Cứ đến gần Tết là trên các diễn đàn, người ta lại tranh cãi rất “sung” về chuyện về nội hay về ngoại. Theo truyền thống, các cặp vợ chồng thường đưa con về ăn Tết với ông bà nội, chừng mùng 2 trở đi mới sang nhà ngoại.
Chính vì vậy mà chị em luôn cảm thấy ấm ức, thiệt thòi và cứ đến tháng Chạp là “đấu tranh” để được về ngoại từ những ngày cuối của năm cũ, đón giao thừa cùng bố mẹ đẻ, anh chị em ruột.
Chuyện ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại khiến rất nhiều gia đình nhỏ mâu thuẫn, bất hòa, là nguồn cơn của những giọt nước mắt hay các cuộc chiến tranh lạnh.
Nhiều chị em cho rằng cần phải công bằng, năm nay ăn Tết nhà nội thì năm sau nhà ngoại; hoặc cả năm đã ở với bố mẹ chồng rồi thì Tết phải được về đón năm mới với bố mẹ đẻ.
Cánh đàn ông thì thường vin vào truyền thống để bảo vệ chuyện ăn Tết nhà nội. “Chị dâu em cũng ăn Tết với bố mẹ em đấy thôi, có về nhà đẻ của chị ấy đâu”, chồng tôi từng lý sự như vậy.
Vâng, vợ chồng tôi cũng từng trải qua những năm cãi nhau tóe lửa vì chuyện ăn Tết ở quê nào. Chúng tôi cưới nhau đã hơn 17 năm, và đến năm thứ 9, tôi mới giật mình tự hỏi, sao mình lại coi việc ăn Tết cùng nhà chồng là điều tất nhiên như thiên kinh địa nghĩa vậy nhỉ. Và rồi chồng cũng giật mình khi tôi đề nghị Tết đó cả nhà về ngoại.
Cuối năm, ai cũng mong muốn được về quê ăn Tết, đoàn tụ với bố mẹ, anh chị em. (Ảnh minh họa: Đắc Huy)
Anh ấy không đồng ý. Hai đứa cãi nhau, và rồi tôi cũng thành công trong việc đưa chồng con về nhà mẹ đẻ từ 29 đến mùng 3 Tết, vì anh ấy cũng nhận thấy việc ăn Tết nhà nội 8 năm liền sau khi cưới là quá thiên lệch.
Các năm sau thì chồng tôi không nhượng bộ nữa bởi vẫn luôn cho rằng con dâu đương nhiên phải ăn Tết nhà chồng. Tôi lại “chiến đấu” và đến năm thứ 12 mới lại được về ngoại.
Nhưng đã 4 năm nay, chuyện ăn Tết quê ai không còn là vấn đề gây tranh cãi. Chúng tôi thỏa thuận ai ăn Tết ở quê người ấy, trừ khi có sự kiện đặc biệt, chẳng hạn bố mẹ mừng thọ năm chẵn hay sức khỏe có vấn đề thì nhất thiết cả nhà phải có mặt.
Sự thay đổi này bắt đầu từ những kỳ nghỉ lễ trong năm thứ 13 của cuộc hôn nhân. Trước đó, hễ nghỉ lễ là cả nhà phải đi cùng nhau, nhưng kỳ nghỉ 30/4-1/5 năm ấy, đúng dịp cậu em út của tôi lấy vợ.
Nó chọn cưới vào dịp lễ để mọi người dễ thu xếp. Vợ chồng tôi cùng hai đứa trẻ chuẩn bị sẵn sàng để về ngoại thì ông bà nội ốm. Chẳng có cách nào khác, chồng tôi phải ở lại chăm sóc bố mẹ.
Đến 24 tháng Chạp, mẹ tôi phải phẫu thuật, tôi xin nghỉ phép để về quê. Mẹ được xuất viện sau đó vài ngày, nhưng tôi quyết định ở lại ăn Tết để tiện chăm sóc và cho bà vui vẻ. Hai đứa trẻ và bố nó ăn Tết với ông bà nội.
Ngồi lại nói chuyện với nhau sau cái Tết đó, vợ chồng tôi nhận ra với hoàn cảnh nhà mình, việc nghỉ lễ hay ăn Tết ở đâu cần xét theo khía cạnh thực tế hơn là chuyện so bì hơn thua.
Bố mẹ già yếu, chúng tôi có thể chia ra để ở bên các cụ, để ai cũng được hưởng niềm vui có con cái ở bên.
Tất nhiên, thỏa thuận này cũng được thực hiện một cách mềm dẻo. Chẳng hạn kỳ nghỉ 30/4-1/5 năm ngoái, chúng tôi mua vé máy bay và chi tiền khách sạn cho cô Út đưa ông bà nội đi du lịch, còn gia đình nhỏ của tôi về nhà ngoại.
Quê nội gần nên khi con cái nghỉ hè, hai vợ chồng xin nghỉ phép một vài ngày, kết hợp kỳ nghỉ cuối tuần để đưa con về. Sau đó, bọn trẻ tiếp tục ở lại chơi với ông bà, chúng tôi về lại Hà Nội làm việc.
Tết năm nay tôi mang con gái lớn về ngoại. “Quê ai nấy về” không phải là so bì theo kiểu không ai chịu ai, đơn giản là bố mẹ đã già yếu, tôi cần tranh thủ ở bên hai cụ càng nhiều càng tốt, nhất là vào những dịp người già mong con cháu nhất là Tết cổ truyền.
Trước Tết tôi tranh thủ về thăm bố mẹ chồng, sắm sửa cho hai cụ. Bố mẹ chồng tôi đều rất thông cảm, thậm chí còn gửi quà cho thông gia.
Tôi cho rằng vấn đề ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại, nếu thực sự biết nghĩ cho nhau thì mọi chuyện sẽ êm thấm.
Theo VTC