ttxvn_nguoi_dao_tien.jpgPhụ nữ Dao Tiền trong trang phục truyền thống. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)

Đồng bào người Dao là dân tộc có số dân đông thứ 9 trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Người Dao cư trú rải rác ở vùng rẻo cao các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Tuyên Quang.

Người Dao cũng sinh sống ở một số tỉnh trung du gồm Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội và cả miền biển Quảng Ninh (người Dao Thanh Y).

Dân tộc Dao có tới 9 ngành Dao gồm Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Coóc Mùn, Dao Quần Chẹt, Dao Ô Gang (có nơi gọi là Lồ Gang), Dao Coóc Ngáng, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài.

Một trong những điểm khác biệt để nhận biết các ngành Dao chính là ở bộ trang phục. Trong số đó, trang phục truyền thống của người Dao Tiền rất độc đáo về kỹ thuật nhuộm, in hoa văn và thêu với những hoa tiết tinh xảo, đặc biệt không thể thiếu phụ kiện trang trí là những đồng tiền bạc.

Theo quan niệm của người Dao Tiền, bạc tượng trưng cho ánh sáng, đeo bạc không chỉ làm đẹp mà còn thể hiện nét văn hóa trong đời sống tâm linh.

Truyền thuyết của người Dao kể rằng xưa kia, khi người Dao cư trú trên núi cao rất dễ bị ốm đau. Để tránh gió và trừ tà yêu, bà con đã cài những đồng tiền bạc vào áo và thấy sức khỏe tốt hơn, tinh thần nhẹ nhõm. Kể từ đó, những đồng tiền bạc trở thành phụ kiện không thể thiếu trên trang phục và định hình tên gọi của cộng đồng người Dao Tiền.

trang_phuc_dao_tien.jpgBộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Tiền ở Tuyên Quang. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)

Trang phục thổ cẩm của các cộng đồng người Dao Tiền ở các địa phương khác nhau cũng có một số điểm khác biệt nhưng đều có chung những đặc trưng cơ bản về kỹ thuật nhuộm chàm, in sáp ong và thêu vải mặt trái.

Trang phục của người Dao Tiền được làm thủ công rất tỉ mẩn và cầu kỳ, màu chàm đen và màu trắng là hai tông màu chủ đạo, trang trí các họa tiết được thêu tay bằng các loại chỉ màu và điểm nhấn là những đồng tiền bạc được cán mỏng cài trên cổ áo.

Cho tới ngày nay, phụ nữ Dao Tiền vẫn giữ thói quen tự may quần áo cho mình và người thân trong gia đình. Con gái Dao Tiền ngay từ khi từ 8-10 tuổi đã được bà, mẹ chỉ dạy cách tự làm trang phục thổ cẩm của dân tộc mình, từ công đoạn đầu tiên là trồng bông, se sợi, dệt vải, nhuộm chàm đến cắt may, thêu thùa...

Sau khi se sợi bông và dệt thành vải, phụ nữ Dao Tiền phải mất ít nhất 3 tháng để hoàn thiện một chiếc váy hoặc áo, thậm chí có khi cả mất nguyên một năm nếu trang trí cầu kỳ.

Thổ cẩm trước khi may thành trang phục phải trải qua 5 công đoạn gồm mài bóng vải, tạo hình hoa văn bằng sáp ong, nhuộm chàm, đánh tan sáp ong và phơi khô.

Đầu tiên, phụ nữ Dao Tiền sẽ cắt miếng vải thổ cẩm thô màu trắng thành 5 mảnh với khổ vải 40x45cm. Sau đó, đặt miếng vải trên bàn đá, dùng nanh lợn rừng mài nhiều lần cho miếng vải thật nhẵn và bóng mịn, mục đích là để khi chấm sáp ong thì sáp ong bám dính tốt, không bị thấm ra mặt sau tấm vải.

ttxvn_ve_sap_ong.jpgVẽ họa tiết đặc trưng trên trang phục của người Dao Tiền bằng sáp ong. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)

Sau khi vải đã được mài bóng sẽ đến công đoạn quan trọng nhất là tạo hình hoa văn bằng cách dùng các dụng cụ đặc biệt để chấm sáp ong đun chảy và in lên mặt vải. Công đoạn này rất kỳ công và mất thời gian, đòi hỏi người phụ nữ phải thật khéo léo, kiên nhẫn.

