Thực tế, đây là dạng ung thư khá hiếm, đặc biệt là ở những phụ nữ trẻ tuổi. Theo Hiệp Hội Ung thư Hoa Kỳ, chỉ có khoảng 1 trong 1.100 phụ nữ có nguy cơ phát triển căn bệnh này trong đời, bệnh cũng chỉ có khả năng 15% xảy ra ở phụ nữ dưới 40 tuổi. Theo đó, khoảng ½ trong tất cả các trường hợp mắc ung thư âm đạo xảy ra ở những đối tượng phụ nữ trên 70 tuổi.
Nhưng điều đó không có nghĩa là căn bệnh này không nghiêm trọng. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo, có khoảng 4.810 trường hợp mắc mới ung thư âm đạo sẽ được chẩn đoán trong năm nay, trong đó khoảng 1.240 phụ nữ có thể tử vong vì căn bệnh này.
Các chuyên gia chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra ung thư âm đạo, nhưng bệnh này có thể liên quan đến virus HPV và quá trình tiếp xúc với diethylstilbestrol (DES) trong buồng tử cung, theo bác sĩ Jack Jacoub – chuyên gia ung thư và giám đốc y tế tại Trung tâm Y tế Orange Coast (California).
1. Có nhiều hơn 1 dạng ung thư âm đạo
Ung thư âm đạo thường bắt đầu từ các tế bào ung thư biểu mô, tế bào vảy tạo nên lớp lót ngoài ở thành âm đạo và phát triển chậm. Tuy nhiên, ung thư âm đạo còn có một loại khác gọi là ung thư tuyến (Adenocarcinoma âm đạo).
Ngoài ra, ung thư âm đạo còn có dạng khối u ác tính âm đạo: phát triển trong tế bào sản xuất sắc tố (melanocytes) của âm đạo; âm đạo sarcoma: phát triển trong các tế bào mô liên kết hoặc các tế bào cơ trơn trong các bức thành âm đạo.
(Ảnh minh hoạ)
2. Triệu chứng của ung thư âm đạo
Bác sĩ chuyên khoa tại Trung tâm Y tế Wexner của Đại học bang Ohio cho biết, triệu chứng phổ biến nhất của ung thư âm đạo là xuất huyết âm đạo bất thường, thường là sau khi quan hệ tình dục. Bệnh cũng có thể có dấu hiệu đau đớn trong khi quan hệ tình dục – mặc dù triệu chứng này có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh tật khác.
Đó là lý do vì sao bạn nên đi khám sớm nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Theo Mayoclinic, ung thư âm đạo ở giai đoạn sớm thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, ở giai đoạn tiến triển, ung thư âm đạo có thể xuất hiện các dấu hiệu như:
- Chảy máu âm đạo bất thường sau khi quan hệ hoặc mãn kinh
- Dịch âm đạo
- Khối u trong âm đạo
- Khó đi tiểu
- Đi tiểu thường xuyên
- Táo bón
- Đau vùng chậu
3. Xét nghiệm PAP cực kỳ quan trọng
Khi thực hiện khám phụ khoa định kỳ, nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu tế bào ung thư nào, các bác sĩ sẽ thực hiện soi cổ tử cung, khám vùng chậu và xem xét kỹ lưỡng hơn vùng âm đạo. Phương pháp sinh thiết sẽ được thực hiện để xác định liệu bạn có bị ung thư hay không.
Phó giáo sư Lauren Streicher, chuyên khoa Sản và Phụ khoa lâm sang tại Trường Y khoa Feinberg cho biết: "Ung thư âm đạo có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm trong quá trình khám phụ khoa".
4. Phương pháp điều trị
Nếu bác sĩ phát hiện bạn bị ung thư âm đạo ở giai đoạn tiền ung thư, họ có thể giới thiệu bạn đến một bác sĩ chuyên khoa về ung thư phụ khoa nhằm thảo luận và lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp.
Các phương pháp điều trị thông thường bao gồm phẫu thuật laser, phương pháp điều trị tại chỗ. Nếu ung thư đã ở giai đoạn tiến triển, bạn có thể phải xạ trị, phẫu thuật hoặc hoá trị liệu, theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ.
Một số phương pháp điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, do vậy, bệnh nhân cần thảo luận với bác sĩ về tình huống cá nhân nếu bạn đang có kế hoạch sinh con.
5. Tỷ lệ sống sót phụ thuộc vào giai đoạn ung thư tiến triển khi được chẩn đoán
Ở giai đoạn I, tỷ lệ sống sót khi mắc ung thư âm đạo là 84%, giai đoạn II là 75%, giai đoạn III và IV là 57%.
*Theo Womenshealthmag/Mayoclinic