Từ các siêu dự án đến các chiến lược độc lập được phân tích và giới thiệu dưới đây, chúng ta có thể thấy một điều chắc chắn rằng, con người đang ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng thực phẩm của mình và đang từng bước cố gắng sống một cuộc sống lành mạnh và bền vững hơn.

Sunqiao1.jpg

Những khó khăn trong công tác sản xuất thực phẩm đưa đến tay người tiêu dùng ở các đô thị lớn

Đã bao giờ bạn thắc mắc về quá trình ra đời hay sản xuất của các loại thực phẩm trong bữa ăn của mình? Một cuốn sách có tên “Các tuyến đường thực phẩm: Trồng chuối ở Iceland và những câu chuyện khác đằng sau việc ăn uống (2019)” của Robyn Shotwell Metcalfe đã đề cập đến nghịch lý của việc cá được đánh bắt ở New England, xuất khẩu sang Nhật Bản và sau đó lại được vận chuyển trở lại New England khi nó đã trở thành món Sushi. Ngoài ra cuốn sách còn tiết lộ một lộ trình rộng lớn và phức tạp mà không ai có thể nhìn thấy khi họ mua thực phẩm ở Nhật Bản sau đó được phân phối đến các cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ ở địa phương.

Để chứng minh cho tầm quan trọng của những con đường này, trong cuốn “Da Fazenda para a Cidade (Từ trang trại đến thành phố)”, tác giả Rafael Tonon đã nhận xét rằng 95% thực phẩm ở Hoa Kỳ phải đi hơn 1,6 nghìn km để có thể đến được các cửa hàng bán lẻ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tất cả các loại rau có sẵn trên thị trường Hoa Kỳ phải mất một tuần để đến từ Bờ Đông và sau đó được phân phối khắp cả nước. Hành trình vận chuyển đó cũng tương tự với Brazil. Như vậy, có thể thấy phải mất một chặng đường rất dài để thực phẩm có thể đến được các siêu thị và người tiêu dùng.

Trong khi đó, việc tiếp cận không gian lành mạnh sẽ là điều kiện quyết định đến chất lượng cuộc sống, hiểu một cách đơn giản là chất lượng cuộc sống của bạn sẽ phụ thuộc vào không gian sống hay thực phẩm tiêu thụ của bạn có lành mạnh hay không. Điều không may là thực tế ở các thành phố lớn với mật độ dân số đông, thiếu đất trầm trọng, con người sống xa các khu vực nông nghiệp, thậm chí ngày càng ít không gian xanh và tiếp xúc với thiên nhiên.

fazenda-urbana-em-paris-1.jpg Trang trại đô thị ở Paris

Để có những thực phẩm tươi sống thực sự chứ không phải chỉ qua hình ảnh quảng cáo bên ngoài bao bì, nhiều ý tưởng mới đã được đưa ra nhằm cố gắng kết nối người dân thành phố với thực phẩm tươi ngon. Các chiến lược này đã tìm cách rút ngắn các tuyến đường sản xuất và tiêu thụ thực phẩm, nhưng đồng thời cũng thể hiện một vấn đề nhức nhối khác, đó là ảnh hưởng tiêu cực đến ô nhiễm môi trường. Ví dụ, chỉ riêng việc vận chuyển thực phẩm qua đường bộ ở Brazil đã thải ra hơn 100 triệu tấn CO2 mỗi năm. Tình trạng này đã khuyến khích các thói quen chỉ mua thực phẩm từ các nhà sản xuất địa phương hoặc các doanh nghiệp nhỏ.

Những vấn đề chồng chéo về thói quen tiêu dùng cũng như nhu cầu cải thiện chất lượng cuộc sống đòi hỏi thành phố cần phải có thêm nhiều phương án quy hoạch kiến trúc phù hợp, đáp ứng mức sống của người dân. Đã xuất hiện một số dự án đang cố gắng mang lại màu xanh cho các thành phố, đó còn là những ý tưởng mới mẻ kết hợp giữa kiến trúc và công nghệ, thậm chí cả giáo dục môi trường.

