Bà Lưu, một goá phụ ở Trung Quốc, đã còm cõi nuôi con một mình sau khi chồng qua đời vì tai nạn cách đây 30 năm. Bà quyết định không đi bước nữa để nuôi con khôn lớn, bởi thế cậu con trai vô tình trở thành điểm tựa tinh thần duy nhất của bà Lưu.
Mỗi ngày đi làm về bà đều ôm con vào lòng than thở: "Cuộc sống này thật không dễ dàng gì, nào là học phí, rồi tiền sinh hoạt của con. Tương lai, nhất định con không được phụ lòng, để mẹ buồn đâu nhé. Mẹ đã hy sinh rất nhiều cho con đó".
Đáp lại sự kỳ vọng của mẹ, cậu con trai từ bé đến lớn rất hiếu thuận, ngoan ngoãn, luôn ủng hộ mẹ mọi chuyện dù đúng hay sai. Rắc rối bắt đầu kéo đến khi con trai bà Lưu đến tuổi kết hôn. Đây là điều bà chưa bao giờ nghĩ tới, coi con trai là toàn bộ phần đời còn lại nên bà không nghĩ con trai sẽ lấy vợ.
Bởi thế lúc con trai thông báo sẽ cưới bạn gái bà nghe như "sét đánh ngang tai". Bà tự nhủ: Con mình đã ra đi, không còn thuộc về mình nữa.
Sau khi kết hôn, bà Lưu yêu cầu gia đình con trai dọn đến sống chung để được gần con trai. Tuy nhiên, tình cảm con trai dành con dâu lại khiến bà cảm thấy khó chịu.
Thậm chí, bà đâm ra hận vì cho rằng con trai cưới vợ xong đã quên mất mẹ. Suy nghĩ mình bị bỏ rơi khiến bà không thể chịu đựng được. Từ đó, mỗi khi con dâu không ở nhà, bà Lưu lại ngồi than khóc với con trai, lôi những chuyện vất vả ngày xưa ra kể lại và nói mình thật đáng thương khi bị con ngó lơ.
Bị mẹ liên tục gieo rắc những suy nghĩ tiêu cực, con trai bà Lưu dần thay đổi thái độ với vợ. Chẳng bao lâu sau, anh bất ngờ đệ đơn ly hôn chỉ vì không muốn làm mẹ buồn thêm nữa.
Vợ anh vô cùng kinh ngạc. Cô không ngờ đằng sau một gia đình có vẻ hòa thuận lại là cách hành xử méo mó đến vậy. Nhìn thấy sự bất thường trong mối quan hệ giữa mẹ chồng và chồng, cô lập tức đồng ý ly hôn, chỉ muốn rời xa hai mẹ con này càng sớm càng tốt.
Để làm yên lòng mẹ, sau khi ly hôn, người con trai đã quyết định ở bên bà mà không lấy vợ nữa. Bà Lưu cuối cùng đã đạt được mục đích chiếm hữu con trai cho riêng mình.
Dấu hiệu mẹ chồng "ghen" với con dâu
- Mẹ chồng không tôn trọng giới hạn hay cuộc sống riêng tư của bạn dù bạn đã nhiều lần yêu cầu.
- Quá gắn bó, lệ thuộc cảm xúc vào chồng bạn. Bà luôn cố gắng để chiếm nhiều sự chú ý của chồng bạn nhất có thể bằng cách đóng vai nạn nhân.
- Cố gắng chi phối, kiểm soát chồng bạn, bắt chồng bạn phải làm theo ý bà. Mẹ chồng cố gắng kiểm soát cả gia đình bạn bằng cách đưa ra quyết định cho cả hai vợ chồng bạn.
- Cạnh tranh với bạn, đây là kiểu cạnh tranh rất không lành mạnh.
- Thường xuyên đóng vai nạn nhân để chiếm sự chú ý của chồng bạn.
- Luôn phàn nàn về bạn với chồng bạn.
- Thường xuyên có hành vi gây hấn thụ động (một dạng hành vi lặp đi lặp lại của việc biểu lộ cảm xúc tiêu cực một cách gián tiếp thay vì công khai giải quyết chúng), xúc phạm gia đình bạn và chỉ trích mọi hành động của bạn.
- Phớt lờ bạn trong các buổi họp mặt và tiệc tùng gia đình.
Cách xử lý khi mẹ chồng "ghen" với bạn
Gia đình không bao giờ nên có sự cạnh tranh. Dưới đây là một số việc bạn nên làm để giải quyết mâu thuẫn với mẹ chồng và bảo vệ hôn nhân.
Hiểu cảm xúc của mẹ chồng
Thay vì trả đũa hoặc chiến đấu với mẹ chồng, trước tiên bạn nên cố gắng hiểu điều gì đang gây ra mâu thuẫn giữa hai người.
Phụ nữ thường là những sinh vật tình cảm. Hãy cố gắng quan sát hành vi của mẹ chồng và tìm ra những tác nhân kích thích bà hành xử như vậy.
Một khi bạn hiểu những điều đó, bạn sẽ dễ dàng tiếp cận với mẹ chồng mình hơn.
Dành cho mẹ chồng sự chú ý
Tâm lý ghen tị của mẹ chồng nảy sinh từ sự bất an và nỗi sợ hãi đột ngột khi bị thay thế bởi một người vừa trở thành thành viên của gia đình. Bà lo sợ sẽ trở thành người ngoài trong cuộc sống của con trai mình.
Bạn cần hiểu những bất an này của mẹ chồng và dành cho bà sự chú ý. Thường xuyên gọi điện, nhắn tin hỏi thăm để mẹ chồng biết sự quan tâm của bạn. Thường xuyên tới tăm mẹ chồng cũng sẽ giúp bạn làm êm đẹp mối quan hệ.
Để mẹ chồng tham dự vào gia đình bạn
Chồng bạn chính là minh chứng cho sự giáo dục tốt của mẹ chồng. Hãy khiến mẹ chồng bạn cảm thấy đặc biệt. Đôi khi bạn có thể nhờ mẹ chồng tham gia những việc nhỏ, như lời khuyên về nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình.
Hãy nhờ mẹ chồng chia sẻ những công thức nấu ăn đặc biệt với bạn. Chúng sẽ khiến mẹ chồng có cảm tình với bạn hơn.
Ghi nhận tình cảm giữa mẹ chồng và chồng
Điều quan trọng nhất đối với một người mẹ là tình yêu của con mình. Một khi mẹ chồng bạn yên tâm về tình yêu của con trai dành cho bà, việc chấp nhận bạn trở nên dễ dàng hơn.
Hãy để mẹ chồng thấy rằng cuộc hôn nhân của bạn sẽ không cản trở mối quan hệ mẹ con của họ. Khi đó những nghi ngờ và sợ hãi của bà sẽ không còn nữa.
Giúp đỡ mẹ chồng chấp nhận sự thay đổi
Bạn không phải là người duy nhất có cuộc sống thay đổi sau khi kết hôn. Mẹ chồng của bạn cũng đang trải qua quá trình đó. Mọi thứ trong gia đình sẽ thay đổi và bà ấy không biết mình có thể giải quyết được không.
Là dâu mới, bạn sẽ được mọi người quan tâm, giúp đỡ chu đáo bất cứ điều gì bạn cần, nhưng không ai hiểu rằng mẹ chồng bạn cũng cần được an ủi và bảo đảm.
Theo Sức khỏe đời sống