Ai đến Hà Nội mà không từng một lần ngoái đầu nhìn những xe hoa, gánh hoa phải không? Thậm chí tôi còn có một cô em họ, lặn lội từ Sài Gòn náo nhiệt ra Hà Nội chỉ để mua hoa và chụp hình cùng xe hoa. Thế nên nếu nói đây chính là một trong những điểm lãng mạn đặc trưng của mảnh đất nghìn năm văn hiến cũng chẳng hề quá đáng.
Nhưng có khi nào bạn thắc mắc về nơi đem đến nét thơ này cho Hà Nội không? Với những người thích hoa hoặc làm việc gì đó liên quan đến hoa thì có lẽ câu trả lời đã hiện lên trong đầu ngay lập tức. Đó chính là chợ hoa Quảng An - Quảng Bá.
Trước khi đến chợ hoa lớn nhất Hà Nội, tôi không dám chắc tên chính xác của nó là Quảng An hay Quảng Bá, bởi mỗi người lại gọi 1 cách khác nhau. Bản thân tôi cứ đinh ninh đó là Quảng Bá cho đến khi đi hết Nghi Tàm sang Âu Cơ và nhìn thấy biển hiệu to đùng: Chợ hoa Quảng An.
Tôi đồ rằng cả Quảng An lẫn Quảng Bá đều là tên của những làng hoa nổi tiếng đất kinh kỳ xưa kia nên gọi tên nào cũng đúng. Sau này, để đáp ứng của nhiều người, chợ được xây dựng với quy mô lớn hơn và thuộc vị trí phường Quảng An nên mới có tên chính thức như vậy.
Chợ hoa Quảng An tọa lạc ở 236 Âu Cơ, Quảng An, Tây Hồ.
Tôi từng đọc ở đâu đó rằng đi chợ hoa Quảng An chính là một trong 100 trải nghiệm phải thử ở Hà Nội. Tôi cứ nghĩ đây chỉ là một liệt kê mang tính chủ quan của ai đó cho đến khi tự mình khám phá nơi đặc biệt này khi đợt gió mùa đầu tiên tràn về.
Tại sao lại phải đúng đợt gió mùa đầu tiên chứ không phải thời điểm nào khác trong năm? Có thể thời gian vừa qua tôi đã lãng quên địa điểm này, có thể là đang giữa mùa hoa thạch thảo - loài hoa tôi luôn dành tình cảm đặc biệt và cũng có thể chỉ đơn thuần là mùa thu khiến người ta muốn yêu Hà Nội nhiều hơn một chút.
Tôi đến chợ lúc 23h30, chưa vào thời điểm đông đúc nhất nhưng lại là lúc có thể gặp được nhiều đối tượng nhất. Phải kể đến đầu tiên chắc chắn là người bán buôn và khách mua buôn.
Ngoài ra còn có khách mua lẻ, khách đến ngắm hoa, khách đến trải nghiệm hay chụp ảnh, du khách nước ngoài,... đa số đều là những người trẻ. Tất cả họ khiến cho chợ hoa luôn tấp nập như vậy suốt 365 ngày trong năm.
Đủ các loại hoa đua nhau khoe sắc ở chợ hoa Quảng An.
Sau khi trò chuyện với một vài người bán, tôi được biết rằng chợ bắt đầu họp từ khoảng 7h tối hôm trước và kết thúc vào 7h sáng hôm sau, thời gian nhộn nhịp nhất là khoảng 1 - 3h sáng. Khách vãng lai như tôi thường xuất hiện vào khoảng trước 12h, sau nửa đêm thì chủ yếu là khách mua buôn. Những người này sẽ mua hoa từ đại lý ở chợ và đem về cửa hàng hoặc rong ruổi khắp phố phường trên bằng xe hoa, gánh hoa.
Từ khoảng 4, 5h sáng, chợ đã bắt đầu vãn người và lại tiếp tục đón khách lẻ đi mua hoa sáng sớm. Ban ngày, chợ vẫn hoạt động nhưng khá ít người.