Từ các siêu công trình trang trại xanh đến các dự án nhỏ độc lập đều chung mong muốn phát triển đô thị xanh trong thành phố

Nhờ đó, không chỉ nhiều vườn rau nhỏ lẻ của các khu nhà ở và căn hộ đang ngày một xuất hiện nhiều hơn mà sự ra đời của các trang trại theo mô hình kiến trúc thẳng đứng và vườn đô thị đã tăng khả năng sản xuất thực phẩm lên hàng tấn mỗi năm. Những dự án này nổi lên như một chiến lược nhằm đưa thực phẩm đến gần hơn người tiêu dùng. Đồng thời nó cũng là một chiến lược thông minh trong việc sử dụng tốt hơn quỹ đất eo hẹp của đô thị (dân số ở các khu đô thị dự kiến đạt ít nhất 9 tỷ người trong 50 năm tới). Nói cách khác, chắc chắn sẽ không có đủ địa điểm để tổ chức sản xuất lương thực nếu chúng ta cứ tiếp tục chỉ dựa vào những phương pháp canh tác truyền thống và xây dựng các trang trại theo quy mô ngang.

maior-fazenda-urbana-projeto.jpg Trang trại đô thị ở Paris

Nhưng cũng có một tin tốt hơn là mô hình đô thị xanh mới đã xuất hiện ở một số nơi trên thế giới và nó có thể là bức tranh tương lai của toàn thể chúng ta với sự xuất hiện của các trang trại thẳng đứng, mà cụ thể hơn chính là những tòa nhà xanh chọc trời cùng công nghệ cao.

Minh chứng cụ thể cho điều này là Paris, nước này đã có một công trình trang trại đô thị khổng lồ rộng 14.000m2 trên tầng thượng của một tòa nhà. Trang trại này vẫn chưa được phủ xanh toàn bộ diện tích nhưng những gì nơi này tạo ra có thể coi là lớn nhất châu Âu và có lẽ là cả thế giới. Đây là dự án với tên gọi Nature Urbaine, được thực hiện tại Paris Expo Porte de Versailles – Trung tâm triển lãm lớn nhất nước Pháp. Theo thông tin, hơn 1000 loại trái cây và rau sẽ được trồng trên tòa nhà này mỗi ngày. Và kết quả là sẽ luôn có thực phẩm tươi theo mùa từ “khu vườn cao ốc” này. 20 người làm vườn sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc cây trồng, theo một số ý kiến, họ không sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học.

QawdfNYr9bQYPKetTgoRbs___OQUp1Nu4RpRJ17N2lY3hEjVunnqnMMiv9LOIE_aTO8Q3u_8hruTlpJBEvwvL8V44SG79k8qStz9LT0eviLLSO_ic7oW2Xj-iptNgenruXfbf1Cn Thiết kế Superfarm của Studio NAB

Ngoài việc trồng trọt trực tiếp trên đỉnh các tòa nhà, việc sản xuất còn có ở các cấu trúc độc lập khác, tiên phong như công trình Glasir, theo đó một hệ thống khí canh mô-đun để trồng rau đã xuất hiện ở ngay giữa thành phố New York. Công trình được thiết kế bởi Framlab, nhằm cung cấp các mặt hàng tươi ngon với giá cả phải chăng, cải thiện khả năng phục hồi các quận nội thành dày đặc. Hay công trình Superfarm cũng vậy, đây là một dự án không tưởng của Studio NAB, với cấu trúc thẳng đứng 6 tầng chỉ để dành riêng cho phát triển nông nghiệp đô thị, phương châm “tập trung sản xuất vào các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao”. Mục tiêu mang đến thực phẩm với năng suất cao, điều này như một phương tiện phục hồi nền kinh tế khu vực.

