Vivienne Westwood qua đời hôm 29/12 ở tuổi 81 tại Clapham, phía Nam London, nơi bà sống và làm việc suốt 30 năm qua. Gia đình nói với Guardian bà đã được làm những việc mình yêu thích như thiết kế, viết sách và sáng tạo nghệ thuật cho đến giây phút cuối cùng.

Tờ CR Fashion Book nhận xét: "Với trái tim nổi loạn, Westwood là một trong nhiều nhân vật quan trọng tác động mạnh tới các quy tắc thời trang cũ". Tính cách ngang tàng, phóng túng và đôi chút lập dị của bà thể hiện trong cuộc sống lẫn thẩm mỹ thời trang mà bà theo đuổi từ thập niên 1970 đến nay.

2006-vivienne-westwood-spring-2010-5947-1672389138.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7HZNu59IA1EB1Agu5_3JzA

Nhà thiết kế Vivienne Westwood bên các người mẫu trên sàn catwalk. Ảnh: Gorunway

Westwood sinh năm 1941 ở làng Tintwistle, Derbyshire, có cha là công nhân nhà máy và mẹ bán rau quả. Bà theo học trường Ngữ pháp Glossop trước khi chuyển đến vùng ngoại ô Harrow ở London năm 1957. Tại đây, khác nhiều cô gái cùng thời, bà chọn theo học nghề đúc bạc trường Nghệ thuật Harrow (nay là Đại học Westminster), nhưng nhanh chóng bỏ ngang để trở thành giáo viên tiểu học. Westwood nuôi dưỡng niềm đam mê thời trang bằng việc tự học may vá. Bà thường tháo rời quần áo cũ mua ở chợ rồi tìm hiểu về đường cắt và cấu tạo của chúng.

Thập niên 1960, Westwood gặp và yêu người quản lý ban nhạc Malcolm McLaren. Cả hai cùng mở một cửa hàng quần áo nhỏ ở King's Road, Chelsea năm 1971, nơi lui tới của nhiều ban nhạc. Những thiết kế punk khiêu khích và đôi khi gây tranh cãi biến Westwood trở thành một trong những nhà thiết kế thời trang nổi tiếng nhất nước Anh khi đó. Guardian nhận xét trang phục của bà pha trộn cách cắt may cổ điển, nét lãng mạn lồng ghép những thông điệp chính trị sắc sảo.

vivienne-westwood-nam-xuan-he-2017-1569580212.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JYws_Y7IZ8-RAxIik9imTA
Vivienne Westwood nam Xuân Hè 2017

Vivienne Westwood xuất hiện cuối show diễn Xuân Hè 2017. Video: FF Channel

Thiết kế của Westwood chối bỏ mọi nguyên tắc. Bà sử dụng dây trói, kim băng, lưỡi lam, dây xích xe đạp... làm vật liệu trang trí cho quần áo may bằng chất liệu da bóng và cao su, kết hợp lối trang điểm và làm tóc kỳ quái. Chỉ vài năm sau buổi ra mắt bộ sưu tập đầu tiên - Pirates (Cướp biển) - ở Paris năm 1983, bà được các nhà phê bình thời trang công nhận hồi sinh nền thời trang Anh.

Năm 1987, mẫu corset trong bộ sưu tập Harris Tweed của bà gây sốc khi được làm như một chiếc áo khoác ngoài, mang tên Statue of Liberty (Tượng Nữ thần Tự do). Thiết kế được cho là khởi đầu xu hướng "diện đồ lót như áo ngoài", không có nẹp kim loại như bản nguyên thủy, làm từ chất liệu thoải mái hơn. Ngày nay, mẫu áo này đang là xu hướng hot được nhiều người theo đuổi.

