2009_bui_dinh_tuy.jpgNhà báo Bùi Đình Túy (người đeo kính) hướng dẫn phóng viên Nhật Bản Konishi xem các bộ ảnh triển lãm do TTXVN biên soạn, tháng 7/1964. (Nguồn: TTXVN)

Bùi Đình Túy (bút danh Đinh Thúy) thuộc lớp nhà báo trưởng thành trong kháng chiến.

Với những bức ảnh đậm tính thời sự về cuộc kháng chiến của dân tộc, ông đã được vinh danh vào hàng ngũ những nhà báo ảnh nổi tiếng của Việt Nam.

Những đóng góp của ông đã góp phần khẳng định một chặng đường vẻ vang của nền báo chí cách mạng nước nhà.

Nhà báo-chiến sỹ cách mạng

Nhà báo Bùi Đình Túy sinh ngày 12/2/1914 ở làng Cảnh Dương (Quảng Bình).

Năm 1935, ông ra Hà Nội học nghề ảnh và nghề vẽ ở Trường Bách nghệ.

Năm 1936, ông tham gia bãi khóa để tang cụ Phan Chu Trinh và bị thực dân Pháp đuổi học. Ông vào Sài Gòn làm thợ vẽ cho một rạp chiếu bóng và tham gia cách mạng.

[Xúc động lá thư của nhà báo liệt sỹ thông tấn Nguyễn Đức Thanh]

Cách mạng Tháng Tám thành công và khi thực dân Pháp nổ súng tái chiếm Nam Bộ, Bùi Đình Túy tham gia kháng chiến ở Sài Gòn, phụ trách công tác nhiếp ảnh của Sở Thông tin Sài Gòn, làm phóng viên báo Cảm tử của Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn.

Bút danh Đinh Thúy của ông ra đời trong thời gian này. Năm 1948, Bùi Đình Túy được kết nạp vào Đảng.

Với khả năng thiên phú về nhiếp ảnh, năm 1954, ông được điều động ra Bắc làm phóng viên ảnh công tác tại Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam).

Bằng sự cống hiến không mệt mỏi và những đóng góp xuất sắc của mình, năm 1957, ông được tiến cử giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm phân xã nhiếp ảnh đầu tiên của Việt Nam Thông tấn xã.

Thời gian này, không chỉ làm tốt công tác phóng viên, ông còn góp phần to lớn trong việc đưa ảnh thời sự của Việt Nam Thông tấn xã lên bước phát triển mới, xứng đáng là một trong những thể loại xung kích của công tác thông tin tuyên truyền.

Năm 1961, Đình Túy được và một số đồng nghiệp cùng cơ quan được cử sang Cộng hoà Dân chủ Đức tham gia khóa học ảnh màu.

Một năm sau, trở về Hà Nội, Bùi Đình Túy và các đồng nghiệp đã thiết lập buồng tối màu đầu tiên tại Việt Nam Thông tấn xã. Từ đây, cả nước lần đầu tiên biết đến những bức ảnh màu về phong cảnh Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh của tác giả Đinh Thúy.

Năm 1965, trước yêu cầu nhiệm vụ cấp bách về phản ánh các hoạt động tại chiến trường miền Nam, Đình Túy được điều động vào Đông Nam Bộ giữ chức vụ Phó giám đốc Thông tấn xã giải phóng.

Nhiệm vụ quan trọng của ông là bắt lấy những khoảng khắc của chiến tranh và xây dựng một đội ngũ phóng viên chiến trường cho Thông tấn xã giải phóng. Đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn trong hoàn cảnh thiếu thốn vế thiết bị cũng như cơ sở vật chất.

Nhưng với bản lĩnh của một người yêu nước, yêu nghề, ông đã thiết lập được những phòng tối di động, để có thể nhanh chóng mang đến cho thế giới, đặc biệt là mang đến cho đồng bào của mình những hình ảnh anh hùng cũng như bi kịch mà chiến tranh mang đến.

