Sau cưới, vợ chồng anh trai tôi chuyển vào miền Nam để sinh sống và lập nghiệp. Cách xa cả nghìn cây số nên anh chị ít khi có dịp được về quê thăm bố mẹ. Mẹ thấy vậy thường động viên tôi rằng: "Nhà có 2 anh em, anh đã đi làm xa, bố mẹ chỉ biết trông cậy vào mỗi con, con cố gắng tìm anh chàng nào ở gần mà cưới, đừng lấy chồng xa rồi tuổi già bố mẹ biết nhờ vào ai". Lúc đó, tôi ôm chặt lấy mẹ và nói sau này sẽ lấy chồng ở gần, để nếu bố mẹ có ốm đau hay cần gì, vợ chồng tôi sẽ sang chăm sóc.

Nhưng cuộc đời nào ai biết trước được tương lai, rồi sự việc xảy ra có muốn thay đổi theo ý định của mình cũng khó. Học xong ra trường, tôi quen bạn trai có quê xa. Khi biết chuyện, bố mẹ liền phản đối và khuyên tôi bỏ đi, tìm người khác để yêu, ở quê có nhiều chàng trai tốt, sao phải đi lấy ở nơi xa. Dù bố mẹ có nói thế nào, tôi vẫn nhất quyết lấy cho bằng được.

Vì muốn lấy được lòng tin của bố mẹ, Bắc đã cùng tôi về nhà để thuyết phục: "Sau kết hôn, con sẽ không về quê nội mà sẽ ở lại đây, thay anh cả chăm sóc hai bác lúc về già. Mong hai bác chấp thuận cuộc hôn nhân này". Những lời nói từ tận đáy lòng của bạn trai đã khiến bố mẹ tôi an lòng mà đồng ý cho chúng tôi kết hôn.

Vợ chồng tôi chuyển về sống cùng bố mẹ được 4 năm thì biến cố xảy ra, khiến mọi kế hoạch thay đổi hoàn toàn. Chồng tôi nghỉ việc vì công ty gặp khó khăn tài chính, buộc phải cắt giảm nhân sự. Đúng lúc đó, bố chồng không may gặp tai nạn, anh phải về quê để chăm sóc ông. Những ngày ở quê nội, có người họ hàng xin cho anh một công việc mới, lương cao và ổn định.

Sau một thời gian, chồng tôi quyết định ở lại quê nội làm việc, còn mẹ con tôi không có lựa chọn nào khác đành phải chuyển về quê chồng sống. Bố mẹ tôi dù rất đau khổ nhưng vẫn phải nuốt nước mắt vào trong.  

Thời gian đầu, cứ khoảng 1-2 tháng, tôi lại cố gắng thu xếp thời gian về quê thăm bố mẹ một lần. Nhưng đến khi tôi sinh con thứ 2 thì công việc cơ quan ngày càng nhiều, lại bận rộn con cái, kinh tế thì eo hẹp nên tôi dù muốn cũng không thể về. Tôi chỉ có thể gặp bố mẹ qua điện thoại. Tôi biết ông bà buồn nhưng thực sự tôi không còn lựa chọn nào khác.

z6041088954389e4ec9b84a761169011b8f85258ac3732-1731824504483690936451.jpg

Ảnh minh họa

May mắn thay, từ ngày tôi chuyển về sống chung, bố mẹ chồng đối xử rất tốt với con dâu. Biết tôi bận rộn, mẹ chồng luôn dành hết việc nhà, mỗi ngày đi làm về tôi chỉ việc rửa bát và dạy con học.

Khi tôi mệt, không thể đi làm, mẹ thường hầm thuốc bắc hoặc nấu các món ngon để bồi dưỡng sức khỏe cho con dâu. Sự chăm sóc ân cần, chu đáo của mẹ khiến tôi vô cùng cảm kích.

Đầu năm nay, bố tôi qua đời. Dù sống hạnh phúc ở nhà chồng, nhưng lòng tôi vẫn day dứt mỗi khi nghĩ đến mẹ già một thân một mình trong căn nhà trống trải.

Cho đến đầu tuần vừa rồi, hàng xóm ở quê gọi điện cho tôi báo tin: "Mẹ cháu bị bệnh cả tuần nay rồi, các bác phải thay phiên nhau đưa cơm và chăm sóc. Bác đã gọi điện cho Tuấn (tên anh tôi) nhưng nó đang đi công tác xa, còn vợ thì mang thai nên không về được. Không còn cách nào khác, bác buộc phải gọi cho cháu". Nói xong, bác khuyên tôi sắp xếp thời gian về thăm mẹ sớm, kẻo có chuyện gì sau này lại hối hận không kịp.

Nghe bác hàng xóm nói đến đâu là nước mắt tôi rơi đến đó. Mẹ tôi cả đời vất vả vì con cái, vậy mà lúc ốm đau bệnh tật lại không có các con bên cạnh, phải nhờ đến sự giúp đỡ của hàng xóm.

Lúc này, mẹ chồng tôi từ cửa bước vào, bà nói đã đứng ngoài và nghe hết cuộc trò chuyện giữa tôi và bác hàng xóm. Biết được tình trạng sức khỏe của bà thông gia, mẹ chồng khuyên tôi nên xin phép cơ quan nghỉ làm để về chăm sóc bà ngoại.

Chiều hôm ấy, trong lúc tôi đang chuẩn bị đồ để về quê, mẹ chồng bất ngờ sang phòng, dúi cho tôi 20 triệu và bảo giữ lấy phòng khi có việc cần dùng đến. Bà còn dặn tôi ở bên ấy bao lâu cũng được, cứ chăm sóc cho mẹ khỏi hẳn rồi hẵng về. Trước khi rời đi, bà còn nhắc nhở tôi chú ý sức khỏe, ăn uống đầy đủ, đừng quá sức mà đổ bệnh.

Nghe đến đây, tôi không kìm được mà ôm chầm lấy mẹ chồng, bật khóc nức nở. Sự quan tâm của bà như một liều thuốc tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho tôi vượt qua khó khăn.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022