Vivienne Westwood còn gắn liền những thiết kế lấy cảm hứng phong cách thế kỷ 17 như sơ mi phong cách cướp biển bồng bềnh, đầm dạ hội của Nữ hoàng Josephine và những chiếc váy quây nhỏ của thập niên 1980. Một trong những khoảnh khắc nổi loạn nhất ở show thời trang của bà là hình ảnh siêu mẫu Kate Moss cởi trần, chỉ mặc váy ngắn, vừa catwalk vừa cầm kem ốc quế ở buổi trình diễn Xuân Hè 1995. Tác giả John Fairchild đã mô tả Westwood là "Alice ở xứ sở thần tiên của thời trang" trong cuốn sách Chic Savages và gọi bà là một trong sáu nhà thiết kế có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.

00019-Vivienne-Westwood-Spring-8812-1481-1672389138.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gM5_H4Tv4SkN1-qsOwJgPg

Vivienne Westwood làm mẫu ở tuổi 80 trong bộ sưu tập Xuân Hè 2021 của chồng - Andreas Kronthaler. Ảnh: Vogue

Đường băng không chỉ là nơi tôn vinh vải vóc, phong cách mà còn là nơi bà tận dụng để truyền tải thông điệp chính trị, xã hội. Trong show Thu Đông 2008, các người mẫu mang biểu ngữ yêu cầu xét xử pháp lý công bằng cho các tù nhân Vịnh Guantánamo. Show Xuân Hè 2013 kêu gọi cuộc cách mạng về khí hậu. Năm 2014, Westwood cạo mái tóc đỏ rực của bà để nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu.

Vài năm trở lại đây, bà nhường quyền thiết kế chính cho chồng - Andreas Kronthaler, học trò kém bà 25 tuổi. Westwood ủng hộ Andreas bằng việc làm mẫu cho trang phục. Ở tuổi 80, bà vẫn tự tin đứng trước ống kính hay sải bước trên sàn catwalk, khoe cá tính.

Ngoài sàn diễn, nhà thiết kế cũng chưa bao giờ ngừng nổi loạn. Khi được Nữ hoàng Elizabeth II trao huân chương Order of the British Empire năm 1992, bà đã diện vest cùng váy xanh hoàng gia. Bên ngoài cung điện Buckingham, bà ăn mừng bằng cách xoay người trước các nhiếp ảnh gia, tốc váy để tiết lộ rằng không mặc nội y. Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, nhà thiết kế giải thích về khoảnh khắc gây tranh cãi: "Tôi chỉ muốn thể hiện cách ăn mặc của riêng mình". Theo Guardian, khách tới thăm hoàng gia có quy định bất thành văn là phải mặc nội y để thể hiện sự tôn nghiêm.

vivienne-westwood-ngoi-xe-tang-den-nha-cuu-thu-tuong-david-c-1672388127.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0WRx28dPpZzSneaMZnI3Qg
Vivienne Westwood ngồi xe tăng đến nhà cựu thủ tướng David Cameron

Westwood ngồi trên xe tăng đến nhà cựu thủ tướng David Cameron năm 2015. Video: Guardian

Năm 2015, bà ngồi xe tăng đến nhà cựu thủ tướng David Cameron ở Oxfordshire để phản đối việc khai thác mỏ bằng cách dùng áp suất chất lỏng làm nứt các tầng đá trong lòng đất, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe người dân địa phương. Năm 2020, nhà thiết kế chui vào lồng chim, biểu tình trước cửa tòa án ở London, phản đối việc bạn thân - Julian Assange, ông chủ của Wikileaks - có thể bị dẫn độ sang Mỹ. Là một người ăn chay, Westwood từng cùng các nhà thiết kế hàng đầu khác, trong đó có Stella McCartney, vận động chính phủ Anh cấm bán lẻ lông thú.

Tháng trước, Westwood ủng hộ những người biểu tình ném súp cà chua vào bức Hoa hướng dương của Van Gogh bằng dòng viết: "Những người trẻ tuổi đang tuyệt vọng. Họ mặc áo phông có dòng chữ Just Stop Oil. Họ đang làm điều cần làm".

Sao Mai

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022