6 cấp độ nhận thức được sắp xếp theo mức độ từ đơn giản đến phức tạp, bao gồm: Nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá và sáng tạo. Con trẻ độ tuổi lên 2 - 5 thì chỉ ở cấp độ tư duy đầu tiên, tức là nhớ. Sự nhớ của trẻ ở giai đoạn này hình thành chủ yếu do bắt chước. Chúng bắt chước một cách máy móc và rập khuôn để nạp dữ liệu cho cấp độ tư duy đầu tiên này. 

Đó chính là lý do vì sao trẻ học theo và bắt chước rất nhanh, từ cách chào hỏi, đi đứng, nói năng... từ những người xung quanh bé. Bởi vậy, cha mẹ chính là tấm gương đầu đời của con. Hành vi của cha mẹ được trẻ học theo và áp dụng trong đời sống, trở thành thói quen và ảnh hưởng đến tính cách trong tương lai. 

Cha mẹ có 3 thói xấu này khiến con cái dễ bắt chước, không sửa đổi sớm gây ảnh hưởng đến tính cách của trẻ khi trưởng thành:

1. Bố mẹ nghiện điện thoại

Nhiều phụ huynh có thói quen sử dụng điện thoại mọi thời gian. Khi ở công ty dùng để làm việc, trao đổi, lúc về nhà lại lướt mạng, giải trí. Nếu cha mẹ suốt ngày "dán mắt" vào điện thoại mọi lúc mọi nơi, thì con cái chắc chắn sẽ học theo. Chúng sẽ hình thành tư duy rằng tại sao cha mẹ dùng được mà bản thân lại không.

Cuộc sống bận rộn khiến các bậc phụ huynh ít có thời gian chơi cùng con. Trẻ sẽ cảm thấy cô đơn, có xu hướng giải tỏa cảm xúc bằng việc chơi game, xem video trên điện thoại. Ngoài ra nhiều phụ huynh còn tạo thói quen xấu cho trẻ bằng cách đưa điện thoại cho con nghịch để trẻ không làm loạn, ngồi ngoan 1 chỗ. Hành động này của cha mẹ vô tình khiến con ngày càng nghiện điện thoại. Do đó, ba mẹ càng phải dành thời gian quan tâm và chơi cùng trẻ. Đừng để các thiết bị điện tử trở thành người bạn duy nhất hay là "bảo mẫu" công nghệ số của trẻ.

Mặc dù công việc có thể cần sử dụng các thiết bị điện tử thường xuyên, nhưng ba mẹ cần phải hạn chế thói quen này để làm gương cho trẻ. Khi về nhà, ba mẹ hãy tạm gác điện thoại sang một bên, cho trẻ thời gian chất lượng thật sự.

Thời đại công nghệ chúng ta không thể cấm trẻ sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính bảng… Tuy nhiên nếu bố mẹ trở thành tấm gương xấu, nhiều trẻ bắt chước và rồi dành sự ham mê quá mức đối với các thiết bị điện tử, thậm chí bỏ ăn, khóc ngằn ngặt để đòi chơi cho bằng được. Đến lúc đó, việc "cai" game thực sự trở thành một thử thách. 

cachdaytre3tuoingheloi1201912041504beje-1692241214028703979224.jpg

2. Bố mẹ thích quát mắng, đánh đập

Tiến sĩ Martin Teicher từ Trường y khoa Harvard cũng cho biết: "Trẻ em thường xuyên bị cha mẹ la mắng có chỉ số IQ trung bình khi lớn lên là 112, thấp hơn 12 điểm so với những trẻ không bị bạo lực bằng lời nói".

Những đứa trẻ bị đánh mắng trong thời gian dài có thể sẽ hung hăng, thiếu tự tin hơn khi trưởng thành. Những đứa trẻ được sống trong tình yêu thương sẽ có kết quả ngược lại. Chúng khoan dung, tốt bụng, và có thể có nhiều khả năng thành công hơn khi lớn lên.

Trong quá trình giáo dục con cái, việc trẻ phạm lỗi khiến cha mẹ phải trách mắng để răn đe, dạy dỗ là những điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cha mẹ thông minh sẽ biết cách kiềm chế cảm xúc của mình và sử dụng các phương pháp tốt hơn để giáo dục con cái.

Cha mẹ phạt con là để con biết mình sai ở đâu và có thể sửa chữa lỗi sai đó. Tuy nhiên, nếu lạm dụng hình thức phạt bằng bạo lực hay bạo lực ngôn ngữ thì đó là một cách giáo dục hết sức tiêu cực và có thể phản tác dụng. Có thể dẫn đến việc  bố mẹ muốn gần gũi và bước vào thế giới của trẻ càng khó khăn. Cứ như vậy, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái cũng ngày càng lớn.

Nếu thường xuyên sử dụng bạo lực ngôn ngữ và vũ lực với trẻ, cha mẹ đừng ngạc nhiên khi con trưởng thành lại biến thành một người nóng tính, thô lỗ. 

3. Cha mẹ không có kỷ luật

Một nghiên cứu dài gần 40 năm được thực hiện bởi 3 ĐH hàng đầu thế giới gồm ĐH King's College, Anh, ĐH DuKe, Mỹ và ĐH Dunedin, New Zealand đã cho thấy những đứa trẻ nào đã được phát triển tính kỷ luật từ nhỏ sẽ có sự nghiệp thành công ở độ tuổi 38.

Mỗi đứa trẻ đều có sự phát triển và hình thành tính kỷ luật rất sớm và mạnh mẽ trong 6 năm đầu đời vì nó là một phần phát triển tự nhiên giúp trẻ học hỏi và gia tăng sự tập trung. Tùy vào cách giáo dục của cha mẹ trước 6 tuổi mà liệu trẻ có trở nên buông thả hay kỷ luật sau đó. Ví dụ, trẻ luôn được làm thay khi gặp khó khăn thì tính kỷ luật khó được phát triển trong độ tuổi này.

Nhà văn Mỹ Alec Baldwin từng nói: "Một đứa trẻ sẽ không bao giờ ngoan ngoãn vâng lời người lớn, nhưng nó nhất định sẽ bắt chước người lớn". Nếu cha mẹ không tuân thủ quy tắc, con cái sẽ không có quy tắc. Để thiết lập khái niệm về thời gian của trẻ và nuôi dưỡng một đứa trẻ siêng năng và tự kỷ luật, trước tiên cha mẹ phải đúng giờ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022