Trong quá trình phát triển, với nhu cầu của xã hội, nhà phố - một loại hình kiến trúc đặc trưng của đô thị TP.HCM – được xây dựng với số lượng lớn và tốc độ nhanh chóng.
Ngoài mục đích sử dụng, một số công trình đầu cơ, thương mại đã xuất hiện vội vã và gần như tổ chức rập khuôn theo thói quen của nhà thầu hoặc môi trường tiếp xúc của chủ đầu tư. Điều này dẫn đến cốt lõi công trình ít có sự thay đổi: thông tầng và cầu thang được bố trí giữa nhà chia mặt bằng thành hai phần trước sau. Cách bố trí này từ lâu đã phát sinh những vấn đề về thông gió và chiếu sáng cũng như tính riêng tư cho các không gian sống xung quanh nhưng vẫn chưa có phương án xử lý triệt để.
Đây là dự án mà AD+ cải tạo một công trình như vậy.
Nằm trong khu dân cư khép kín, là một căn nhà phố cũ có 4 sàn bố trí lệch nhau xoay quanh lõi thang ở giữa, xung quanh tiếp giáp nhà lân cận cao tầng.
Trong bối cảnh 3 mặt nhà bị che khuất, ý tưởng bố trí cơ bản di chuyển thông tầng chính về phía sau. Đây là trục xương sống cho toàn bộ ngôi nhà; đáp ứng nhu cầu thông gió, chiếu sáng và tạo sự liên hệ giữa các không gian.
Tầng trệt của thông tầng chính là một mảnh vườn nhỏ, ở vị trí bất lợi nhất của công trình. Giải pháp cải tạo khối kiến trúc từ cao đến thấp sẽ tối ưu cường độ ánh sáng tự nhiên cho cây xanh tại khu vực này.
Từ lầu 01 xuất hiện thông tầng phụ giữa nhà tạo khoảng đệm cho các phòng ngủ phía trước và không gian chung phía sau – không gian chung này bám sát thông tầng chính theo chiều dọc nhằm khai thác hiệu quả thông gió và lấy sáng.
Trên cùng là hệ cầu thang xoay theo phương độ dốc mái; có khả năng đóng mở, linh hoạt trong sử dụng. Toàn bộ mặt bằng mái là sự kết hợp giữa vườn rau, cây xanh, mặt nước và các khoảng đệm có cao độ khác nhau, thoải dần về hồ sen đáy kính – nơi đưa ánh sáng tán xạ xuống các không gian bên dưới.
Công trình này thiết kế cho một gia đình 6 người - 3 thế hệ dùng sinh sống và làm việc, sự đa dạng về nhu cầu và đối tượng cũng là dữ liệu cần xử lý cho giải pháp thiết kế phong phú và sinh động hơn.
Ngôi nhà được tách làm hai khu vực công cộng và riêng tư theo cao độ. Toàn bộ tầng trệt dùng làm phòng mạch, garage có vai trò như sảnh chờ vào một số thời điểm trong ngày.
Bếp và phòng ăn – không gian có cường độ sử dụng cao nhất - được bố trí ở trung tâm căn nhà, ở tầng cao giữa phòng mạch và phòng sinh hoạt. Đây là nơi trao đổi, liên kết giữa các thành viên trong gia đình theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua cảm giác về mùi vị, âm thanh và góc nhìn; cũng là nơi tề tựu vào giờ cơm - thời điểm cảm nhận ánh sáng từ hồ sen đáy kính vào sâu bên trong, di chuyển và lay động trên bề mặt tường gạch mộc cuối nhà.
Cầu thang thay đổi vị trí từng tầng, xoay quanh 2 giếng trời chính, phụ tạo một hành trình sinh động qua các không gian; mà ở đó, sự thay đổi của vật liệu, sự lay động của mảng xanh, sự đa dạng của ánh sáng sẽ làm phong phú thêm cảm nhận của người sử dụng.
BACKYARD House Địa điểm: TPHCM Thiết kế: Kiến trúc sư: Nguyễn Đặng Anh Dũng, Bùi Thanh Sang, Nguyễn Hữu Thể Trang, Nguyễn Văn Trung, Trịnh Hằng Tuyến, Võ Đình HuỳnhXây dựng: Đinh Đức Thiên Ân Furniture & Accessories: Hình ảnh: Dung Huynh |