quả đồi , nơi những công trình kiến trúc phải nương vào cao độ của địa hình, khiến bên trong mỗi căn nhà có đến mấy cốt nền cao thấp khác nhau… Chẳng đâu xa, Đà Lạt, Sa Pa xưa cũng được xây dựng trên đất dốc như vậy, và chúng đều có bản sắc của những đô thị miền núi, nếu ta muốn gọi thế, nhưng hẳn chúng đã đều phải chịu những chế tài nghiêm khắc trong luật xây dựng, kiến trúc của người Pháp.
Tức là nếu quan niệm gìn giữ, kế thừa bản sắc một cách “thực dụng” nhất, thì vẫn có cả lợi ích kinh tế lẫn thẩm mỹ. Có điều những người có tham vọng đưa khái niệm đó vào Luật Kiến trúc nên làm cho ra nhẽ. Vì như tôi đã nói ở trên, nó đồng thời liên quan đến Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường… nữa, chứ đừng chỉ kêu gọi “giữ bản sắc, phát huy bản sắc” trong mỗi Luật Kiến trúc (tựa đánh đố nhau) mà không nêu rõ phải sử dụng đồng thời những công cụ pháp lý cụ thể nào để thực hiện.
KTS Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội