Trẻ 6 tuổi đã có kinh nguyệt do dậy thì sớm
Hiện nay, vấn đề dậy thì sớm đang được rất nhiều phụ huynh quan tâm, đa phần bố mẹ lo sợ nếu con phát triển sớm sẽ ảnh hưởng đến chiều cao, tâm lý và học tập. Theo các chuyên gia, những lo lắng trên của phụ huynh hoàn toàn có cơ sở, bởi tỉ lệ trẻ dậy thì sớm đang ngày càng có dấu hiệu gia tăng.
Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi trung ương, từ tháng 9/2017 đến tháng 4/2021, bệnh viện này ghi nhận có 694 bệnh nhi dậy thì sớm đến khám, bao gồm 21 bé trai, còn lại là trẻ gái. Trong khi đó, giai đoạn 1991 - 1995 chỉ ghi nhận có 14 bệnh nhi dậy thì sớm.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số trẻ dậy thì sớm đến bệnh viện khám tăng gấp đôi. Trước đây mỗi tháng chỉ khoảng 20-30 ca dậy thì sớm có chỉ định điều trị, nay khoảng 50-60 ca, mỗi năm bệnh viện có khoảng 600-700 trẻ dậy thì sớm đến khám.
BS Trần Văn Lưu - Khoa Nội Tiết Sinh Sản, Bệnh viện Nội Tiết cho biết, trẻ được coi là dậy thì sớm khi bé gái có biểu hiện dậy thì trước 8 tuổi, bé trai biểu hiện dậy thì trước 9 tuổi.
Bác sĩ BV Nhi đang tư vấn cho một trường hợp dậy thì sớm (Ảnh. Lê Phương)
Thực tế thăm khám, bác sĩ Lưu từng gặp trường hợp trẻ 6 tuổi đã có kinh nguyệt, đến viện khám được chẩn đoán bị dậy thì sớm. Đó là một bé gái có cơ thể gầy gò, ngực chưa phát triển nhưng lại có kinh nguyệt, bố mẹ lo lắng nên đưa con đi khám. Tại bệnh viện, bác sĩ xác định nguyên nhân trẻ dậy thì sớm là do ngoại biên, không có khối u ở não. Từ kết quả chẩn đoán đó, cháu bé được điều trị và chấm dứt hiện tượng kinh nguyệt.
"Với trường hợp này, việc có kinh nguyệt là triệu chứng báo hiệu hoàn thiện dậy thì ở bé gái. May mắn, gia đình đã đưa đi khám sớm, trẻ được can thiệp kịp thời nên không ảnh hưởng đến tâm lý, việc học hành", bác sĩ Lưu cho hay.
Dậy thì sớm ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển và tâm lý của trẻ
Trẻ dậy thì sớm nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển cả về thể chất và tâm lý của trẻ. Cụ thể, khi trẻ dậy thì sớm, tuổi xương cũng phát triển theo và cốt hóa sớm, ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ sau này.
Do vậy, với trẻ được chẩn đoán dậy thì sớm, tùy nguyên nhân các bác sĩ sẽ có phương án điều trị hợp lý. Theo đó, trẻ có thể sử dụng thuốc nội tiết để ức chế quá trình dậy thì, kết hợp với điều trị tâm lý để trẻ tránh sợ hãi, tự ti, lo âu, tò mò…
Bác sĩ BV Nhi Trung ương kiểm tra phim chụp xương cổ, bàn tay của trẻ để xác định tuổi xương (Ảnh: Lê Phương)
TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết với trẻ nhỏ, việc phát triển toàn diện hình thể và nhận thức rất quan trọng. Trường hợp trẻ dậy thì sớm, có ngoại hình phát triển nhưng kiến thức xã hội chưa có dễ bị lạm dụng, điều này rất nguy hiểm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của trẻ.
"Không chỉ với trẻ dậy thì sớm, ngay cả dậy thì đúng tuổi thì việc giáo dục giới tính, cập nhật kiến thức xã hội, thậm chí nên đi gặp chuyên gia, bác sĩ tâm lý khi có dấu hiệu bất thường rất quan trọng. Việc này nhằm giúp định hướng cho trẻ đi đúng đường, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, nhất là vấn đề tình cảm, tình dục", bác sĩ Minh Loan nhấn mạnh.
Phát hiện trẻ dậy thì sớm không khó
TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh - trưởng khoa thận, nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, trong xã hội hiện đại, tuổi dậy thì sớm hơn. Tuy nhiên, nếu phát hiện trẻ có các biểu hiện dưới đây (trước 9 tuổi với bé trai, trước 8 tuổi với bé gái) nên đưa đi khám đúng chuyên khoa, để có biện pháp can thiệp kịp thời:
- Biểu hiện ở bé trai bao gồm phát triển chiều cao nhanh, mọc lông mu, phát triển mùi cơ thể, thay đổi giọng nói, tăng khối lượng cơ, tinh hoàn và dương vật phát triển nhanh… Dậy thì ở bé trai đánh dấu bằng lần xuất tinh đầu tiên.
- Biểu hiện ở các bé gái phổ biến nhất là tuyến vú phát triển, tăng dịch tiết âm đạo. Bé gái được đánh giá hoàn thiện về dậy thì ở lần kinh nguyệt đầu tiên.
Thức ăn nhanh sẽ khiến trẻ dễ bị béo phì, từ đó dẫn tới nguy cơ bị dậy thì sớm (Ảnh minh họa)
Về nguyên nhân dậy thì sớm đã được chỉ ra là do các bệnh lý và các yếu tố tới từ đời sống hàng ngày. Đó là các chất gây rối loạn nhân tạo như thuốc hóa chất bảo vệ thực vật, chất trong các sản phẩm nhựa BPA, phthalate.
Ngoài ra, bác sĩ Vũ Quỳnh cũng cho biết trẻ béo phì có nguy cơ dậy thì sớm rất lớn. Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, béo phì chiếm hơn 50% số trẻ dậy thì sớm. Đây là nguyên nhân được chứng minh rõ ràng. Khi trẻ béo phì, mô mỡ tiết ra leptin làm cho trục hạ đồi tuyến yên, tuyến sinh dục tiết ra sớm kích thích gây dậy thì sớm.
Vì vậy, phụ huynh nên hạn chế cho trẻ sử dụng đồ nhựa không đảm bảo, phòng trẻ béo phì thừa cân từ sớm. Hạn chế trẻ ăn thức ăn nhanh, đồ ăn thừa năng lượng, cho trẻ luyện tập thể thao phù hợp.