Trẻ làm gì cũng bám mẹ, đi đâu cũng ôm chân mẹ, gặp ai cũng nhúi đầu vào người mẹ, thậm chí khóc mếu máo khi mẹ vừa ra xa một tí... Có lẽ khi rơi vào tình huống này, đôi lúc làm người mẹ cảm thấy bực bội và khó chịu vì con liên tục bám mẹ. Không những vậy, người mẹ còn phải chịu nhiều áp lực từ người thân và gia đình vì cho rằng do ôm ấp con nhiều làm con bám mẹ như vậy, đôi lúc điều này cũng làm người mẹ lo lắng vì sợ nếu ôm con nhiều con sẽ phụ thuộc và không tự lập khi lớn.
Với chị Alicia Vu (hiện đang sống tại Anh), một em bé bám mẹ không hẳn là hành vi xấu, càng không thể nói lên việc mẹ có nuông chiều con hay không. Dưới đây là quan niệm của bà mẹ trẻ, hy vọng sẽ giúp ích cho các bố mẹ nhé.
Không thể rời con nửa bước để làm bất cứ việc gì
Con nhà mình ra đường giao lưu văn hoá văn nghệ, họp tổ trẻ em dân phố hàng tuần từ 1 tháng tuổi. 8 tuần tuổi đã tham gia đủ các lớp từ học bơi đến ca múa nhạc. 6 tháng đi du lịch nước ngoài (về Việt Nam). Duy trì hoạt động đều đặn là thế nhưng bám mẹ vẫn hoàn bám mẹ. Nếu có danh hiệu "trùm chúa" trong lĩnh vực "bám mẹ" thì chắc con cũng lên bục nhận giải luôn.
Suốt một năm đầu đời, mình hầu như không rời được con ra để làm bất cứ việc gì. Mình biết có nhiều em bé chơi tự lập rất giỏi. Bản thân mình cũng không phải người không có kiến thức hay nuôi con lạc hậu để mà không biết "tạo điều kiện cho con chơi tự lập". Vì vậy, khi bạn đã đọc đến đây, hãy tự tin rằng không phải vì bạn đã làm gì (hay không làm gì) mà khiến con bám mẹ.
Có những em bé có nhu cầu gắn kết và giao tiếp nhiều hơn những em bé khác. Với con, việc giao tiếp giữa người với người khiến con thích thú và an tâm hơn là đồ chơi. Bây giờ, khi con mình đã gần 3 tuổi và nhìn vào khả năng ngôn ngữ của bạn ấy, mình tin rằng mình đã đúng.
"Bám mẹ" bao gồm các giai đoạn phát triển của trẻ như "khủng hoảng xa cách", "sợ người lạ"… Đó là khi em bé bắt đầu phân biệt được người lạ, người quen, đâu là người chăm sóc con nhiều nhất và bắt đầu hình thành sợi dây gắn kết với người đó.
Cách mỗi em bé vượt qua giai đoạn khủng hoảng này không hề giống nhau. Có những bạn vượt qua nó rất dễ dàng và chỉ trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, có những bạn gay gắt hơn, khó khăn hơn và thời gian kéo dài hơn (đôi khi tính bằng năm).
Những em bé "bám mẹ" này có vấn đề gì không? Liệu sau này khi không có mẹ, con có hoà nhập được với trường học hay xã hội không?
Theo nhà tâm lý học Philippa Perry, tác giả cuốn sách The Book You Wish Your Parents Had Read: "Khi một đứa trẻ có khả năng xây dựng gắn kết mạnh mẽ với người chăm sóc, chúng sẽ có nền tảng để xây dựng những kết nối xã hội sâu sắc khác trong tương lai".
Chị Alicia Vu và con gái.
Bạn có thể làm gì để vượt qua giai đoạn này?
Có thể đây không phải câu trả lời mà bạn mong đợi, nhưng sự thật là bạn sẽ chẳng thể làm gì cho đến khi nó tự qua đi. Điều duy nhất bạn có thể làm là hãy ở bên con và đáp ứng khi con cần. Đến một ngày, khi con nhận đủ và vững vàng, con sẽ dần buông tay bạn để bay đi.
Việc một em bé có thể tự lập là rất tốt, nhưng đó là khi con ĐÃ SẴN SÀNG để làm điều đó. Đừng cố rèn luyện khắc nghiệt hay đẩy con ra xa với mong muốn dạy con tự lập. Đứa trẻ tự lập là đứa trẻ vững vàng, nhưng đứa trẻ bị ép phải tự lập khi chưa sẵn sàng là đứa trẻ tổn thương.
Khi một cây non buộc phải tồn tại giữa sa mạc đầy nắng gió, có thể cây vẫn sống được và lớn lên thôi, nhưng sẽ khó khăn và đau đớn vô cùng.
Bạn không thể ép một đứa trẻ biết đi hay biết nói nếu nó chưa sẵn sàng. Thế thì tại sao lại cưỡng ép tinh thần và buộc chúng phải tách mẹ khi chúng chưa sẵn sàng làm điều đó?
Hãy cứ yên tâm để con bám mẹ (hay bám bố) nhé!