Người dân tuyệt đối không làm điều này khi mua sắm trong đợt giảm giá Black Friday
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người mua hàng tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân, mua sắm trả trước khi chưa xác thực được tính chính thống của trang web bán hàng. Đời sống & Pháp luật hôm nay đưa tin.
Theo đó, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, lợi dụng thời điểm ngày hội mua sắm Black Friday cận kề diễn ra, các đối tượng xấu sẽ chủ động tiếp cận nạn nhân thông qua tin nhắn Email và các trang web giả mạo, dụ dỗ nạn nhân đặt mua các sản phẩm với mức giá ưu đãi nhằm chiếm đoạt thông tin và tài sản.
Một trong những phương thức tiếp cận được các đối tượng sử dụng đó là thông qua tin nhắn Email. Theo đó, các đối tượng sẽ chủ động gửi tới nạn nhân những tin nhắn với địa chỉ giả mạo các sàn thương mại điện tử có tiếng như Shopee, Tiki, Lazada, Amazon,... mời chào mua sắm các mặt hàng phổ biến với mức giá vô cùng ưu đãi thông qua đường link dẫn tới trang web giả mạo.
Bên cạnh đó, lợi dụng tính năng phân tích dữ liệu người dùng của các nền tảng mạng xã hội, các đối tượng có thể dễ dàng tiếp cận nạn nhân thông qua các quảng cáo về những sản phẩm mà nạn nhân đang có nhu cầu mua và tìm hiểu.
Với sự giúp đỡ của trí tuệ nhân tạo, các đối tượng có thể dễ dàng tạo lập các trang web giả mạo, dụ dỗ nạn nhân truy cập và cung cấp các thông tin cá nhân, thậm chí là đặt mua các sản phẩm với phương thức thanh toán trả trước.
Người dân cần đặc biệt cảnh giác, tránh "sập bẫy" lừa đảo trong ngày hội mua sắm Black Friday.
Trước diễn biến của các hành vi lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trong quá trình mua sắm trực tuyến.
Cẩn thận kiểm tra địa chỉ Email, đường dẫn URL, so sánh và đối chiếu thông qua các kênh thông tin uy tín và chính thống. Thông thường, các đường dẫn hoặc địa chỉ giả mạo sẽ chứa đựng ký tự và tên miền lạ, không có chứng chỉ SSL hoặc trước khi truy cập sẽ có cảnh báo từ trình duyệt.
Tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân, thực hiện mua sắm trả trước khi chưa xác thực được tính chính thống của trang web.
Khi phát hiện thấy có dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với các cơ quan an ninh có thẩm quyền để tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Từ ngày 1/1/2025, cấm ngân hàng tự ý gửi tin nhắn chứa đường link tới khách hàng
Hình ảnh một ngân hàng bị các đối tượng hack gửi tin nhắn Brand Name. (Ảnh: Công an Nhân dân)
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã ban hành Thông tư 50/2024/TT-NHNN (Thông tư 50) quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng. Thông tư trên hiệu lực kể từ đầu năm 2025. Nhịp sống Thị trường đưa tin.
Trong đó, Khoản 3, Điều 17, Mục 4 quy định ngân hàng không gửi tin nhắn SMS, thư điện tử cho khách hàng có nội dung chứa đường dẫn liên kết (hyperlink) truy cập các trang tin điện tử, trừ trường hợp theo yêu cầu của khách hàng.
Quy định trên được ban hành trong bối cảnh nhiều người dân bị các đối tượng phạm tội dùng thủ đoạn giả mạo tin nhắn thương hiệu ngân hàng để chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn. Trong đó, các đối tượng thông qua các kênh truyền thông phổ biến như mạng xã hội (Facebook, Zalo…), SMS, email, điện thoại tìm cách để dẫn dụ khách hàng truy cập các đường link giả mạo ngân hàng nhằm chiếm đoạt thông tin bảo mật của ứng dụng ngân hàng điện tử (như: Tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP…).
Vì vậy, việc yêu cầu ngân hàng không được tự ý gửi tin nhắn, email chứa đường link có thể phần nào giúp khách hàng nhận diện được những tin nhắn lừa đảo.
Ngoài yêu cầu trên, Thông tư 50 cũng đề cập đến nhiều nội dung về an toàn, bảo mật khác. Đơn cử, ứng dụng ngân hàng điện tử sẽ không cho phép chức năng ghi nhớ mật khẩu. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần có giải pháp phòng, chống, phát hiện các hành vi can thiệp trái phép vào ứng dụng Mobile Banking đã cài đặt trong thiết bị di động của khách hàng.
