anh_2.jpgChiến dịch giành ba giải thưởng cao nhất, “Put the helmet on like ô”, nhằm kêu gọi đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vượt qua nhiều đối thủ quốc tế, ý tưởng cho chiến dịch “Put a helmet on like ô” nhằm thúc đẩy an toàn giao thông cho trẻ em Việt của nhóm sinh viên Đại học RMIT vừa xuất sắc “ẵm” ba giải cao nhất tại cuộc thi sáng tạo toàn cầu D&AD New Blood Awards 2023, trong đó có giải Bút chì Đen.

Đây là thông tin vừa được Đại học RMIT Việt Nam cho biết chiều 10/7.

D&AD New Blood Awards là một trong những cuộc thi uy tín thế giới về quảng cáo và thiết kế dành cho các tài năng trẻ. Năm nay, trong số hơn 3.000 bài dự thi của hơn 6.000 người trẻ trên khắp thế giới, ban tổ chức đã chọn 179 ý tưởng trao thưởng ở hạng mục cao nhất, giải Pencil, hay Bút chì. Xếp theo thứ tự về độ danh giá, 179 giải thưởng này gồm hai Bút chì Đen, bảy Bút chì Trắng, 33 Bút chì Vàng, 39 Bút chì Than và 98 Bút chì Gỗ. 

Với ý tưởng  “Put a helmet on like ô” (Đội mũ) nhằm thúc đẩy an toàn giao thông cho trẻ em Việt, hai sinh viên Nguyễn Khắc Hải Linh (Đại học RMIT Việt Nam) và Nguyễn Ngọc Nhã Quỳnh (Đại học Ngoại thương) đã xuất sắc giành cả ba danh hiệu cao nhất là Bút chì Đen, Bút chì Trắng và Bút chì Vàng. Đặc biệt, Bút chì Đen là hạng mục giải thưởng hiếm được trao và rất cao quý trong giới công nghiệp sáng tạo. Đây là lần đầu tiên một đội thi đến từ châu Á-Thái Bình Dương giành giải Bút chì Đen, với tiền thưởng trị giá 2.000 bảng Anh (tương đương hơn 60 triệu đồng).

anh_1.jpgChiến dịch sử dụng nghệ thuật sắp đặt chữ viết, khai thác điểm tương đồng giữa dấu mũ trong chữ "ô" và mũ bảo hiểm, đáp lại đề bài của Google Fonts và Trung tâm Nghệ thuật chữ viết Hoffmitz Milken. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiến dịch “Put the helmet on like ô” – đáp lại đề bài của Google Fonts và Trung tâm Nghệ thuật chữ viết Hoffmitz Milken (HMCT). Theo các sinh viên, chiến dịch lấy cảm hứng từ thực tế hằng năm tại Việt Nam tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của khoảng 2.000 trẻ em và một nửa trong số đó lẽ ra có thể ngăn chặn được nếu đội mũ bảo hiểm. Hải Linh và Nhã Quỳnh đã sử dụng nghệ thuật sắp đặt chữ viết, khai thác điểm tương đồng giữa dấu mũ trong chữ cái “ô” và mũ bảo hiểm.

“Người Việt nào khi học bảng chữ cái cũng sẽ được dạy câu ‘o tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì thêm râu.’ Chiến dịch của chúng em gửi gắm thông điệp cho phụ huynh và con em họ rằng họ có thể tạo nên khác biệt lớn với hành động nhỏ là đội mũ bảo hiểm giống như thêm dấu mũ trong chữ ‘ô’,” Nguyễn Khắc Hải Linh chia sẻ.

[Phó Thủ tướng đi bộ vận động toàn dân đội mũ bảo hiểm cho trẻ em]

Cụ thể, ý tưởng chiến dịch gồm nhiều hoạt động khác nhau, như in các poster tại khu vực bên ngoài trường học, nơi cha mẹ hay chờ đón con để phụ huynh có thể dễ dàng nhìn thấy. Tại 20 tỉnh thành có tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm thấp hơn 66%, dự án mong muốn phối hợp với các trường học để đưa những poster này vào học liệu chính thức nhằm tiếp cận cả phụ huynh và học sinh.

anh_3.jpgNhóm có ý tưởng đưa dự án vào tờ rơi kẹp trong sách giáo khoa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhóm cũng có ý tưởng chèn một tờ rơi vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1. Mặt trước của tờ rơi sẽ in 1.000 chữ o cùng câu nhắc nhở hãy đội mũ bảo hiểm, mặt sau sẽ in các khuyến cáo an toàn giao thông. Nếu các trường địa phương (được thí điểm) hưởng ứng thì dự án muốn đề xuất lên Bộ Giáo dục và Đào tạo để ý tưởng tờ rơi này đi vào sách giáo khoa chính thức.

