Mới đây, nền tảng trò chơi điện tử Roblox đã thực hiện một cuộc thăm dò nhằm khảo sát ý kiến của 1.000 khách hàng trong độ tuổi từ 14 đến 24 tại Mỹ từ tháng 9 vừa rồi. 

Cuộc khảo sát cho thấy, 70% khách hàng thuộc thế hệ Gen Z thừa nhận thích trang trí những bức ảnh đại diện của họ giống hệt như họ ngoài đời. 75% số người tham gia khảo sát chia sẻ sẵn sàng chi tiền cho thời trang kỹ thuật số. 1/4 người trong số được hỏi ý kiến thừa nhận họ có thể chi 20-100 USD cho một món đồ.

anh-2-1667704889408.jpg

Thế giới ảo hiện cũng được đầu tư không kém thế giới thật (Ảnh: Roblox).

Nhiều nhãn hàng quốc tế sang trọng đã nhanh nhạy lên chiến lược thử nghiệm việc bán hàng hiệu cho những nhân vật ảo. Nhãn hàng Burberry đã sản xuất một chiếc túi xách chần bông mang tên "the Lola" với giá bán lẻ gần 2.500 USD. Trên nền tảng trò chơi Roblox, người dùng có thể "tô điểm" hình đại diện của mình bằng chiếc túi xách Lola với giá chỉ dưới 10 USD.

Theo Businessinsider, người tiêu dùng cũng có thể mua chiếc túi xách Gucci Marmont màu hồng với giá hơn 2 USD hay mũ Ralph Lauren giá chỉ hơn 1 USD trên các nền tảng thế giới ảo. 

Trên thực tế, các thiết kế kỹ thuật số thường có giá bán lẻ bằng một phần nhỏ so với giá thực. Điều này giúp thời trang sang trọng dễ tiếp cận người dùng trẻ tuổi.

Tuy nhiên, cũng có một số món đồ hiệu trong thế giới ảo được bán với giá đắt hơn. Chẳng hạn, một người dùng phải trả khoảng 4.115 USD để mua chiếc túi Gucci Dionysus trong thế giới ảo. Con số này cao hơn 800 USD so với thiết kế thật.

anh-4-1667704889471.jpg

Những người trẻ trong độ tuổi từ 14 đến 24 thừa nhận, họ sẵn sàng bỏ tiền để đầu tư cho hình ảnh đại diện của họ trong thế giới ảo (Ảnh: Roblox).

Lý giải về việc những người trẻ sẵn sàng chi tiền cho thời trang ảo, các chuyên gia nhận định đó là cách giúp họ thể hiện bản thân. Với những người thuộc thế hệ Gen Z, hình đại diện của có thể thể hiện phong cách của chính họ. Và thời trang kỹ thuật số đang được xem là "lối thoát" hiệu quả để Gen Z bộc lộ cá tính.

"Đối với đa số Gen Z, việc thể hiện phong cách của họ trong metaverse (vũ trụ ảo) trở nên quan trọng hơn ở thế giới thực", nhà báo Lakshmi Varanasi nhận định. 

Christina Wootton - Phó chủ tịch đối tác thương hiệu toàn cầu của nền tảng trò chơi điện tử Roblox cho biết: "Ở thế giới thật, bạn nhiều lúc có thể không cảm thấy thoải mái khi thử nghiệm các kiểu thời trang. Bởi không phải hình dáng cơ thể nào cũng mặc đẹp những món đồ hợp xu hướng. Không gian ảo cho phép mọi người thể hiện bản thân, thử nghiệm đa dạng và tìm cộng đồng. Trở thành bất kỳ ai và không bị phản ứng tiêu cực từ người khác là một trong những điểm thu hút lớn nhất của thế giới ảo đối với chúng ta".

Christina Wootton thừa nhận, điều khiến cô ngạc nhiên nhất về cuộc khảo sát của Roblox gần đây chính là 70% người được hỏi tiết lộ lấy cảm hứng thời trang đời thực vào ảnh đại diện của mình. Cô tin rằng con số này sẽ tiếp tục tăng khi không gian thời trang kỹ thuật số phát triển. Thực tế, theo dự đoán của công ty Morgan Stanley, đến năm 2030, lĩnh vực thời trang kỹ thuật số có thể đạt trị giá 50 tỷ USD.

anh-10-1667705472883.jpg

Vùng đất ảo mang tên "Gucci Vault" trên nền tảng metaverse của Gucci (Ảnh: The fashion starter).

Trong vài năm qua, một số hãng thời trang lớn đã bắt đầu thâm nhập vào vũ trụ ảo. Nhãn hàng Gucci là một trong những thương hiệu hoạt động mạnh nhất trong lĩnh vực này. Vào cuối tháng 10 vừa rồi, thương hiệu đã tung ra một vùng đất ảo mang tên "Gucci Vault" trên nền tảng metaverse. 

Các thương hiệu như Carolina Herrera, Tommy Hilfiger và Ralph Lauren cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng. Đối với nhiều nhà thiết kế, họ cho biết đây là cách lý tưởng để thử nghiệm, thăm dò ý kiến người tiêu dùng trước khi công bố bộ sưu tập trong thế giới thực.

Theo Christina Wootton, có hơn 100 thương hiệu đã tạo ra những loại túi xách, giày dép và các mặt hàng quần áo khác nhau cho nền tảng trò chơi. Khảo sát của Roblox ghi nhận kể từ đầu năm 2022, hơn 11,5 triệu người sáng tạo đã thiết kế hơn 62 triệu mặt hàng quần áo và phụ kiện.

Các tuần lễ thời trang thực hiện trên nền tảng metaverse cũng là một ý tưởng tạo báo nhưng không hiếm hiện tại. Các nhãn hàng như Jonathan Simkhai, House of Blueberry và Everyrealm đã trải nghiệm điều này. 

anh-1-1667704889369.jpg

Nắm bắt sự phát triển nở rộ của thời trang thế giới ảo, các nhãn hàng thời trang và các học viện thời trang cũng nhanh chóng tìm hướng phát triển (Ảnh: Forbes).

Chính sự phát triển nở rộ của thời trang thế giới ảo cũng ảnh hưởng tới việc giáo dục, đào tạo tại các trường đại học. Mới đây, Học viện thiết kế Parsons đã hợp tác với nền tảng trò chơi điện tử Roblox thực hiện một dự án mang tên N Ventures. 

Theo đó, các sinh viên thuộc học viện Parsons có đam mê trong lĩnh vực thiết kế, thời trang và công nghệ có thể đăng ký khóa học này để nghiên cứu, nâng cao kỹ năng thiết kế trong thế giới ảo. Các sinh viên có thể làm việc cùng nhau hoặc hợp tác với các chuyên gia trong lĩnh vực để có những trải nghiệm thực sự trong thế giới ảo và thế giới thực. 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022