Thông tư cũng quy định ngân hàng phải đăng ký và quản lý ứng dụng Mobile Banking trên kho ứng dụng chính thức, hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng từ nguồn tin cậy,...
4 bị cáo lĩnh án trong vụ trẻ 5 tuổi tử vong vì bỏ quên trên xe ô tô ở Thái Bình
TAND TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình) đã mở phiên toà xét xử và tuyên phạt án 4 bị cáo trong vụ trẻ mầm non 5 tuổi tử vong do bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón của Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2, về tội "Vô ý làm chết người" theo Điều 128, Bộ luật Hình sự. Tiền Phong online hôm nay đưa tin.
Sau quá trình xét xử , HĐXX, TAND TP Thái Bình đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Lâm (SN 1965, trú TP Thái Bình), lái xe đưa đón của Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2, mức án 1 năm 9 tháng tù; bị cáo Phương Quỳnh Anh (SN 1986, trú TP Thái Bình), nhân viên của Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2, bị tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù, cùng về tội "Vô ý làm chết người".
Chiếc xe ô tô, tang vật vụ án.
Ngoài ra, hai giáo viên phụ trách lớp có học sinh tử vong, gồm Đoàn Thị Nhâm (SN 1998) và Nguyễn Thị Phương (SN 1966) cùng trú tại TP Thái Bình, bị tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cáo trạng, vào sáng 29/5/2024, bị cáo Nguyễn Văn Lâm điều khiển xe ô tô 29 chỗ đưa đón 10 trẻ em, trong đó có cháu T.G.H. (SN 2019, trú tại huyện Vũ Thư) cùng 9 học sinh khác đến trường. Sau khi các học sinh vào lớp, bị cáo Lâm đã rời trường và quay lại xe ô tô. Tuy nhiên, cháu H. bị bỏ quên trên xe. Các giáo viên phụ trách lớp, mặc dù đã điểm danh học sinh, nhưng không thông báo về sự vắng mặt của cháu H. Đến chiều cùng ngày, cậu ruột của cháu bé đến đón và phát hiện cháu H. đã tử vong do bị bỏ quên trên xe.
Về trách nhiệm dân sự, Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 cùng ba nhân viên và giáo viên đã tự nguyện bồi thường cho gia đình cháu bé số tiền 1 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn số tiền này do nhà trường chịu trách nhiệm, còn ba giáo viên và nhân viên đóng góp một phần nhỏ.
Theo nhận định của HĐXX, mặc dù các bị cáo không có động cơ xấu, nhưng việc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý học sinh và không kiểm tra kỹ lưỡng trước khi rời khỏi xe đã dẫn đến hậu quả đau lòng. Tòa án cũng khẳng định, vụ án này là lời cảnh tỉnh cho các cơ sở giáo dục và những người làm công tác đưa đón học sinh, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình đảm bảo an toàn cho trẻ.
Ca tử vong do bạch hầu ở Cao Bằng, chưa phát hiện được nguồn lây
Báo cáo với đoàn công tác của Bộ Y tế đến giám sát hỗ trợ, điều tra dịch tễ tình hình bệnh bạch hầu tại xã Thạch Lâm, lãnh đạo TTYT huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện chưa xác định được nguồn lây của ca bệnh. Báo Sức khỏe & Đời sống hôm nay đưa tin.
Theo đó, ngay sau khi ghi nhận 1 ca tử vong do bạch hầu tại Cao Bằng, đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm trưởng đoàn đã đến giám sát hỗ trợ, điều tra dịch tễ tình hình bệnh bạch hầu tại xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.
Tham gia đoàn công tác của Bộ Y tế còn có đại diện Cục YTDP; Cục Quản lý Khám chữa bệnh; BV Nhi Trung Ương; Khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trao đổi, cập nhật kiến thức mới về bệnh bạch hầu cho cán bộ y tế Cao Bằng.
Báo cáo của TTYT huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng cho biết, hộ gia đình có ca bệnh tử vong ở xóm Khau Noong, xã Thạch Lâm, nằm biệt lập trên một quả đồi cách xa các hộ gia đình khác. Gia đình gồm 8 người sinh sống, hiện tại chưa ai có dấu hiệu triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Tổng số trường hợp tiếp xúc gần bước đầu được xác định 19 người (trong đó tại trường học 11 người, tại gia định bệnh nhân là 8 người).
