Hồi vợ tôi bầu bí, hai đứa đã dự tính sẽ đón bà nội lên đỡ đần, trông cháu giúp. Khi vợ tôi hết nghỉ thai sản thì cũng không lo vì mọi thứ đã có bà đảm đương. Tuy nhiên, tới tháng thứ 9, khi đón mẹ lên chung sống thì ngày nào nhà tôi cũng có chuyện.
Mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu không đơn thuần chỉ dừng lại ở chuyện ăn uống hàng ngày. Vợ tôi tỏ ra khó chịu ra mặt và bảo là bà cổ hủ, lạc hậu, quan điểm lỗi thời. Bữa ăn nào hai người cũng tranh luận, tôi ở giữa khuyên can mệt nghỉ vẫn chẳng đâu vào đâu.
Nhưng chỉ thế thôi chưa đủ, đỉnh điểm là hôm vợ tôi sắp sinh... Hai người ở nhà và chẳng hiểu cãi vã về kinh nghiệm nuôi trẻ nhỏ thế nào mà vợ tôi đau bụng kèm dấu hiệu sắp sinh mà bà vẫn không thèm giúp đỡ, chỉ gọi điện thoại cho tôi rồi đưa giỏi đồ ra, bảo: Đấy, cô giỏi mà, kinh nghiệm mà!
Chuyện đó tôi cũng trách bà không hạ cái tôi xuống. Hai mẹ con cãi nhau chuyện gì thì cãi, nhưng khi vợ tôi đau đẻ thì còn ảnh hưởng tới tính mạng của cả mẹ và bé, bà lại không chịu dang tay giúp đỡ. Thấy tôi giận dỗi, bực bội, phân tích mãi rồi bà cũng xuôi. Đó là lần đầu tiên tôi thấy mẹ chủ động xin lỗi con dâu, rồi rưng rưng ôm cháu vào lòng.
Tôi cứ nghĩ mọi chuyện từ đây sẽ nhẹ nhàng hơn. Ít nhất là 2 người phụ nữ quan trọng nhất trong đời mình sẽ biết hạ cái tôi xuống để cùng chăm sóc thằng nhỏ. Ấy thế mà không...
(Ảnh minh họa)
Ngày nào tôi đi làm về cũng đau đầu vì những cuộc cãi vã của hai người họ. Từ những chuyện nhỏ nhất như vợ tôi khăng khăng đủ 6 tháng mới ăn dặm, bà nội thì cái gì cũng đấm mồm đấm miệng và cho bé gặm.
Hay như chuyện dùng ti giả, bà bảo như thế không tốt, cứ cho thằng bé tự gặm tay hoặc gặm bất cứ thứ gì. Vợ tôi bực quá ném sạch, thế là bà giận. Hai người lại cãi nhau, bà thì bảo mình nhiều kinh nghiệm vì từng nuôi 3 đứa con. Vợ tôi thì dẫn chứng khoa học này kia, tôi thật sự quá mệt mỏi!
Khi sắp hết 6 tháng nghỉ thai sản, vợ tôi rất lo lắng và luôn bảo tôi: "Anh, em không yên tâm để bà trông cháu ở nhà đâu. Em thuê giúp việc nhé. Dù tốn kém 1 chút nhưng ít nhất em nói họ còn nghe. Còn bà nội, anh thấy đấy. Lúc nào bà cũng theo ý mình, toàn phản khoa học nữa!"
Nhưng tôi cũng thuyết phục vợ vì dù sao bà cũng nuôi tôi khôn lớn thế này, đâu có vấn đề gì. Cứ thử để bà trông cháu 1 thời gian xem sao, nếu có vấn đề gì thì sẽ tính tiếp. Hơn nữa, điều tôi lo nhất là mẹ sẽ giận. Bởi bà đang ở đây mà chúng tôi thuê giúp việc, như thế chẳng phải đuổi khéo bà sao? Còn nếu bà vẫn ở lại, chắc chắn bà giúp việc sẽ nghe theo sự chỉ đạo của mẹ tôi.
Ngày nào tôi cũng phải thuyết phục vợ từng chút một để cô ấy tin tưởng vào bà nội hơn. Nhưng cô ấy chỉ thiếu nước bật khóc, bảo: "Anh thử ở nhà đi, nhìn bà chăm cháu đi rồi sẽ hiểu. Con em sinh ra em không muốn nó bị làm sao. Còn lúc nào cũng đi so thời xưa với nay, nó khác nhau lắm rồi đấy!"
Nhưng cũng chẳng còn cách nào khác, thế rồi vợ tôi vẫn nghe lời. Thế nhưng chỉ sau mấy ngày, con trai tôi đúng là quấy khóc hơn hẳn. Những thói quen vợ tôi bao công rèn rũa như ăn đúng giờ, ngủ 1 mạch từ tối tới sáng, không xem TV, điện thoại thì nay thay đổi hết.
Vì bà ở nhà khó trông nên cứ ru nó ngủ, thành ra đêm 11-12h vẫn thao thao. Rồi ăn uống cũng dở dở ương ương, bà cho nó gặm rau, ăn bánh quy đều đều. Vợ gào lên, tôi lại phải đứng ra xoa dịu, cho rằng đó là chuyện thường dù thực lòng cũng có chút lo lắng.
Nhưng một ngày nọ, khi tôi để quên tập tài liệu quan trọng cho khách hàng ở nhà, mà đầu giờ chiều tôi đã phải gặp họ rồi nên đành phi như bay về nhà. Tới nơi, tôi ngạc nhiên khi thấy bà nằm sofa xem TV, cháu thì thả nó khắp phòng khách với mấy món đồ chơi bẩn bẩn, đồ ăn tùm lum. Rồi thằng bé bất ngờ quờ vào lọ hoa ở trên bàn (không hiểu sao bà rót ra lại để đó) và bị đổ nước, lọ rơi vào đầu. Tôi buông vội chiếc cặp sách chạy tới dỗ con, bà lúc này cũng mới bối rối ra ôm.
Tận mắt chứng kiến cảnh bà khá thờ ơ nằm xem phim mặc kệ cháu chơi tôi mới hiểu cảm giác của vợ. Thật sự, tôi nghĩ sẽ nói chuyện thẳng thắn với bà và thuê người giúp việc như vợ nói.