Ai cũng biết rằng, niềng răng là cả 1 quá trình dài mà bác sĩ và người bệnh đều phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức để giúp răng di chuyển, về đúng vị trí.
Tuy nhiên, thành quả mà bạn nhận được thì thật sự "xuất sắc" - hàm răng đều, đẹp cùng cung hàm cong chuẩn chỉnh giúp việc nhai cắn của bạn tốt hơn.
Nhưng trước khi niềng răng mắc cài, bạn cũng cần biết rằng mình sẽ phải đối mặt với những điều gì khi tham gia "trận chiến làm đẹp" này. Bác sĩ Răng Hàm Mặt Lê Thị Hải Châu - tu nghiệp ở Nga sẽ bật mí cho bạn.
1. Răng yếu đi, ê ẩm xương hàm
Trong quá trình niềng răng, các răng sẽ di chuyển, tạo ra sự thay đổi nhất định với xương hàm và răng.
Những sự biến động này sẽ có những kích ứng nhất định với cơ thể. Và tình trạng răng yếu đi, ê ẩm xương hàm là do răng, xương chưa quen với sự di chuyển, thay đổi vị trí trong cấu trúc xương hàm.
Sự dịch chuyển răng sẽ khiến răng, hàm bị đau ê ẩm.
Bác sĩ Châu cho hay, cảm giác ê buốt, khó chịu này một phần nữa là do bạn chưa quen với việc có khí cụ lạ trong miệng nên đôi khi môi, má, lưỡi cũng bị kích ứng. Cảm giác này sẽ diễn ra mạnh trong 1- 2 tuần đầu.
Khi đã thích ứng được với sự di chuyển của răng, người điều trị sẽ không còn thấy đau nhức và khó chịu nữa. Mọi sinh hoạt sẽ gần như trở lại bình thường.
2. Ăn không ngon, sụt cân
Sẽ không có gì khó hiểu khi cảm giác ê ẩm ở răng, xương hàm khiến bạn cảm thấy ăn không ngon miệng, hoặc không ăn được gì, và rồi bạn sụt cân trông thấy.
Cụ thể, trong tuần đầu tiên sau khi niềng răng, bạn sẽ cảm thấy khó chịu "cực độ" khi chưa thể quen với việc có vật thể lạ trong miệng.
Gầy đi ai cũng thích nhưng việc gầy bởi niềng răng e cũng gian nan.
Lúc này, bác sĩ khuyên rằng bạn nên "kết thân" với thực phẩm mềm như cháo, sữa, súp... để tránh gây tổn thương hay làm lệch, tuột mắc cài...
Khi quen dần, bạn có thể ăn uống đa dạng hơn, tuy nhiên, cần tránh thực phẩm có độ ngọt cao, chứa nhiều đường, tinh bột... vì nó sẽ sinh ra axit gây sâu răng, phát triển các bệnh về lợi.
3. Chuyện "cắn xé" thức ăn dường như không thể
Trong lúc niềng răng mắc cài, răng vừa chịu lực đè của mắc cài, vừa chịu lực siết nên thường yếu và nhạy cảm.
Nếu lực ăn nhai không phù hợp, cắn quá mạnh do ăn thực phẩm cứng như sụn, gặm xương... hoặc là cắn, xé thức ăn... sẽ tạo 1 gánh nặng lớn cho răng, làm răng ngày 1 yếu.
Chuyện cắn xé thức ăn giờ trở nên "xa xỉ"
Ngoài ra, bản thân mắc cài trên răng có thể bị bung bật bất cứ lúc nào dưới tác động của lực nhai nghiến và độ rắn của thực phẩm.
Lời khuyên của bác sĩ Châu là người điều trị phải chia tay với các loại thực phẩm rắn, cứng, càng không được giằng xé thực phẩm... thay vào đó là cắt nhỏ thức ăn và thưởng thức.
4. Hơi thở có mùi hôi, tình trạng viêm lợi tăng cao
Chắc chắn 1 điều, sự hiện diện của mắc cài sẽ khiến cho thức ăn dễ vướng vào kẽ răng và vào mắc cài.
Vệ sinh không sạch lúc niềng răng sẽ khiến tình trạng viêm lợi tái phát.
Điều này sẽ gây khó khăn lớn cho vệ sinh răng miệng hàng ngày. Những thức ăn còn sót lại dính trên kẽ khí cụ niềng răng tạo thành mảng bám lớn, khiến hơi thở có mùi hôi...
Hệ quả tất yếu là bệnh lý răng miệng tăng cao đặc biệt là bệnh viêm lợi. Nếu để tình trạng viêm lợi kéo dài còn gây tụt lợi, tiêu xương ổ răng, chân răng... khiến việc niềng răng trở thành "công cốc".