Louis Vuitton hiện đang thống trị dãy phố New Bond Street của Anh, nơi được biết đến với rất nhiều cửa hàng thời trang dành cho giới siêu giàu tại khu vực Mayfair, miền Tây London. Trong suốt 14 tháng, kiến trúc sư người Mỹ Peter Marino cùng đồng nghiệp đã đại tu lại cửa hàng, mang đến một không gian lộng lẫy cùng tone màu ấm cúng, “hạnh phúc” dành cho khách hàng.
“Tôi đã làm việc với Louis Vuitton từ năm 1994 và chúng tôi quyết định không sử dụng các vật liệu gỗ màu nâu theo như ban đầu. Tôi coi dự án là sự tiến hóa đơn giản, nhẹ nhàng, mang lại cảm giác hạnh phúc một cách rõ ràng hơn” Marino chia sẻ.
Window display – Cửa sổ trưng bày sản phẩm được KTS tâm đắc trong thiết kế của mình. Anh mong muốn mỗi khách hàng đều được trải nghiệm không chỉ về thời trang, mà còn là các tác phẩm nghệ thuật được dày công thiết kế của thương hiệu thời trang đến từ Pháp.
Sau khi cải tạo, cửa hàng thuộc sở hữu của Louis Vuitton “cao lên gấp đôi” (nâng 2 lần chiều cao trần), ốp lại toàn bộ vật liệu gạch với tone màu nhẹ của cát. “Về mặt thể tích, chúng tôi muốn mở rộng không gian hiện có. Chúng tôi cho rằng một không gian rộng lớn, ấn tượng sẽ giữ chân được khách hàng, khiến họ dành nhiều thời gian hơn cho việc trải nghiệm kiến trúc cũng như lựa chọn sản phẩm.” ,Marino giải thích.
Chất cảm là yếu tố tiên quyết cho một không gian triển lãm, trưng bày, đặc biệt là cửa hàng thời trang. Đó là sự kết hợp giữa nghệ thuật, cảm xúc và hiệu quả sử dụng mà KTS muốn đem tới người sử dụng thông qua không gian của họ.
Nổi bật trong dự án của Marino là tầng trệt nơi có những bức tường décor phong phú, nhiều màu sắc. Khu vực treo bức tranh của họa sĩ người Mỹ Sarah Crowner chủ yếu trưng bày đồ thời trang nữ từ Louis Vuitton, được bao phủ bởi các mảng hình học màu xanh, cam và hồng vân anh, hòa lẫn vào nhau.
Cũng tại đây, có những mảnh kính lớn phát sáng trên tường của James Turrell được cung cấp năng lượng từ các tấm pin LED. Nghệ sĩ người Mỹ khi thiết kế đã lập trình hệ thống pin này thay đổi màu sắc một cách tinh tế theo thời gian.
Ngoài ra, một tác phẩm khác trong công trình là sản phẩm điêu khắc neon hình trái tim của Tracey Emin, được khắc dòng chữ “tình yêu là thứ bạn muốn”.
Khu vực bàn kính, tủ kính cùng kệ tường là nơi trưng bày các phụ kiện như túi xách, đồ trang sức, kính, hay những chiếc khăn lụa có hoa văn đẹp mắt. Tầng hầm của cửa hàng trưng bày các tác phẩm nhiếp ảnh của nhiếp ảnh gia người Đức Andreas Gurksy.
Lên tầng hai, khách hàng sẽ đến với một không gian khác, là sân khấu của 3 bộ quần áo thời trang, phụ kiện được thay đổi hàng ngày, cùng với đó là logo thương hiệu Louis Vuitton.
Đồ nội thất trong không gian này mang tính biểu trưng và đơn giản. Những mẫu bàn, ghế cơ bản, nhưng lại rất ăn nhập với thế giới của Louis Vuitton – bởi các tone lựa chọn tôn lên chất liệu cho nhãn hiệu thời trang Pháp.
Những chất liệu như gỗ, vải nỉ,… của bàn ghế đồng màu với tone sáng của toàn bộ không gian. Cùng với đó là những mặt bàn kính với độ phản xạ lớn điểm xiết thêm vẻ bóng bẩy cho các sản phẩm khi có ánh sáng, trái ngược với độ nhám của sàn gạch.
Cầu thang xoắn được làm hoàn toàn bằng gỗ sồi tự nhiên. Khu vực hành lang cầu thang được trang trí với những tác phẩm lạ và dị, như sản phẩm điêu khắc xoắn ốc màu cam nghệ sĩ Josh Sperling ở New York.
Cầu thang phụ tuy không nổi bật bằng thang xoắn chính, nhưng cũng tạo được ấn tượng khó quên nhờ phần sơn màu thị giác kéo dài từ bậc thang xuống của nghệ sĩ người Scotland Jim Lambie.
Peter Marino là kiến trúc sư chuyên thiết kế không gian trưng bày, cửa hàng cho các thương hiệu xa xỉ, với thành tựu được phủ sóng rộng rãi trên nhiều quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Thụy Sĩ, Hàn Quốc… Nổi bật trong số không gian của Marino là một trong chuỗi cửa hàng bán lẻ của thương hiệu Dior tại Seoul, hợp tác thiết kế cùng Christian de Portzamparc.
Hình chụp bởi Stephane Muratet.
Theo Dezeen
Duc Anh.