Những khoảng trời nhỏ bé và nát vụn trong ký ức của chúng tôi lần đầu tiên tiếp cận ngôi nhà, gợi lên một không khí ngột ngạt và oi bức khó chịu dưới cái nóng như đổ lửa vào cuối tháng Tư. Ở trong cái môi trường sống như thế này, thì việc sống tốt thôi đã là một hoạt động xa xỉ, chứ đừng nói đến việc lao động, nhất là hoạt động nghệ thuật thiên về sáng tạo nơi đây. Thế nhưng, vậy mà nó đã diễn ra ở ngôi nhà này, nhiều năm trời đã trôi qua. Chúng tôi tự hỏi rằng, liệu mình có thể làm gì để thực sự đóng góp cải thiện môi trường sống ở đây?
Vị trí công trình xây dựng
Những hình ảnh ngôi nhà trước khi cải tạo và sửa chữa.
Phong cách sống tối giản không phải là những gì xa hoa, sang trọng hay dành cho những người nhiều tiền, đầy đủ vật chất, mà đó là một lựa chọn tất yếu của chúng ta trong một thế giới nhiều biến động, khó lường như hiện nay. Ngôi nhà vỏn vẹn 25m2 này nằm trong một bối cảnh như vậy, một môi trường khá phổ biến ở khu xóm lao động thuộc địa bàn quận 08, thành phố Hồ Chí Minh. Chất lượng không gian sống nhỏ, hẹp và luôn ở dưới mức bình quân cho phép tính theo đầu người. Chủ nhà là một nghệ sỹ - Họa sỹ không dư dả về mặt vật chất nhưng luôn lao động, cống hiến hết mình với một cái tâm trong sáng hướng về nghệ thuật. Anh ấy sống trong một môi trường như vậy, và xung quanh cũng nhiều những người như vậy. Cái nhà vừa là cái xưởng, vừa là cái nơi để hướng tâm của mình về thế giới tâm linh – Phật pháp.
Cái nhà vừa là nơi tiếp khách và cũng là nơi để anh trải lòng về nghệ thuật với bạn bè, với khách hàng và cả người thân. Tất cả hoạt động ấy, diễn ra trong phạm vi 25m2. Cái này cũng là nơi bình an nhất để anh tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình. Chúng tôi thiết kế - xây dựng ngôi nhà này với một nỗ lực nhằm đạt được các giá trị cần thiết cho cuộc sống của anh trong một điều kiện ngân sách rất eo hẹp. Tuy nhiên, sự hạnh phúc và hài lòng đôi khi không đến từ những hiện thể vật chất, mà nó đến từ trái tim và sự cảm nhận như một quá trình.
Ý tưởng thiết kế được lấy cảm hứng từ những ngôi nhà vách và trần gỗ ấm cúng kết hợp với chất liệu gạch bông vốn khá quen thuộc với cuộc sống của chúng ta, để tạo thành một bản "hòa tấu" dịu dàng và an lạc cho tâm hồn của một người họa sỹ. Những không gian liên thông và được thiết kế tích hợp, thông minh, tận dụng tối đa không gian để tạo nên tiện ích sinh hoạt hằng ngày, nhưng qua đó cũng tạo nên một cái "chất" rất riêng cho ngôi nhà, cũng đồng thời là xưởng vẽ và là nơi để thực hành tu tập của gia chủ.
Không gian mở thông tầng vừa là nơi tiếp khách, sinh hoạt, vừa là nơi thực hành việc vẽ tranh, sáng tác, cũng là nơi để nghỉ ngơi thường xuyên. Không gian gác lửng được dành cho tâm linh - nơi để bàn thờ phật và nghỉ ngơi ban đêm, một sự kết hợp hài hòa giữa đạo và đời trong nếp sinh hoạt hằng ngày. Không gian bếp và không gian vệ sinh đều được thiết kế thông thoáng bởi giếng trời nhỏ , giữa mái và trần nhà vẫn tạo được những khe gió và ánh sáng cho phép không gian trong nhà luôn có sự đối lưu không khí một cách cân bằng và thoáng đãng.
Toàn bộ thiết kế đều dựa trên các quan điểm sử dụng vật liệu nhẹ, như khung thép tiền chế, tái sử dụng các kết cấu vẫn còn giá trị, khai thác tối đa vẻ đẹp tự nhiên của các loại gỗ pallet đã qua sử dụng, cũng như các loại gạch bông giá rẻ với kỹ thuật tạo đối lưu không khí hợp lý, trên cơ sở đó hình thành nên công năng và các giá trị thẩm mỹ của không gian kiến trúc.