C_Image_01.jpgNông trại với hệ thống khí canh mô-đun của Framlab

Và khi nhắc đến nông trại đô thị, người ta chắc chắn không thể không nhắc đến Khu nông nghiệp Đô thị Sunqiao của Thượng Hải. Mật độ dân số đông (24 triệu dân) khiến cho nơi đây không tránh khỏi việc suy giảm nguồn cung và chất lượng đất nông nghiệp. Do đó, siêu đô thị Trung Quốc được thiết lập nhằm thực hiện quy hoạch với diện tích tổng thể rộng 100 ha, do công ty Sassaki Associates là chủ dự án. Nằm ngay giữa sân bay quốc tế chính của Thượng Hải và trung tâm thành phố, công trình xanh Sunqiao giới thiệu công trình canh tác thẳng đứng quy mô lớn trên những tòa nhà chọc trời. Không chỉ gói gọn trong mô hình nông nghiệp, tầm nhìn của Sasaki còn đi xa hơn khi sử dụng canh tác đô thị như một phòng thí nghiệm năng động, kết hợp cả tương tác đổi mới và giáo dục.

Sunqiao9.jpg Khu nông nghiệp Sunqiao tại Thượng Hải

Ngoài ra, công trình đô thị xanh với quy mô trung bình được nhiều người chú ý đến là của văn phòng Pasona ở Tokyo, nơi đã dành 20% diện tích để trồng rau và biến nó trở thành trang trại đô thị lớn nhất cả nước. Nhưng một điều cần lưu ý là các khu vườn có cả rau thủy canh và trồng trong đất, nên các yếu tố về khí hậu được quan tâm đặc biệt. Điều này đã đặt ra nhiều thách thức cho tòa nhà khi phải cân bằng nhiệt độ thích hợp để trồng rau và đồng thời giữ sự thoải mái cho văn phòng.

04-urban-farm.jpgTrang trại đô thị tại Tokyo

Bên cạnh những công trình trang trại đô thị lớn tầm cỡ thì một số những ý tưởng nhỏ và các chính sách công cũng có nhiều điểm nổi bật, thúc đẩy nền nông nghiệp đô thị phát triển hơn ở các thành phố. Trong đó, bao gồm cả dự án Quintais Sustentaveis (sân sau bền vững) ở Roraima, miền bắc Brazil, với chủ trương khuyến khích trồng rau ở sân sau và vườn tư nhân, nhằm phần nào đảm bảo an ninh, chất lượng dinh dưỡng lương thực, thậm chí còn có thể tạo ra nguồn thu nhập và hòa nhập xã hội đối với những người có hoàn cảnh khó khăn.

agricultura-urbana-sao-paulo-estufa-pixabay.jpg Dự án biến không gian trống thành vườn rau đô thị ở Roraima. Hình ảnh qua CicloVivo

Thêm nữa là một ví dụ được thực hiện ở San Francisco, đó là một đạo luật được thực hiện trước khi có yêu cầu làm cho những khu đất trống của thành phố trở nên hữu ích và bền vững hơn. Đạo luật đề xuất rằng chủ đất có thể trả ít thuế hơn nếu họ cho phép những không gian này được sử dụng để tạo ra các trang trại đô thị mở cửa cho cộng đồng thực hiện trong ít nhất 5 năm.

1410815612_san_francisco_por_cjmartin_via_flickr.jpg

Tóm lại, từ các siêu dự án đến các chiến lược độc lập đã được phân tích và giới thiệu ở trên, chúng ta có thể thấy một điều chắc chắn rằng, con người đang ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng thực phẩm của mình và đang từng bước cố gắng sống một cuộc sống lành mạnh và bền vững hơn. Mong muốn này đang bắt đầu một kỷ nguyên mới ở các thành phố với sự gia tăng của các trang trại đô thị thẳng đứng. Điều này vẫn đang còn nhiều thách thức đòi hỏi sự nỗ lực của các KTS, các nhà khoa học nông nghiệp phải cùng làm việc nghiên cứu để tạo ra những thành phố thông minh, năng động, phát triển hơn. Đó thực sự không phải là điều gì đó viển vông mà là điều cần thiết, cấp bách cho xã hội.

Bien dịch | H.N (Nguồn: Archdaily)

XEM THÊM:

  • Tổ chức hệ thống dân cư và nhà ở nhằm giảm thiểu bất lợi do thiên tai ở Đồng bằng Sông Cửu Long
  • Nhà mô-đun: Giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhà ở châu Phi
  • Tổ chức hệ thống dân cư và nhà ở nhằm giảm thiểu bất lợi do thiên tai ở Đồng bằng Sông Cửu Long

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022