Nội dung chính
Việt Nam nằm trong top những nước sản xuất và xuất khẩu chanh leo lớn trên thế giới.
Lợi ích của chanh leo. Lưu ý khi dùng chanh leo.
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) trả lời trên báo Vietnamnet rằng quả chanh leo Việt Nam đã được xuất khẩu sang 20 quốc gia, dưới nhiều dạng như quả tươi, đông lạnh và nước ép.
Hiện, thị trường thế giới có nhu cầu cao nên 80% sản lượng chanh leo tươi và chế biến của nước ta được xuất khẩu. Theo đó, Việt Nam nằm trong top các quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh leo lớn trên thế giới, chỉ đứng sau Brazil, Colombia, Ecuador và Peru.
Sau một thời gian đàm phán với Úc, mới đây, chanh leo trở thành loại trái cây thứ 5 được xuất chính ngạch sang nước này cùng với xoài, nhãn, vải thiều và thanh long. Cũng theo Bộ NN-PTNT, Mỹ đã chấp thuận cho phép chanh leo Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường này.
Trong 5 năm qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo tăng hơn 300% và luôn nằm trong top 10 loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chanh leo đạt hơn 222 triệu USD.
Lợi ích của chanh leo
Chanh leo được đánh giá là một trong những loại trái cây bổ dưỡng với nhiều dưỡng chất và vitamin cần thiết cho cơ thể.
Ông Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết chanh leo hay còn gọi là chanh dây, lạc tiên, là loại cây du nhập vào Việt Nam. Trước kia, chanh leo mọc dại và ưa ánh nắng. Tuy nhiên, hiện nay, chanh leo được trồng ở nhiều nơi để lấy bóng mát và quả làm nước giải khát.
Ngoài ra, một số nơi còn dùng chanh leo làm dược liệu giúp an thần, chữa mất ngủ.
Trong 100g chanh leo có chứa 97 Calo, 0.7g Lipid, 348mg Kali, 23g cabohydrat, 10g chất xơ, 11g đường, 2.2g protein, 30mg vitamin C, 1.6mg sắt, 29mg magnesi, 12g Calci…
Ông Sáng cho biết, chanh leo là loại quả có hàm lượng vitamin C dồi dào. Đây cũng là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
Polyphenol có trong chanh leo là các hợp chất thực vật có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa, đồng nghĩa với việc làm giảm nguy cơ bị viêm và các tình trạng mãn tính như bệnh lý tim mạch.
Các chất chống oxy hóa còn ngăn ngừa tế bào ung thư, cải thiện thị lực, chống nhiễm trùng, tốt cho sức khỏe tim mạch, giúp thư giãn, cũng như giảm các triệu chứng mất ngủ...
Ông Sáng cho biết thêm trong y học cổ truyền, chanh leo được biết tới với cái tên lạc tiên, có tác dụng an thần, gây buồn ngủ. Người khó ngủ dùng một ly nước chanh leo giúp thư giãn tâm trí, giảm bớt căng thẳng, dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
Chanh leo cũng thường được sử dụng để chữa trị các vấn đề tiêu hóa và các bệnh liên quan đến dạ dày. Ông Sáng cho biết hạt chanh leo có một lượng chất xơ dồi dào giúp cải thiện đường tiêu hóa. Người có vấn đề về táo bón nên sử dụng chanh leo.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra trong chanh leo có chứa nhiều axit amin như prolin, valin, tyrosin, treonin, glycin, leucin, arginin.. tốt cho người bị suy nhược cơ thể, ông Sáng nói.
Chanh leo xuất khẩu (Ảnh: MH).
Lưu ý khi dùng chanh leo
Chanh leo mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe, tuy nhiên không nên quá lạm dụng. Ông Sáng khuyến cáo dùng chanh leo liều cao thường xuyên sẽ dẫn đến các tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, người đờ đẫn.
Do chanh leo có tính an thần nên có thể tương tác với các thuốc an thần và thuốc kháng histamine, làm tăng mức độ buồn ngủ. Do vậy, mọi người cần cẩn trọng, không dùng khi tham gia các công việc cần sự tập trung cao.
Ông Sáng lưu ý thêm chanh leo có thể gây dị ứng với người có cơ địa nhạy cảm. Do đó, người có cơ địa dị ứng không nên dùng.