Tập đoàn hàng xa xỉ Pháp Kering vừa công bố kết quả kinh doanh quý đầu tiên năm 2025 với doanh số giảm 14%, đạt 3,88 tỷ euro. Thương hiệu chủ lực Gucci, vốn chiếm phần lớn doanh thu và đóng góp khoảng 66% lợi nhuận cho tập đoàn, ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng hơn với doanh số lao dốc 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm này đã tác động đáng kể đến kết quả kinh doanh chung của Kering, khiến con số doanh thu thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích. Kết quả này đồng thời phản ánh những thách thức lớn mà Kering cũng như toàn ngành hàng xa xỉ đang phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn.

maxresdefault-1-17457260857311832004644-1745744127320-17457441275102002750713.png

Khủng hoảng ở Gucci nói riêng và Kering nói chung đang khá đáng lo ngại.

Sự sụt giảm doanh số của Gucci chủ yếu đến từ nhu cầu suy yếu tại các thị trường lớn như châu Á, Bắc Mỹ và Tây Âu, đặc biệt là 2 quốc gia trọng điểm bao gồm Mỹ và Trung Quốc. Các biện pháp phong tỏa và biến động kinh tế tại Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mua của người tiêu dùng, chính sách thuế quan mới của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, ngành hàng xa xỉ đang đối mặt với sự thay đổi trong sở thích của khách hàng, khi người tiêu dùng dần chuyển sang phong cách "quiet luxury" thay vì những thiết kế phô trương.

Kering đã đóng cửa 25 cửa hàng năm nay trong nỗ lực nhằm loại bỏ khoảng 50 cửa hàng hoạt động kém hiệu quả. Dưới áp lực sụt giảm của Gucci, cổ phiếu của tập đoàn đã mất hơn 60% kể từ tháng 3 năm 2024.

chart-17457250652901856483303-1745744128258-17457441283411380295497.png

Biến động giá cổ phiếu xa xỉ kể từ tháng 1/2023, cho thấy cổ phiếu Kering hoạt động kém hơn so với các đối thủ cùng ngành là LVMH, Richemont và Prada.

Để đối phó với tình hình khó khăn, Kering đã thực hiện một số biện pháp chiến lược. Tập đoàn đã bổ nhiệm Demna Gvasalia – nhà thiết kế nổi tiếng từng thành công với Balenciaga làm giám đốc nghệ thuật mới cho Gucci kể từ tháng 7/2025. Ngoài ra, Kering cũng tập trung nâng cấp các dòng sản phẩm cao cấp hơn và điều chỉnh chiến lược giá nhằm bảo vệ lợi nhuận. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng quá trình phục hồi sẽ không diễn ra nhanh và Kering phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ như LVMH.

gettyimages-2196572731-1745725969229850914987-1745744128974-1745744134101392312867.png

Liệu Demna Gvasalia có thể xoay chuyển được cuộc chơi đang đến hồi đuối sức của Gucci hay chính anh lại là một áp lực mới?

Theo dự báo của HSBC, doanh số của Kering có thể sẽ tiếp tục giảm trong quý 2 với khoảng giảm là 9,7%, đối với Gucci là 19%. Cảnh báo này khiến tập đoàn cần phải dồn sức để lấy lại đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2025, phụ thuộc lớn vào khả năng tái định vị Gucci và diễn biến kinh tế toàn cầu, đặc biệt tại Trung Quốc. Với những động thái chiến lược hiện tại, giới quan sát đang chờ xem liệu Gucci có thể tìm lại ánh hào quang vốn có trong thời gian tới hay không.

Bên cạnh đó, các CEO của Kering cho biết Demna đã bắt đầu làm việc với các team của Gucci, nhưng họ từ chối tiết lộ thời điểm ra mắt bộ sưu tập đầu tiên của anh. Việc thay đổi người dẫn đầu khiến các nhà phân tích cảnh báo rằng thậm chí còn có thể làm chậm hơn sự phục hồi đáng mong đợi của hãng.

Khi được hỏi liệu về việc đóng cửa một flagship store của Gucci tại Los Angeles - nơi chuyên phục vụ những khách hàng siêu giàu theo lịch hẹn trước - có phải là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong chiến lược hay không, đại diện Kering cho biết tập đoàn vẫn đang nỗ lực đưa nhãn hiệu này lên tầm cao hơn.

wwk-milan-fashion-week-2025-xu-huong-thoi-trang-thu-dong-women-ready-to-wear-cover-gucci-sping-summer-1745726085780656290548-1745744134736-17457441348351824542186.png

Gucci sẽ cần rất nhiều nỗ lực để lấy lại vị thế.

Nguồn: Reuters, Bloomberg

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022