Thiết kế tối ưu hóa các không gian sử dụng cho nhu cầu hàng ngày, trên cơ sở hợp thành các khối tiện ích như tủ lạnh, máy giặt và khu phơi thành một không gian khép kín, khối cầu thang vừa dùng để di chuyển và cũng để khai thác cho không gian nghỉ ngơi, đọc sách phía dưới, khu vực bếp kết hợp với khu vực vệ sinh cá nhân để tiết kiệm không gian và sử dụng được vào nhiều thời điểm khác nhau. Các khối hoạt động có mùi như bếp, nhà vệ sinh được kết hợp với các khối thông tầng và cửa sổ trời phía trên, thông thoáng và có ánh sáng. Không gian nghỉ ngơi, cũng là không gian tu tập và làm việc kết hợp thành một khu vực riêng biệt ở tầng lửng. Không gian gác treo vừa là nơi để đồ đạc, cũng là nơi để treo tranh, trưng bày và cũng là kết cấu gia cố thêm cho toàn bộ ngôi nhà. Giải pháp thiết kế thông minh – tích hợp chức năng làm cho ngôi nhà gọn gàng, khoa học và hợp lý trong sử dụng.
Chủ nghĩa "tối giản" và "thô mộc" là hai phong cách tìm thấy rõ ràng trong cách thiết kế không gian nội thất của ngôi nhà này. Sự hình thành phong cách này không đơn thuần do ý định chủ quan của gia chủ, mà chính từ khả năng tài chính có sự giới hạn cũng như do quan điểm về nghệ thuật khá "lạ" từ gia chủ (họa sỹ tiêm cư sĩ tại gia). Bất kỳ một áp đặt chủ quan nào lên các thể loại nhà ( nhỏ và trong xóm lao động ) này đều có thể gây ra những tác dụng ngoài ý muốn lên cộng đồng, đặc biệt là các phong cách "thể hiện" và "khác biệt" về hình thức. Ở đây, ý tưởng về phong cách là một sự chấp nhận dung hòa giữa khả năng và tính thực tế của các loại chất liệu, ánh sáng trong môi trường sống.
Vật liệu sử dụng chủ yếu là các vật liệu nhẹ, không gây ô nhiễm môi trường như thép, gỗ pallet tái chế và gỗ công nghiệp, gạch bông giá rẻ. Những nguồn vật liệu này hầu hết được mua lại ở tình trạng đã qua sử dụng, sau đó làm mới lại qua thiết kế và trang trí, liên kết nên vẫn đạt được độ thẩm mỹ cao, nhưng giá thành đầu tư lại hoàn toàn khá rẻ, bền vững và tiết kiệm. Tiêu chí sử dụng vật liệu dựa hoàn toàn vào khả năng tài chính của gia chủ cũng như đáp ứng tốt nhu cầu về hoạt động nghệ thuật của ngôi nhà. Các tiện ích như tủ lạnh, máy giặt, thiết bị bếp nấu, vật dụng sinh hoạt, quần áo đều được tính toán và bố trí cẩn thận theo tiêu chí "tối thiểu" để hoạt động. Các chức năng đều tương tác với nhau để giảm thiểu các hoạt động thừa trong quá trình sống, cũng như tạo nên một phong cách sống riêng cho gia chủ.
Chất liệu gạch bông được lấy cảm hứng từ hình ảnh của Sài Gòn xưa, với các viên gạch được xếp lặp đi lặp lại từ sàn cho đến tường, từ sàn cho đến khối nhà khu vệ sinh, từ sàn cho đến các không gian bếp tạo nên một thực thể gần gũi, mở rộng và tương tác khá tốt với thị giác. Chất liệu và bề mặt của gạch bông cho phép sử dụng được đa dạng mục đích, khi kết hợp với các bề mặt như thảm, chiếu để tăng thêm giá trị sử dụng cho từng không gian cụ thể. Bên cạnh đó, tông màu chủ đạo được chọn là tông màu trắng – xám, những tông màu trung tính, rất phù hợp cho việc sáng tác hội họa, một nghành nghề vốn cần nhiều màu sắc để tư duy và sáng tạo. Chất liệu gỗ pallet cũ đã qua sử dụng là một chất liệu phổ thông, rẻ tiền và nếu được sử dụng và bảo quản đúng cách, độ bền có thể lên đến hàng chục năm, một yếu tố rất quan trọng với tiêu chí xây dựng của một ngôi nhà nhỏ cấp 4. Sự liên tục của việc sử dụng gỗ pallet từ tường đến một phần của trần nhà, tạo nên cảm giác mở rộng của không gian, nhưng vẫn ấm cúng, gần gũi và duy trì nét thô mộc, tự nhiên của từng vân gỗ trong từng mét vuông của ngôi nhà. Sự khác biệt được duy trì tinh tế, trên nền tảng của một vẻ đẹp thống nhất.
LONG’S HOUSE Tên công trình: Nhà ở kết hợp xưởng nghệ thuật Địa điểm xây dựng: Số 1487 Phạm Thế Hiển, Quận 8, TP.HCM Diện tích đất xây dựng: 25m2 Quy mô xây dựng: 01 trệt và 01 gác lửng Đơn vị thiết kế - thi công: Công ty CP TV ĐT Thiên Nam Anh Kiến trúc sư chủ trì: Trương Nam Thuận, Nguyễn Việt Tuấn Kết cấu: Khung thép tái chế, gỗ pallet cũ và gạch bông giá rẻ Năm thiết kế và hoàn thành xây dựng: 2018 |
KTS Trương Nam Thuận