9f48b555aa3fbbd8fbb0316653612625-17476418135891877895968-306-0-766-736-crop-17476418186141999496554-1747645106886-17476451071611716440916.jpg

Tôi luôn nghĩ rằng mình là một người phụ nữ may mắn. Tôi có công việc ổn định, thu nhập trung bình 40 triệu mỗi tháng, đủ để tự lo cho bản thân mà không cần phải mở lời xin chồng bất cứ thứ gì. Nhà cửa, tiền sinh hoạt, tiền học của con, tôi đều chia đều với chồng. Tôi tự hào vì điều đó, vì tôi không muốn trở thành gánh nặng của ai, kể cả người đàn ông mình yêu thương.

Thế nhưng, tôi đã lầm.

Em gái tôi năm nay vào đại học. Nhà không khá giả, ba mẹ đã vất vả lo cho nó suốt 12 năm đèn sách. Nó cần một chiếc máy tính để học, nhưng số tiền dành dụm vẫn thiếu. Tôi biết điều đó, nên khi nó ngập ngừng nhắn tin hỏi vay tạm 5 triệu, tôi không ngần ngại chuyển khoản ngay. Đối với tôi, đó không phải là "cho vay", mà là "cho đi" – một món quà động viên từ người chị dành cho đứa em đang cố gắng.

Tối hôm đó, trong lúc tôi đang tắm, không hiểu vì sao chồng tôi mò mẫm cái gì trên điện thoại của vợ rồi phát hiện ra tôi giao dịch 5 triệu trong tài khoản riêng của mình.

"Sao hôm nay em chuyển 5 triệu cho ai vậy?"

Tôi trả lời thật: "Em cho em gái mượn để mua máy tính. Nó mua phục vụ việc học của nó."

e82eea169a240eb7d0a694a822e128cd-17476417976571970370019-1747645107711-17476451128342012365405.jpg

Ngay lập tức, gương mặt anh ta biến sắc.

"Sao em không hỏi anh trước khi đưa tiền? 5 triệu không phải ít!".

Tôi sững người: "Nhưng đó là tiền của em, em không dùng tiền chung?".

"Dù là tiền của em, nhưng vợ chồng mình nên bàn bạc trước khi chi lớn chứ?".

Tôi cười khẩy. " Em không nghĩ 5 triệu là 'chi lớn' với thu nhập của em. Và em cũng không nghĩ mình cần phải xin phép để giúp đỡ gia đình mình."

Anh ta trợn mắt: "Gia đình? Gia đình em hay gia đình anh? Em đi lấy chồng rồi thì phải biết đâu mới là gia đình mình chứ!".

Tôi im lặng. Câu nói đó của anh ta như một nhát dao cứa vào lòng tự trọng của tôi.

Tôi chưa bao giờ ngăn cản anh ta giúp đỡ bố mẹ đẻ hay em ruột. Tôi luôn tôn trọng ranh giới gia đình hai bên. Nhưng khi tôi làm điều tương tự, tôi lại bị xem là "thiếu cân nhắc", là "ưu tiên nhà ngoại".

Tôi thở dài: "Anh có nhớ lần anh đưa 10 triệu cho mẹ anh sửa nhà mà không hỏi em không? Em đã từng phản đối chưa?".

Anh ta lảng tránh: "Đó là chuyện khác".

"Khác ở chỗ nào? Chỉ vì em là phụ nữ, nên mọi đồng tiền em kiếm được đều phải qua sự cho phép của anh à?"

Tôi tưởng rằng mình độc lập về tài chính thì sẽ không phải chịu cảnh "xin - cho" như bao người phụ nữ khác. Nhưng hóa ra, trong mắt chồng tôi thì tiền anh kiếm được là tiền của gia đình anh và tiên tôi kiếm được cũng là tiền của gia đình anh nốt! Mọi quyết định của tôi đều phải được anh ta "duyệt" trước.

Tôi cho em gái 5 triệu không phải vì tôi hoang phí. Tôi làm thế vì tôi hiểu giá trị của sự giúp đỡ. Nhưng dường như, chồng tôi chỉ coi tiền là thứ để "nắm giữ", chứ không phải để "sẻ chia".

Đêm đó, tôi trằn trọc. Tôi nhớ lại ngày xưa, khi yêu, anh ta từng nói: "Sau này em cứ thoải mái làm bất kỳ điều gì em muốn, anh sẽ không bao giờ kiểm soát em".

Giờ thì tôi đã hiểu – kiểm soát không phải lúc nào cũng là cấm đoán, mà đôi khi, nó nằm ở những ánh mắt khó chịu, những lời trách móc khi bạn dám dùng đồng tiền mình làm ra theo cách mình muốn mà không thuận theo ý của người nào đó.

Tôi vẫn sẽ tiếp tục tự chủ. Nhưng có lẽ, tôi cần phải suy nghĩ lại về hôn nhân này – một cuộc hôn nhân mà ở đó, sự "tự do" của tôi vẫn bị giới hạn bởi định kiến của một người đàn ông không bao giờ đặt tôi ngang hàng với anh ta.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022