Không chỉ lễ hỏi, lễ rước dâu mà lễ lại mặt cũng rất quan trong trong nghi thức cưới xin truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên ngày nay, nhiều bạn trẻ không hiểu lại mặt là gì, vì sao cô dâu phải lại mặt sau đám cưới và lễ này cần được chuẩn bị ra sao. 

Vì sao cô dâu phải lại mặt sau đám cưới?

Lễ lại mặt xuất phát từ sự thấu hiểu, cảm thông của người xưa đối với cô dâu mới. Tâm lý chung của những nàng dâu mới thường là buồn tủi, nhớ bố mẹ, gia đình. Tục lại mặt cho họ cơ hội về thăm lại bố mẹ, gia đình cho vơi bớt nỗi nhớ.

Lễ lại mặt cũng là những khoảnh khắc đầu tiên cặp vợ chồng trở về nhà ngoại với tư cách mới, vai trò mới. 

Thông thường, trong lễ lại mặt, bố mẹ cô dâu sẽ có những lời chia sẻ, động viên để con gái sớm làm quen với cuộc sống mới, ý thức được trách nhiệm trong giai đoạn mới của cuộc đời mình.

Đây cũng là dịp để gia đình bên ngoại tụ tập, ăn uống vui vẻ với nhau và với chàng rể để thêm thân thiết, gắn bó. 

anh-cat-dan-nghe-thuat-lich-ghi-nho-hinh-nen-may-tinh-13504204.pngVì sao cô dâu phải lại mặt sau đám cưới? (Ảnh minh hoạ: Pinterest)

Lễ lại mặt là phong tục mang ý nghĩa tốt đẹp được lưu giữ từ nhiều đời nay và vẫn đang được các thế hệ trẻ tiếp nối. Dù đám cưới có được tổ chức hiện đại thế nào thì sau hôn lễ, lại mặt vẫn là nghi thức cần phải có.

Thời gian diễn ra lễ lại mặt

Lễ lại mặt thường diễn ra trong vòng 2 - 5 ngày sau đám cưới, tùy thuộc vào khoảng cách địa lý, thực tế sắp xếp công việc hay truyền thống của từng địa phương. Nếu như hai nhà ở gần, cùng thành phố hay cùng tỉnh thì lễ lại mặt có thể diễn ra sau đám cưới 2 ngày, thậm chí ngay ngày hôm sau.

Ngược lại, nếu cô dâu lấy chồng xa thì thời gian diễn ra lễ lại mặt có thể được sắp xếp vào thời điểm thích hợp, khi cô dâu chú rể thu xếp xong công việc ở nhà nội.

Nhiều gia đình cầu kỳ hơn có thể xem cả ngày, giờ hoàng đạo để cô dâu chú rể về lại mặt. 

Tóm lại, không có quy định cụ thể nào về việc làm lễ "lại mặt" cả, miễn là đôi tân hôn hoàn thành xong nghi thức đám cưới, nghỉ ngơi đầy đủ thì có thể về "lại mặt" nhà ngoại. 

Khi về lại mặt, cô dâu chú rể cần lưu ý một số điều sau: 

Lễ lại mặt cần có cả cô dâu chú rể; đây là biểu hiện tôn trọng bố mẹ và gia đình vợ, thể hiện lòng hiếu thảo với bậc sinh thành, để bố mẹ vợ yên tâm sau khi con gái được gả đi 

Lễ lại mặt thường diễn ra vào buổi sáng và có thể kéo dài cả ngày. Nên cố gắng để không về lại mặt khi trời đã tối muộn.

Khi vợ chồng mới về lại mặt, nên chuẩn bị một túi quà nhỏ, tuỳ thuộc và phong cách và nếp sống của từng gia đình, đừng về tay không

Cách chuẩn bị lễ "lại mặt" 

Theo phong tục truyền thống, lễ vật lại mặt khá cầu kỳ, cô dâu chú rể phải mang theo trầu cau, xôi, thịt gà, bao lì xì... qua nhà ngoại để thắp hương.

Tuy nhiên, với nếp sống hiện đại, lễ vật lại mặt ngày càng đơn giản. Cặp đôi mới cưới chỉ cần đem một túi quà nhỏ có ít bánh kẹo, trái cây về thắp hương và có một chút tiền lộc đặt lên bàn thờ gia tiên là được.  

Đáp lại, bố mẹ vợ sẽ chuẩn bị một mâm cơm thịnh soạn để chiêu đãi con gái và chàng rể mới. Đây chỉ là một bữa tiệc nhỏ trong phạm vi gia đình, không phải mời họ hàng láng giềng.

Những món ăn trong mâm cũng chỉ là những món quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày hay món mà con cái thích.  

Nhìn chung, lễ lại mặt là một nghi thức đơn giản nhưng ý nghĩa trong truyền thống cưới hỏi của người Việt Nam, vừa giúp cô dâu mới gặp lại bố mẹ, vừa là dịp để chú rể tăng thêm tình cảm thân thiết với gia đình vợ.

Biết rõ vì sao cô dâu phải lại mặt sau đám cưới, chắc hẳn các bạn trẻ sẽ chuẩn bị cho nghi thức này một cách chu đáo, đem lại niềm vui cho mọi người trong gia đình.

yeu-ava.jpg?width=150Yêu
Em gái ruột bỗng nhiên thân thiết với anh rể lạ thường, tôi ngã ngửa khi biết bí mật giữa họ

Theo VTC

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022