Có thể thấy, tuổi 30 chính là một bước ngoặt lớn của cuộc đời. Sau khi đi qua bước ngoặt này, người ta không còn có thể bướng bỉnh và liều lĩnh như những năm đôi mươi nữa. Bởi ở tuổi 30, mỗi người đều nên trưởng thành, học cách chịu trách nhiệm với cuộc sống riêng của mình. Có như vậy, cha mẹ già mới có thể dần yên lòng.
Nỗi đau buồn lớn nhất của một gia đình không phải là nghèo nàn, túng thiếu, mà là con cái đã 30 tuổi mà vẫn làm hai việc: Một là sống không có mục đích, không có chí hướng, hai là gia đình bất hòa, đặt lợi ích lên trên tình thân.
1. Sống không có mục đích, không có chí hướng
Khi bước sang tuổi 30, nhiều người vẫn sống trong hoang mang, không biết mình muốn gì, không có mục tiêu trong cuộc sống. Họ chỉ sống qua ngày qua tháng, hết ăn lại nằm. Có người đi làm, có người thậm chí còn không buồn tìm kiếm công việc, mà chỉ ăn bám cha mẹ. Dù đã đến tuổi tự lập nhưng họ mặc nhiên ngửa tay xin tiền cha mẹ, không buồn suy nghĩ cách tự nuôi sống bản thân chứ chưa nói đến việc phụng dưỡng tuổi già.
Những người như vậy chỉ trưởng thành về thân xác, chứ tâm trí vẫn coi mình như trẻ con. Nếu không thay đổi ngay lập tức, họ sớm muộn gì cũng sẽ bị xã hội đào thải.
Và xung quanh chúng ta có rất nhiều người như họ, ngày ngày nhàn rỗi, không biết mình muốn gì, cũng không có mục tiêu hay định hướng tương lai. Sau này, dù có được hưởng thừa kế bao nhiêu tiền, họ cũng sẽ tiêu hết mà không có khả năng kiếm lại. Việc có quá nhiều tiền chỉ khiến tính chây ỳ, lười biếng và phụ thuộc của họ ngày một nghiêm trọng hơn, mất hẳn động lực để phát triển bản thân.
2. Gia đình bất hòa, đặt lợi ích lên trên tình thân
Điều này xảy ra ở nhiều gia đình, trở thành nỗi buồn tuổi già của nhiều bậc cha mẹ. Vì lợi ích, tranh chấp gia sản, anh chị em ruột thịt trong nhà sẵn sàng tranh cãi, đấu tố nhau. Nhiều người từ mặt nhau cả đời, cũng không ít vụ việc thương tâm hơn xảy ra.
Có một gia đình có 5 anh chị em, bố mất sớm nên con trưởng và con thứ sống ở quê cùng nuôi mẹ già. 3 anh chị em còn lại đều lên thành phố lập nghiệp, hiếm hoi mới về thăm quê một lần. Do đó, họ ít khi dành thời gian vun đắp tình cảm với mẹ. Dù vậy, người mẹ vẫn thương các con như nhau nên có ý chia đều cho cả 5 anh chị em.
Điều này vô tình khiến gia đình con cả và con thứ cảm thấy bất công. Họ cho rằng, mình dành nhiều tâm huyết và công sức chăm lo cho mẹ, bao việc thờ cúng trong dòng họ cũng nhờ họ đảm nhận, đáng lẽ phải được hưởng phần hơn. 3 người kia không quan tâm, không chăm sóc, cũng không lo liệu bất cứ việc gì mà được chia gia tài y như họ là không công bằng.
Từ đó, cả gia đình tranh chấp liên tục. Người thì có lý, người thì có tình, không ai nhường ai. Tình cảm mẹ con hay anh chị em đều rạn nứt.
Trường hợp này khó có thể phân định ai đúng, ai sai. Chung quy lại, tất cả trở thành nỗi buồn ghim vào trái tim người mẹ già.
Khuyên con cái tuổi 30 không dễ đương đầu.
Khó khăn trong cuộc sống, áp lực sự nghiệp… đều là những gánh nặng mà mỗi người phải vượt qua. Ở giai đoạn này, số ít người có thể đạt đến thành công, một bộ phận nhỏ khác có thể "áo cơm không lo". Còn lại, đa số vẫn đang tiếp tục phấn đấu, nỗ lực để phát triển bản thân.
Dù con cái thành tài hay thất bại, cha mẹ đều dành tình cảm chân thật nhất để dõi theo và đồng hành theo từng bước đường của họ. Điều họ mong cầu không phải con cái có thể giàu có, đổi đời, mà hơn cả là sự trưởng thành về mặt tâm tính, hiểu rõ những điều sau:
1. Tuổi 30 nên biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Đứng trước khó khăn, phải học cách ngày một trưởng thành và vững vàng hơn.
2. Người ở tuổi 30 nên biết năng lực của mình đến đâu, vị trí của mình ở đâu. Phải suy nghĩ rõ ràng về việc mình nên làm.