Con tôi vốn là một đứa trẻ thông minh, thành tích học tập luôn nằm trong top đầu của lớp. Để phát huy được thế mạnh của bản thân, cũng như nhắc con không được ngủ quên trên chiến thắng nên tôi không tiếc tiền của, công sức thời gian cho con đi học phụ đạo, học thêm.
Tôi cứ tưởng với sự hy sinh của mình và nỗ lực của con thành tích sẽ được cải thiện. Thật chẳng ngờ kết quả điểm không những không tăng mà lại còn xuống thấp đến không ngờ.
Sự xấu hổ của tôi càng tăng lên khi đâu đâu cũng thấy người ta khoe con thi giữa kỳ được điểm 9, điểm 10.
Từ bạn bè, đồng nghiệp cho đến hàng xóm, ngay khi trường công bố kết quả điểm, trên mạng xã hội của tôi tràn ngập những bài đăng khoe điểm của con trá hình dưới dạng động viên, ghi nhận thành tích của con. Tôi đã cố phớt lờ những bài như vậy thế nhưng không thể tránh được lúc gặp mặt ngoài đời.
Từ ngày biết điểm của con, tôi xấu hổ không dám ra khỏi nhà.
Thấy tôi không có động tĩnh gì trên mạng như những lần có kết quả thi trước, nhiều người hỏi điểm thi của con tôi. Chưa bao giờ tôi sợ những câu hỏi về điểm của con mình đến vậy.
Những lúc bị hỏi điểm, tôi phải cố nở một nụ cười hết sức gượng gạo và khéo léo chuyển sang đề tài khác tránh để mọi người biết con tôi chỉ thi được có 6 điểm Toán và tiếng Anh, 7 điểm Văn.
Thế nhưng “giấy không gói được lửa” hàng xóm có con học cùng lớp với con tôi làm cái tin động trời đó lan khắp cả tầng chung cư.
Mỗi lần đi ra ngoài đường tôi cứ có cảm giác mọi người đang chỉ xì xào về điểm số của con mình nên càng bực hơn với con. Trong nỗi thất vọng đó còn cả sự lo lắng và tiếc nuối.
Sinh ra trong gia đình không mấy khả giả, để có được cuộc sống đủ ăn đủ mặc như ngày hôm nay tôi đã phải học hành chăm chỉ không dám lơ là, chểnh mảng một phút giây nào.
Tôi tin chỉ có học tập mới là con đường duy nhất để mở ra tương lai tươi sáng hơn, nên khi biết con thi các môn quan trọng giữa kỳ chỉ được 6 - 7 điểm làm tôi lo lắng.
Toán, Văn là một trong những môn quan trọng trong kỳ thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT, nhưng mới chỉ đề thi giữa kỳ, một dạng đề mang tính chất kiểm tra kiến thức từng học từ đầu năm đã đủ sức “hạ gục” con tôi thế này thì những kỳ thi căng thẳng, cam go phía trước làm sao con tôi có thể vượt qua.
Giấc mơ thi vào lớp 10 trường chuyên, vào Đại học Ngoại Thương, Bách Khoa làm sao mà con tôi có thể đạt được đây.
6 điểm kỳ thi giữa kỳ của con như đòn đánh tâm lý mạnh với tôi. Trước đó tôi vẫn luôn tự tin rằng chỉ cần chăm chỉ học thêm ở những trung tâm tốt, giáo viên có tiếng thì thành tích của con chắc chắn sẽ được nâng lên.
Tôi đã phải căn ke lịch học ở trường để có thể đăng ký cho con học thêm nhiều môn nhất có thể. Tôi quan niệm rằng học càng nhiều càng tốt, “không bổ ngang thì cũng bổ dọc” bởi kiến thức có bao giờ là thừa.
Mỗi tháng vợ chồng tôi phải bỏ ra số tiền lên đến cả chục triệu đồng để đầu tư cho việc học hành của con. Ngoài vấn đề tiền nong còn cả công sức của hai mẹ con tôi đổ ra không biết kể sao cho hết.
Tôi đưa đón, đồng hành với con không ngày nào ngơi nghỉ, kể cả khi ốm, mệt, chồng bận đi công tác tôi vẫn cố gắng để đưa con đến chỗ học thêm được đúng giờ không để con phải nghỉ học.
Có nhiều người bảo tôi o ép con học nhiều đánh mất tuổi thơ của con. Con tôi đẻ ra, tôi yêu, tôi xót chứ, những gì có thể làm được cho con tôi không hề tiếc bất cứ thứ gì.
Các bạn đồng chăng lứa đứa nào cũng lăn ra để học, nếu chểnh mảng lơ là ra là tụt lại phía sau ngay. Thực tế chỉ ra con tôi chưa đủ chăm chỉ nên kỳ thi vừa rồi bạn bè được 9, 10 điểm trong khi con chỉ được 6, 7.
Con tôi mấy ngày nay thấy mẹ mắng nhiều nên cũng biết tự giác hơn, đèn phòng cũng tắt muộn hơn mọi ngày. Tôi biết thằng bé cũng buồn nhiều khi kết quả không như ý.
Nhìn con gầy vì thức khuya tôi xót vô cùng nhưng quả thật tôi không thể kiềm chế được cảm xúc của mình khi nghĩ về điểm số của con.
Để kết quả của kỳ thi cuối kỳ không rơi vào vết xe đổ như lần này tôi đang nghiên cứu để đổi chỗ học thêm cho con. Dù có khó khăn thế nào tôi cũng quyết đồng hành cùng con trong hành trình đầy cam go, thử thách này.
Theo VTC News