Đó là câu chuyện về cô bé Nguyễn Khánh Thư (sinh năm 2013, hiện đang sống tại TP. Vinh, Nghệ An). Hiện tại Thư đang là học sinh lớp 4 nhưng cô bé đã bộc lộ năng khiếu sáng tác truyện theo cách của riêng bản thân mình ngay từ khi mới 6 tuổi.
Đầu năm 2020, Khánh Thư bắt đầu bước vào lớp 1. Để giúp con học tốt và viết đẹp hơn, bố của Thư là anh Nguyễn Chí Hiền đã chỉ vào một vài cuốn sách nhỏ, bảo bé chép lại một đoạn nào đó. Thế nhưng, cô bé Khánh Thư không thích như vậy, con nói rằng muốn tự viết theo cách của bản thân. Và sau đó, những gì Thư viết khiến cả nhà đều ngỡ ngàng. Với một cô bé mới học chữ được vài tháng, chưa biết ngắt câu, xuống dòng, chấm phẩy... thì để viết ra những dòng chữ này quả thực rất đáng khen.
Những mẩu truyện mà Khánh Thư tự nghĩ, tự viết.
Nhiều người tò mò không biết gia đình của Khánh Thư đã rèn luyện em như thế nào. Bố của Thư tâm sự anh đã bắt đầu cho con học chữ khi 5 tuổi. Ban đầu, anh tự chỉ các chữ cái cho con bằng những cách đơn giản, và thật may mắn là chỉ sau vài tháng, Khánh Thư đã đọc rất thành thạo. Tuy nhiên, gia đình thống nhất không cho Thư viết sớm vì sợ tay bé còn non nớt, hơn nữa bố mẹ chưa có nhiều kinh nghiệm trọng việc rèn chữ cho bé.
Thông thường, 1 đứa trẻ hết lớp 1 sẽ đọc viết thành thạo nhưng phải mất đến vài năm sau đó để con có thể hiểu và bắt đầu làm quen với việc "làm văn". Thế nhưng cô bé Khánh Thư sau khi biết chữ đã bắt đầu chăm chú đọc sách, biểu lộ cảm xúc rõ ràng và thấu hiểu những gì mình đọc.
Bí kíp gia đình áp dụng để hướng dẫn con gái
1. Rèn cho bé tính độc lập
Giúp bé tự học, tự suy nghĩ, khơi gợi cho bé. Cố gắng nhìn ra những năng khiếu của bé và dẫn dắt, hỗ trợ con.
2. Kiên trì giải thích cho con
- Sử dụng phương pháp không tốn kém nhưng rất hiệu quả, là khi bé hỏi cha mẹ điều gì thì cố gắng phải giải thích thật kiên nhẫn, cặn kẽ và hợp lý nhất cho bé.
"Không phải tự dưng mà đứa trẻ đặt ra những câu hỏi. Đứa bé và những câu hỏi trong đầu sẽ có logic của chúng. Thế nên mình cho rằng nếu cha mẹ trả lời hợp lý nhất các câu hỏi của trẻ con, thì dần dần sẽ tạo được nền móng sâu trong đầu trẻ, điều này nhà trường hay thầy cô giỏi cũng không thể nào thay thế được. Không ép buộc mà cố gắng nhẫn nại, nương theo sở thích và khả năng của con", anh Hiền chia sẻ thêm.
Thời gian đầu, cô bé viết còn xoá nhiều, chưa rõ ràng nhưng càng ngày càng tiến bộ.
3. Khuyến khích con phát triển khả năng
- Khi biết con thích viết, gia đình khuyến khích bé viết nhiều hơn. "Sau khi con xem xong một quyển truyện hoặc bộ phim hay, mình khuyến khích con kể lại, viết lại bằng suy nghĩ của bản thân. Con có thể đúc rút, tóm tắt hoặc kể lại 1 chi tiết nào mà con thích nhất.
Không chỉ truyện, phim mà bất kì những điều gì con gặp trong cuộc sống, hãy thử tưởng tượng và sáng tạo để viết ra theo ý hiểu của mình. Khánh Thư là một cô bé thông minh ngầm, con nắm bắt mọi thứ rất nhanh chóng theo cách riêng biệt của bé. Bên cạnh đó, Thư cũng học hỏi để viết ra các câu chuyện ngắn rất gọn gàng sâu sắc mà thậm chí người lớn chưa chắc làm nổi", bố Thư tâm sự.
Dù chưa được dạy bài bản nhưng cô bé đã có thể viết những đoạn văn dài.