Ứng với những khoảng thời gian nói trên, giá hoa cũng có sự thay đổi nhất định. Đương nhiên lúc chợ đông nhất cũng chính là lúc hoa rẻ nhất dành cho cả khách lẻ lẫn khách buôn.
Không rõ mua buôn thì sao nhưng theo khảo sát, giá hoa mua lẻ ở chợ hoa Quảng An chỉ bằng khoảng 1/2 so với mua từ những chiếc xe chở đầy hoa ven đường.
Hoa ly đỏ, nụ to có giá dao động từ 15.000 đồng đến 30.000 đồng/cành tùy thuộc vào số lượng tai hoa trên một cành.
Còn ở chợ dân sinh, hoa ly có giá từ 50.000 - 60.000 đồng/cành.
Hoa cúc vàng ở chợ Quảng An được bán với giá 20.000 đồng/10 bông.
Ở chợ dân sinh, một cành hoa cúc vàng có giá khoảng 4.000 - 5.000 đồng/bông.
Giá hoa hồng ở chợ hoa đầu mối lớn nhất Hà Nội này cũng rẻ hơn rất nhiều so với chợ dân sinh. Một bó hoa hồng bạch cành ngắn 50 bông chỉ có giá 30.000 đồng.
Ở những xe hoa bán dọc phố phường, số tiền mà người tiêu dùng phải bỏ ra cho 50 bông hoa hồng bạch cành ngắn là khoảng 60.000 - 70.000 đồng.
Giá hoa hướng dương có nhiều loại, tùy thuộc vào kích thước nên giá dao động từ 90.000 - 120.000 đồng/10 bông.
Trong khi đó, ở chợ dân sinh, hoa hướng dương phải có giá từ 20.000 đồng/bông trở lên.
Hoa lay ơn ở chợ hoa Quảng An đang được bán với giá khoảng 300.000 đồng cho 1 bó 50 cành, tức là khoảng 6.000 đồng/cành
Trong khi đó ở chợ dân sinh, hoa lay ơn sẽ được bán từ khoảng 12.000 - 15.000 đồng/cành.
Nói về độ phong phú thì có lẽ không đâu nhiều loại hoa như ở chợ hoa Quảng An. Từ những loại hoa phổ biến như hồng, cúc, cẩm chướng, đồng tiền, dơn, lan, ly,... đến những loại ít gặp như thanh liễu, chuỗi ngọc, dơn lúa,... đều có thể dễ dàng được tìm thấy tại đây.
Những bó hoa được bày la liệt ở khắp nơi, từ quầy hàng, sạp hàng, xe máy, xe đạp thậm chí là cả dưới đất và vỉa hè khiến người ta chỉ muốn ôm hết về mà thôi.
Hoa được bày la liệt ở khắp nơi trong chợ hoa Quảng An.
Nếu ví mỗi bình hoa là một cô nàng xinh đẹp thì hoa phụ và những loại phụ kiện trong cắm hoa chính là đồ trang sức làm nên phong cách độc đáo của mỗi cô.
Vì vậy mà ở chợ hoa Quảng An cũng sẽ không thể thiếu những hàng chuyên bán hoa phụ, lá cắm kèm và phụ kiện cắm hoa. Những gian hàng này sẽ nằm ở các vị trí riêng biệt ở đầu chợ để thuận tiện cho những người có nhu cầu.
Một gian hàn bán hoa lá phụ để cắm hoa.
À. Đi chợ hoa thì chắc chắn phải mua hoa rồi nhưng không phải ai cũng chọn được hoa tươi và đẹp. Bởi giống như nhiều việc kinh doanh khác, hoa cũng có hoa cũ hoa mới, bán hàng cũng có người này người kia, mà ông bà ta vẫn có câu "mua nhầm chứ bán không sai" còn gì. Thế nên chuyện mua phải hoa cũ, hoa xấu là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngay cả bản thân tôi cũng đã gặp phải một cú lừa nhẹ khi mua hoa hồng tỷ muội. Người ta bọc hoa khá kĩ trong nilon và giấy báo cũ nên tôi chỉ nhìn được mặt hoa, đến khi về nhà mới hay mình mua phải hoa tàn lá rụng.