Sáp ong khoái là nguyên liệu chính để vẽ hoa văn truyền thống. Sáp được đun nóng chảy trên một chiếc đĩa nhôm đặt trên một chiếc kiềng nhỏ, phía dưới là than đốt từ vỏ cây lâu năm.

Vải đã mài bóng được trải trên một mặt phẳng để người vẽ dễ dàng chấm sáp ong tạo hoa văn trên đó.

Dụng cụ để chấm sáp ong sẽ tạo thành các hình cơ bản như đường thẳng, hình chữ V, hình tròn. Phụ nữ Dao Tiền sẽ sáng tạo để in thành các hoa văn đẹp mắt hình sóng nước, hình zíchzắc, hình núi đồi cách điệu… mang tính thẩm mỹ cao.

Cả 5 miếng vải sẽ được vẽ hoa văn bằng sáp ong giống hệt nhau sau đó mang đi nhuộm chàm – một công đoạn cũng mất khá nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên nhẫn.

Trước đó, cây chàm đã được cắt về ngâm nước, bỏ bã, đánh vôi và lắng trong để thu cốt chàm. Cốt chàm sau đó hòa với nước lọc tro để tạo thành chàm nhuộm vải.

ttxvn_phoi_vai.jpgPhơi vải thổ cẩm sau khi được ngâm trong màu chàm. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Vải được ngâm trong nước chàm khoảng 20 phút rồi vớt ra vắt khô đem phơi nắng. Vải khô lại cho vào ngâm tiếp trong nước chàm. Cứ thế lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi có được màu chàm ưng ý.

Một tấm thổ cẩm có màu đẹp, bền thường phải mất từ 20-30 ngày mới nhuộm xong, sau đó mới đem tấm vải luộc qua nước sôi để bong hết sáp ong tạo hình. Phần chấm sáp ong không bị nhuộm chàm nên vẫn giữ được màu trắng nguyên bản.

Công đoạn này đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm trong chuẩn bị nước ngâm chàm, nhuộm vải để sau khi sáp ong bong ra, phần vải đã nhuộm chàm không bị phai màu, còn hoa văn chấm bằng sáp ong có màu trắng đều, đẹp, không bị loang màu chàm.

ttxvn_det_tho_cam.jpgNghề thêu dệt thổ cẩm được người Dao Tiền giữ gìn từ thế hệ này sang thế hệ khác. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Lúc này, người phụ nữ Dao Tiền sẽ lại tiếp tục trang trí trang phục bằng các họa tiết thêu tay tỉ mẩn. Đây là công đoạn khó nhất bởi người thêu sẽ phải dựa trên trí nhớ. Hoa văn được thêu luồn chỉ theo mắt sợi vải, thêu ở mặt trái để hoa văn nổi trên mặt phải của tấm vải.

Ngoài thêu các đường viền chỉ màu ở gấu áo, cổ tay áo, người Dao Tiền còn thêu các hoa văn hình trám, hình con chó, hình nhện , cây thông, hoa… 

Đi kèm với trang phục của phụ nữ Dao Tiền còn có khăn đội đầu, xà cạp, cùng nhiều đồ trang sức bằng bạc như vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, xà tích, nhẫn.

Chỉ riêng dây xà tích bạc cũng trang trí nhiều vật dụng được làm bằng bạc rất tinh xảo như hộp đựng vôi để ăn trầu, hình con cá lớn, cá nhỏ (tượng trưng cho cuộc sống sung túc), những quả chuông bằng bạc…

So với trang phục truyền thống của nhiều dân tộc khác, trang phục của người Dao Tiền có thể không rực rỡ bằng nhưng chứa đựng một tư duy thẩm mỹ tinh tế.

Mỗi họa tiết trang trí trên trang phục của người Dao Tiền đều ẩn chứa những câu chuyện dài về lịch sử cội nguồn, là những ký ức văn hóa, thể hiện nhân sinh quan của người Dao Tiền trong dòng chảy cuộc sống./.

(Vietnam+)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022