Bà Phin là bạn thân nhất suốt hơn 70 năm của bà ngoại tôi. Dù sống cách nhau 3 cái ngõ nhưng ngày nào 2 bà cũng gặp nhau, chơi từ lúc bé thơ tới tận tuổi bát tuần. Bà Phin có 2 người con, còn ngoại tôi có 4. Ai cũng cháu chắt đầy nhà, trong số đó tôi là đứa khiến 2 bà đau đầu nhất.
Mẹ kể lúc mới sinh tôi mắc căn bệnh khó hiểu - nôm na là khuyết thiếu một phần xương sọ. Bà ngoại khóc hết nước mắt, tưởng đứa cháu sinh non sẽ không qua khỏi. Nhưng rồi tôi sống sót một cách thần kỳ, còn khóc to bằng cả làng cộng lại!
Tôi là đứa cực kỳ khó nuôi, ngoại với bà Phin kinh nghiệm đầy mình mà cũng bó tay với những năm tháng đầu đời ăn ngủ chật vật của đứa cháu gái. Bố tôi bỏ cả tháng lương ra mua cua biển cho mẹ tôi nấu cháo, lúc bấy giờ 200 đồng 1 con đắt đỏ có thể mua gạo thịt đủ cho cả nhà 4 người ăn. Thế mà tôi khóc lóc ầm ĩ, nước mắt nước mũi nhòe nhoẹt chê cháo cua.
Tôi rất quấn bà với mẹ, trừ 2 người ấy ra thì ai bế cũng không theo. Cả ngày tôi bắt bế nhằng nhẵng. Mẹ tôi kể lại với giọng đầy hậm hực: “Mẹ đi vệ sinh mày cũng khóc toáng lên, phải đặt mày nằm ở cửa nhà xí nhìn thấy mặt mẹ mới chịu được”. Thế là suốt mấy năm trời mẹ xả “nỗi buồn” cũng không yên, tự dưng tôi thấy áy náy gớm…
Riêng bà Phin sang thì tôi không bao giờ quấy, vì bà rất hay mang đồ chơi “mua chuộc” tôi cho 2 bà buôn chuyện. Nhờ bà Phin mà tôi trở thành đứa con nít nổi tiếng nhất xóm với “huyền thoại” bóp nát túi đậu. Bà cứ đổ lỗi do tôi, nhưng mọi người thử nghe đầu đuôi câu chuyện này xem nhé. Ngoại tôi kể hôm ấy ngoại bế tôi ra chợ mua rau, đi nửa đường gặp bà Phin xách túi đậu phụ về. Thế là hai cụ đứng “buôn dưa” nguyên buổi sáng, mặt trời lên cao tít mới chịu giải tán đôi đường. Nhưng vừa quay lưng được một đoạn thì bà Phin tức tốc đuổi theo bà tôi ăn vạ. Hóa ra trong lúc hai bà mải buôn, tôi rảnh quá không có gì làm nên thò tay sang bóp nát tươm 4 bìa đậu!
Đến tận lúc tôi 25 tuổi đẻ con rồi bà Phin vẫn nhắc đi nhắc lại chuyện cũ. Bà bảo tôi 2 tuổi tay bé tí mà khỏe như nông dân, bao nhiêu năm bà vẫn tiếc túi đậu phụ! Chồng tôi suốt ngày trêu: “Thì ra thằng Bin giống hệt tính mẹ”.
2 tháng trước bà ngoại mất. Di chúc bà để lại cho tôi và mẹ 5 cây vàng, còn ngôi nhà bà cho các bác. Mấy anh chị họ đều không thân thiết với ngoại, lúc bà còn sống cũng ít thăm hỏi nên bà chẳng nhắc gì tới. Bà đau ốm nằm viện suốt 1 năm cuối đời, cũng chỉ có mẹ con tôi ở viện thường xuyên. Tôi thương bà lắm, cả đời tần tảo nhưng bao người chỉ trông ngóng đống tài sản sau khi bà mất. Ngay trong đám tang bà, bác cả cứ chì chiết mẹ con tôi rằng: “Chúng mày cố tình gần gũi bà để trộm tiền vàng, chứ làm gì có chuyện bà để lại mỗi căn nhà bé tí?”. Rồi bác cứ tra hỏi tôi rằng mày quấn bà từ bé kiểu gì cũng biết bà có bao nhiêu tiền, có phải bà giấu lén cho cháu gái út hết gia sản không…
Tôi chán chẳng buồn đáp. Bà Phin cũng đến viếng, hình như bà có chuyện gì muốn nói nhưng gia đình tôi lục đục ầm ĩ nên bà đi về. Nhìn dáng bà run rẩy già nua, tôi nhớ ngoại đến bật khóc…
Đêm qua vừa dỗ con ngủ xong thì có số lạ gọi đến. Nhìn đồng hồ đã 1h đêm, tôi định không nghe máy nhưng linh tính mách bảo sao tôi lại bật lên nghe.
- Bà Phin đây con. Ngoại con có để lại một mảnh đất đồi ở ven thành phố, chỗ ấy đang là trang trại bò. Bà ấy giấu không cho ai biết, giấy tờ thì đưa cho bà giữ hộ. Nay ngoại con mất rồi, nguyện vọng của bà ấy là cho cháu gái út với chắt mảnh đất đó. Ngày mai con có tiện sang nhà bà không để bà đưa lại cho con. Đừng nói với ai nhé kẻo lại rắc rối.
Nước mắt tôi chảy dài, lồng ngực run lên bần bật. Ngoại mất rồi mà vẫn tặng quà cho cháu gái, tôi không rõ trái tim mình nhói lên do cơn đau mất mát chưa nguôi hay là do quá bất ngờ?...