Ban đầu tôi cũng bực mình lắm nhưng nghĩ lại thì "tiên trách kỉ, hậu trách nhân", là mình không cẩn thận khi lựa chọn nên mới bị qua mặt như thế. Hơn nữa, có mua phải hoa không đẹp mới biết để tránh hàng hoa đó ra, biết thêm kinh nghiệm chọn hoa cho những lần sau.
Tốt nhất là nên xem kĩ đài còn ôm lấy bông hoa không, nếu được thì có thể bứt thử xem lá còn bám chắc vào cành không. Nếu cánh hoa đã lỏng lẻo muốn rời khỏi đài và lá không còn bám vào cành thì bạn nên cân nhắc chuyện mua bó hoa này. Nếu ngược lại thì đó là hoa còn tươi và có thể mua được.
Một gian hàng chuyên kinh doanh các loại hoa hồng - nơi tôi mua 50 bông hoa hồng bạch với giá 30k.
Với giờ họp chợ oái oăm, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những thương lái, chủ cửa hàng hoa gà gật ở bất cứ đâu trong chợ. Hoặc cũng có thể là lúc tôi đến, chợ chưa vào thời điểm buôn bán sôi nổi nhất nên họ mới tranh thủ chợp mắt.
Nhìn như vậy, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng cuộc sống mưu sinh thật vất vả, được làm việc với cái đẹp mà chẳng có một giấc ngủ đẹp. Tôi không phủ nhận nhưng đó chẳng phải chính là "nét đẹp lao động" sao?
Không biết họ mơ thấy gì trong giấc ngủ vội vàng nhưng đó chắc chắn sẽ là mong muốn về một phiên chợ hết hàng, một ngày buôn bán suôn sẻ. Thật vất vả nhưng cũng tràn đầy hi vọng đúng không?
Những giấc ngủ chập chờn, vội vàng nơi chợ hoa.
Đương nhiên không chỉ có những giấc ngủ chập chờn, chợ hoa Quảng An còn gây thích thú bởi muôn vàn hoạt động khác nhau. Người mua, người bán, người ăn, người uống, người xem hoa, người chụp ảnh, người chuẩn bị cho lô hoa chuẩn bị đẩy đi,... nhìn đâu cũng thấy tấp nập, nhộn nhịp.
Tôi còn được chứng kiến một màn văn nghệ "cây nhà lá vườn" ngay tại chợ. Đó là ở khu vực của những người buôn bán hoa ly. Ai đó đã mang chiếc loa di động đến phiên chợ để các "ca sĩ" của chợ hoa Quảng An được dịp thể hiện khả năng ca hát. Chẳng bàn về giọng ca hay dở ra sao nhưng tin chắc rằng họ đã có những phút giây giải trí và một đêm đầy ắp tiếng cười.
Càng về khuya, chợ hoa càng nhộn nhịp.
Cuối cùng, sau khi mua bán xong xuôi, thương lái sẽ nhanh chóng về nhà để bắt đầu một ngày mới, chuẩn bị mang hoa đi bán khắp ngõ ngách Thủ đô. Những đối tượng còn lại ở phiên chợ cũng có riêng cho mình những niềm vui nho nhỏ, khách vãng lai có được bó hoa đẹp, người ưa trải nghiệm có được bức hình đẹp, kết thúc một đêm nhộn nhịp.
Những chiếc xe chỉ chờ được chất đầy hoa để ra về.
Nếu muốn thấy một Hà Nội ngàn hoa rực rỡ theo nghĩa đen, một Hà Nội nhộn nhịp ngay giữa nửa đêm, một Hà Nội thật khác, hãy đi chợ hoa Quảng An. Tôi đem cả danh dự của mình để cam đoan rằng bạn sẽ không bao giờ thất vọng đâu.