Ngày 21/9/1967, trên đường trở về sau khi tác nghiệp tại Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ 2, đoàn công tác của Bùi Đình Túy bị máy bay Mỹ tấn công. Ông trúng bom bi, hy sinh ngay tại chỗ tại mặt trận Trảng Dầu lúc 53 tuổi.

ttxvn_2009_bui_dinh_tuy.jpgĐoàn viên Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam chăm sóc phần mộ Anh hùng liệt sỹ-nhà báo Bùi Đình Túy, nguyên Phó Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Người đầu tiên vinh dự chụp ảnh màu về Bác Hồ

55 năm kể từ nhà báo-liệt sỹ Bùi Đình Túy hy sinh, nhưng những đóng góp to lớn của ông với sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà mãi mãi không phai mờ trong trái tim của bạn bè, đồng nghiệp và nhân dân cả nước.

Nhớ đến Bùi Đình Túy là nhớ đến một người hiền lành, ít nói, thái độ cầu tiến và tinh thần làm việc không biết mệt mỏi. Nhắc đến ông, mọi người đều biết đến một nhà báo, nghệ sỹ tài hoa.

Những tác phẩm của ông đã đưa tên tuổi của ông trở thành một trong những nhà nhiếp ảnh hàng đầu của Việt Nam trong những năm thập niên 60 của thế kỷ 20.

Những ngày chống Pháp ở Nam bộ, ông từng vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; bức vẽ đó đã được phân phát rộng rãi cho các cơ sở cách mạng như một tài liệu tuyên truyền sinh động và hữu ích. Nhưng nhiếp ảnh mới là sự nghiệp của ông, là lĩnh vực ông để lại những dấu ấn cá nhân sâu đậm.

Thời kỳ làm phóng viên ảnh ở báo Cảm tử, ông đã có những tác phẩm có giá trị lịch sử, như "Quân ta đánh chiếm một xe bọc thép của Pháp trong chiến dịch Sài Gòn" (năm 1950); "Máy bay Pháp bị lực lượng kháng chiến bắn rơi ngay trên đường phố Sài Gòn" (tháng 3/1950)...

Trong những năm công tác ở miền Bắc, đứng trong đội ngũ nhà báo của Việt Nam Thông tấn xã, tác phẩm ảnh của Bùi Đình Túy thuộc nhiều lĩnh vực: ảnh thời sự chính trị-ngoại giao, ảnh nghệ thuật đời sống. Nhưng có thể nói, Bùi Đình Túy nổi tiếng nhất với những bức ảnh chụp lãnh tụ.

Ông là người đầu tiên có vinh dự chụp ảnh màu về Bác Hồ. Các tác phẩm "Bác Hồ gắn huân chương Sao Vàng cho Bác Tôn năm 1958," "Bác Hồ trên lễ đài Quảng trường Ba Đình ngày Quốc khánh 2/9/1959"... là những bức ảnh nổi tiếng.

Sau khi lại "Nam tiến" năm 1965, với chiếc máy Leica của Cộng hòa dân chủ Đức, ông đã có những bức ảnh "sống mãi với thời gian" như: "Xe thồ chuyển lương thực, vũ khí;" "Bữa cơm trên đường hành quân;" Lớp học văn hóa ở chiến khu;" "Gặt lúa trong vùng giải phóng"...

Những tác phẩm chụp phong cảnh của ông đến nay luôn là một tác phẩm nghệ thuật, tiêu biểu trong đó là tác phẩm chụp Thác Bờ, Hòa Bình của ông vẫn là một trong những bức ảnh đẹp nhất về thắng cảnh này.

Những tác phẩm vừa là tư liệu quý, vừa mang tính nghệ thuật cao, góp phần làm phong phú lịch sử ngành ảnh thời sự báo chí của Đảng và nền kỹ thuật ảnh nước nhà.

Để vinh danh những cống hiến to lớn của ông đối với dân tộc nói chung, đối với nền báo chí các mạng Việt Nam nói riêng, tên của ông được đặt cho một tuyến đường và một cây cầu ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi máu thịt của ông hòa vào lòng đất Nam Bộ thân yêu./.

(Vietnam+)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022