TTYT huyện Bảo Lâm đã báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng tiến hành xác minh và lập danh sách các đối tượng có nguy cơ cao do tiếp xúc gần, phối hợp triển khai phun khử khuẩn trong và xung quanh nhà, điểm trường mầm non và tiểu học bằng Cloramin B nơi bệnh nhân sinh sống, học tập và điều trị; trực tiếp giám sát tại thực địa, thực hiện việc lấy mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc gần với bệnh nhân; cử đội đáp ứng nhanh xuống hỗ trợ Trạm Y tế xã Thạch Lâm thực hiện giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm các ca nghi ngờ, hướng dẫn sử dụng kháng sinh dự phòng.
Hiện nay, chưa xác định được nguồn lây của ca bệnh, vì vậy, địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn, việc điều trị dự phòng bằng kháng sinh còn gặp nhiều khó khăn do các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh đều ở các xóm vùng cao, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn chủ yếu là đi bộ.
TPHCM hạn chế lưu thông 2 tuyến đường trung tâm trong 15 ngày
Sở GTVT TPHCM vừa có thông báo sẽ điều chỉnh tổ chức giao thông trên đường Lê Lợi trong nhiều ngày để phục vụ tổ chức Giải vô địch Teqball thế giới năm 2024. VietnamNet đưa tin.
Đường Lê Lợi, quận 1, TPHCM. Ảnh: Tuấn Kiệt.
Cụ thể, từ 25/11 đến 9/12, cấm các phương tiện lưu thông vào phần đường dành cho ô tô trên đường Lê Lợi (đoạn từ Nguyễn Huệ đến Pasteur).
Lộ trình thay thế là các loại ô tô lưu thông vào phần làn xe hỗn hợp trên đường Lê Lợi.
Từ 17h đến 23h30 các ngày 3-6/12 sẽ hạn chế các phương tiện lưu thông trên làn xe hỗn hợp trên đường Lê Lợi, cũng đoạn đường trên và đường Nguyễn Huệ (đoạn từ Lê Thánh Tôn đến Tôn Đức Thắng).
Sở GTVT TP lưu ý người điều khiển phương tiện giao thông phải chấp hành theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và hệ thống báo hiệu đường bộ.
Đổi bằng lái xe quốc tế bằng hình thức trực tuyến
Những người có nhu cầu đổi GPLX quốc tế có thể đăng ký trực tuyến, ngồi nhà chờ kết quả. Đây là mô hình dịch vụ công (trực tuyến) mức độ 4 được áp dụng cho hình thức đổi GPLX quốc tế. Thông tin hướng dẫn trên An Ninh Thủ Đô.
Người có nhu cầu cấp GPLX quốc tế đã có thể đăng ký, khai báo trên trang thông tin điện tử: www.drvn.gov.vn và www.dichvucong.gplx.gov.vn:8000. Theo Cục Đường bộ Việt Nam, quy trình đăng ký dịch vụ công mức độ 4 cấp GPLX quốc tế gồm 4 bước như sau:
Bước 1: Khai báo thông tin hồ sơ trực tuyến và đăng ký địa chỉ nhận chuyển phát sau khi có kết quả GPLX quốc tế;
Bước 2: Thực hiện thanh toán trực tuyến phí và lệ phí qua cổng thanh toán trực tuyến thành công;
Bước 3: Nhận kết quả thông báo kết quả xác nhận hồ sơ qua địa chỉ hòm thư đã đăng ký;
Bước 4: Nếu hồ sơ hợp lệ sẽ được nhận kết quả chuyển phát GPLX quốc tế tại địa chỉ đã đăng ký.
Người dân có nhu cầu cấp, đổi bằng lái xe quốc tế chỉ việc ngồi nhà bấm điện thoại để thực hiện thao tác trên dịch vụ công quốc gia.
Để thực hiện quy trình này, cán bộ nghiệp vụ có trách nhiệm kiểm tra sơ bộ hồ sơ, thông báo lại cho người dân kết quả qua hộp thư điện tử để được trả GPLX quốc tế tại địa chỉ đã đăng ký. Khi vào trang thông tin điện tử này, người dân sẽ được hướng dẫn cách thức đăng ký, khai báo thông tin.
Điều kiện để người có nhu cầu thực hiện dịch vụ công mức độ 4 cấp GPLX quốc tế gồm: Có GPLX bằng vật liệu PET còn giá trị sử dụng và có trong cơ sở dữ liệu GPLX toàn quốc; chuẩn bị file dữ liệu gồm: Ảnh chụp mặt trước GPLX PET, ảnh chụp hộ chiếu (trang có ảnh và nơi sinh) và ảnh chân dung có nền xanh hoặc trắng; có tài khoản ngân hàng để thanh toán trực tuyến.