Bên cạnh đó, dự án sẽ xây dựng trang web riêng. Trong đó, đằng sau mỗi chữ “o” sẽ là câu chuyện do phụ huynh có con bị mất vì tai nạn giao thông kể lại. Trên trang web này, những người tham quan là cha mẹ có thể ghi lại một lời hứa sẽ đội mũ bảo hiểm để cả gia đình cùng về nhà an toàn. Với mỗi lời hứa, một chữ “o” sẽ được thêm một dấu mũ rồi biến mất. Điều này tượng trưng cho việc số lượng trẻ em bị chết vì không đội mũ bảo hiểm sẽ giảm dần.

Cũng theo Hải Linh, thông thường, em lên ý tưởng trên một tờ giấy A3 và bắt đầu với một dòng tóm tắt đề bài ở giữa trang. Nhưng đối với cuộc thi D&AD, Linh và Quỳnh đã vẽ lá cờ Việt Nam ở giữa mỗi tấm giấy để tự nhắc nhở mình về việc luôn đặt người Việt làm trọng tâm của chiến dịch.

Hào hứng chia sẻ về dự án mà mình đã dành nhiều tâm huyết, Nguyễn Ngọc Nhã Quỳnh cho hay phần thưởng lớn nhất với em không phải là những giải Bút chì, mà là khi được nghe một ông bố ba con kể rằng ông đã mua cho mỗi con một chiếc mũ bảo hiểm sau khi xem tác phẩm của dự án. “Không gì hạnh phúc hơn khi biết rằng tác phẩm đã tạo ra ảnh hưởng tới cuộc sống của ai đó,” Quỳnh vui vẻ nói.

anh_4.jpgNhóm cũng lên ý tưởng về thành lập trang web riêng cho dự án với sự tương tác của các phụ huynh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hải Linh và Nhã Quỳnh cũng hy vọng dự án có thể nhận được sự hợp tác của Unicef vì cơ quan này tiên phong trong việc thúc đẩy trẻ em đội mũ bảo hiểm. Vì thế, nhóm bày tỏ thiện chí này bằng cách đặt logo của Unicef ở góc phải của trang chữ “o” thiết kế.

Bên cạnh thành công của ý tưởng “Put a helmet on like ô,” dự án mang tên “Oopsie!” của nhóm 6 sinh viên khác đến từ Đại học RMIT cũng thắng giải Bút chì Gỗ. Đây là một tuyển tập truyện tranh ngắn được game hóa trên thiết bị di động nhằm khắc họa những khoảnh khắc thăng trầm và không kém phần hài hước của các bậc làm cha mẹ.

Bằng cách khuyến khích người chơi có cái nhìn tích cực và kết nối với nhau thông qua những trải nghiệm tương đồng, “Oopsie!” giúp những người làm cha mẹ vốn có thói quen tự trách móc bản thân biết cách chấp nhận thực tế rằng phạm sai lầm trên hành trình này là điều bình thường.

Trải nghiệm chơi “Oopsie!” được thiết kế phù hợp với nhịp sống bận rộn hàng ngày của các bậc làm cha mẹ – gồm các chương nhỏ, có thể chơi bằng một tay và tạm dừng bất cứ lúc nào một cách thuận tiện. Người chơi cũng có thể gửi câu chuyện cá nhân của mình tới ứng dụng để chuyển thể thành những truyện tranh truyền cảm hứng mới cho mọi người.

Lý Dũ Khánh Hân, Đại học RMIT, thành viên nhóm sáng tạo nên “Oopsie!” cho biết đây là lần đầu tiên em hòa mình vào trong một sân chơi cạnh tranh và quy mô lớn như D&AD. “Chúng em không ngờ lại cần nhiều nghiên cứu và nỗ lực như vậy để đáp ứng được đề bài của cuộc thi. Nhóm đã phải học hỏi rất nhiều kỹ năng mới trong quá trình thực hiện,” Hân chia sẻ./.

D&AD New Blood Awards là một trong những cuộc thi uy tín và tầm cỡ nhất về quảng cáo và thiết kế trên thế giới, được tổ chức từ năm 1962. Cuộc thi dành cho đối tượng sinh viên và những tài năng sáng tạo trẻ. Đề bài do các doanh nghiệp uy tín đặt ra và bài thi cuối cùng được đánh giá bởi các chuyên gia trong ngành công nghiệp sáng tạo.

Năm nay, đề bài đến từ các thương hiệu như OMO, Candy Crush, Duolingo, Google Fonts, eBay, Heineken, HP... và tập trung vào giải quyết các thách thức kinh tế - xã hội thông qua các chuyên môn sáng tạo khác nhau, như UX/UI, game, hoạt hình, quảng cáo, nghệ thuật chữ viết và quan hệ công chúng.

Năm 2022 là năm đầu tiên Việt Nam có đội thi được xướng tên trong danh mục giải Bút chì của cuộc thi này với hạng mục Bút chì Vàng.

Phạm Mai (Vietnam+)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022