Niềng răng để đẹp, để tự tin là ước muốn của không ít bạn đang gặp vấn đề về răng miệng.
Có thể nói, niềng răng là 1 trong những phương pháp được chỉ định làm khi răng có những khuyết điểm như hô, móm, răng khấp khểnh, mọc lệch, thưa... Mục tiêu của việc chỉnh nha này là giúp bạn có 1 nụ cười đẹp, hàm răng đều, thẳng và cuối cùng là nhai tốt, ít gặp bệnh răng miệng.
Tuy nhiên có một sự thật là không phải ai cũng có thể kết bạn với "niềng răng". Vậy những trường hợp nào thì không được phép niềng răng?
Hãy cùng đi tìm câu trả lời qua những chia sẻ của bác sĩ Lê Thị Hải Châu - đến từ phòng khám nha khoa Phúc Châu.
1. Mắc bệnh nha chu quá nặng
Bệnh nha chu là bệnh xảy ra ở các tổ chức xung quanh răng như viêm nhiễm mãn tính mô nướu, mô nâng đỡ của răng.
Theo bác sĩ Châu chia sẻ: "Một chiếc răng khỏe mạnh sẽ phát triển ổn định trong xương ổ răng, dây chằng và nướu (lợi). Tổ chức này giúp răng giữ chắc trong xương hàm và bảo vệ răng trước các tác động bên ngoài cũng như tác động của vi khuẩn.
Khi tổ chức này bị viêm nhiễm, răng sẽ không được bảo vệ tốt sẽ dần trở nên yếu đi, có xu hướng bị tụt lợi, tiêu xương răng".
Viêm nha chu quá nặng dẫn đến tình trạng tụt lợi chân răng
Và rõ ràng, khi phần xương răng bị tiêu, lợi không còn nơi để bám víu thì thật khó để có thể áp dụng phương pháp niềng răng được nữa.
Cần nhấn mạnh rằng, niềng răng mắc cài là 1 kỹ thuật nắn chỉnh răng bằng mắc cài, dây cung cũng như kết hợp lực điều chỉnh từ nha sĩ trong 1 thời gian giúp răng di chuyển vào đúng vị trí đúng.
Vì thế, việc thăm khám, chắc chắn về độ chắc của răng là 1 trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến mức độ thành công của từng ca niềng răng. Nếu răng không đủ tiêu chuẩn, việc niềng răng sẽ không thể thực hiện hiệu quả được.
2. Răng giả, răng bọc sứ
Bọc răng sứ có niềng răng được không là thắc mắc của không ít bạn. Nhưng tùy theo từng trường hợp cụ thể, có những trường hợp bọc sứ xong vẫn có thể tiến hành niềng và có trường hợp thì không niềng được.
Chúng ta biết rằng niềng răng mắc cài là ta phải gắn mắc cài (khí cụ) lên trên bề mặt răng để tạo lực làm răng di chuyển.
Tuy nhiên theo bác sĩ Châu, do răng sứ, răng giả đã được tạo 1 độ bóng ở nhất định ở mặt ngoài nên không có độ bám dính tốt như răng thật. Vì thế, việc gắn keo để cố định mắc cài trên răng sẽ khó có thể thực hiện được.
Ngoài ra, có một điểm cần lưu ý nữa rằng, không phải lúc nào phần cùi răng thật và răng sứ cũng đồng bộ với nhau, 1 phần do lực kéo chủ yếu tác động lên thân răng sứ.
Do đó, nếu phần bọc sứ không được gắn chặt vào cùi răng thật bên trong thì khi có lực kéo của niềng răng, răng sứ rất sẽ dễ bị tuột ra, không thể di chuyển theo dự định của bác sĩ.
Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chỉnh nha cho người bệnh. Bên cạnh đó, cùi răng thật có thể bị ê buốt, đau nhức nếu lớp sứ không ôm sát vào cùi răng, khiến bạn cảm giác khó chịu.
Bác sĩ Châu cũng chia sẻ rằng, nếu như trong trường hợp bạn bọc răng sứ đơn lẻ, bạn cần đảm bảo được tiêu chuẩn của phục hình răng sứ, tức là phần vỏ bọc sứ ôm sát cùi răng thật mà điều này thì... rất khó ai nói trước được.
Còn với trường hợp bạn bọc răng sứ toàn hàm thì khi bọc răng, bác sĩ đã tính toán để sắp xếp răng đều rồi nên không cần phải niềng răng nữa.
3. Mắc bệnh lý toàn thân
Cũng giống như nhổ răng, có những đối tượng dù muốn cũng không thể thực hiện phương pháp niềng răng được.
Đó là những người mắc 1 số bệnh lý toàn thân như động kinh, tâm thần, tim mạch nặng, bệnh tiểu đường, căn bệnh ác tính như ung thư máu...
Sở dĩ những người mắc bệnh tiểu đường, hay ung thư không được niềng răng là bởi khả năng chống lây nhiễm đã rất kém, việc xử lý vấn đề ở răng có thể tạo ra vết thương khó liền, rất dễ gây nhiễm trùng nặng.
Ngoài ra, bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, động kinh cũng chống chỉ định với phương pháp chỉnh nha.
Lý do là bởi sự căng thẳng, đau đớn trong quá trình thực hiện, điều trị có thể gây ra chứng khó thở, tim đập nhanh, suy tim.. hay khiến người bệnh tái phát cơn động kinh bất cứ lúc nào.
Chính vì lẽ đó mà việc trực tiếp thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định chỉnh nha là vô cùng cần thiết. Khi khám, bạn cũng cần nói rõ với bác sĩ về tình trạng của bản thân, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.