4. Dành thời gian kể chuyện cho con nghe
Từ lúc nhỏ, các con của anh Hiền đã được bố kể cho nghe rất nhiều câu chuyện. Anh cố gắng kể sao thật chi tiết, diễn cảm để hấp dẫn các con. Ban đầu là những mẩu truyện ngắn, sau đó dài hơn.
"Mình cố gắng kể sao cho con dễ hiểu, lồng ghép thật tự nhiên những ý nghĩa giáo dục trong câu chuyện cho bé. Dần dần mình để bé tham gia vào câu chuyện bằng cách để con tự đặt tên nhân vật, chọn nội dung bối cảnh, nghĩ các tình tiết phát triển câu chuyện, bố kể một đoạn và để con tự nghĩ để kể tiếp...
Hai chị em Khánh Thư rất thích trò chơi kể chuyện này, và chúng ham thích đến nỗi từ lúc biết nói đến lúc 7, 8 tuổi hầu như đêm nào cũng đòi nghe kể chuyện. Bây giờ cũng vậy, nhưng chỉ vào mùa hè rảnh rỗi, các mùa khác không còn có thời gian nữa", anh Hiền tâm sự.
5. Dành thời gian để con được nghỉ ngơi, vận động cơ thể
"Khả năng viết của bé tăng lên nhanh chóng, bé có thể tự viết truyện ngắn mà mình cũng cảm thấy sắc nét và kỳ lạ. Chỉ tiếc rằng thời gian đi học chiếm quá nhiều, cả ngày học ở trường rồi bài tập về nhà khiến con còn bận hơn người lớn. Mình không dám bảo cháu ngồi viết, để dành chút thời gian ít ỏi cho cháu nghỉ ngơi và vận động cơ thể. Thường là vào dịp hè, rảnh được đôi chút, lúc đó bé mới hay ngồi viết hơn", bố Khánh Thư nói.
Không thể phủ nhận cô bé có năng khiếu và đã bộc lộ điều này từ sớm, tuy nhiên phương pháp giáo dục của gia đình cũng không kém phần quan trọng. Ngoài việc có thể tự viết ra những mẩu truyện ngắn, Thư còn rất yêu thích các tác phẩm kinh điển và thường xuyên yêu cầu bố kể cho nghe.
Cô bé Khánh Thư đáng yêu.
"Ngoài viết truyện thì Khánh Thư vẽ cũng rất đẹp, có lẽ bởi văn chương và hội họa thường đi kèm với nhau. Các môn ở trường như Toán, tiếng Anh... cũng rất tốt. Có điều dù Khánh Thư học giỏi đều các môn, là học sinh đạt danh hiệu xuất sắc, nhưng bề ngoài không tỏ ra nổi trội vì Khánh Thư hơi khép kín, không thể hiện mình, không tỏ ra ganh đua với bạn bè và ít phát biểu. Ở nhà với cha mẹ, chị và em, thì luôn vui vẻ nói năng khôn ngoan như bà cụ. Nhưng đến chỗ đông người, đến lớp thì lại rất ít nói... Và cũng buồn cười, có vẻ như con cũng thấy được khuyết điểm của mình, nhưng có cái gì đó chưa tự vượt qua được, nên cứ viết rất nhiều về các câu chuyện vượt qua những thử thách tinh thần.
Khánh Thư cùng gia đình nhỏ của em và khoảnh khắc bố hướng dẫn con gái viết bài.
Mới 9 tuổi nhưng con gái thường hay hỏi về các tác giả nổi tiếng Việt Nam và thế giới như là Nguyễn Du, Victo Hugo, Hemingway, Shakespeare... Và đặc biệt rất muốn mua các tác phẩm nổi tiếng của họ, như là Truyện Kiều, Những người khốn khổ, Chuông nguyện hồn ai, Romeo và Juliet, Đồi gió hú, Cuốn theo chiều gió, Chiến tranh và hòa bình... Mình không dám mua những cuốn đó cho bé, vì đó là sách hợp với tâm lý của người lớn, chúng quá phức tạp sợ bé không hiểu nổi. Và quan trọng là chúng thường được xây dựng bằng rất nhiều các bi kịch, nỗi buồn, sự ngang trái, sợ rằng một đứa bé đọc sẽ bị ám ảnh", anh Hiền kể về con gái nhỏ.
Nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ với khả năng của bé Khánh Thư, hy vọng trong tương lai cô bé sẽ phát huy thêm năng lực của mình.